Số lần ghé thăm

8/9/11

Trại hè Phú Quốc-Những kỷ niệm đi cùng năm tháng

Cuối cùng thì chuyến đi Trại hè tại đảo Phú Quốc-1 hòn đảo còn rất hoang sơ, 1 huyện đảo nằm ở tỉnh Kiên Giang xa xôi, của những cựu lưu học sinh 77-78 đã trở thành hiện thực. Vì những hoạt động chủ yếu của Trại hè rất chi là..." điên rồ" so với những công dân có tuổi đáng kính thế hệ U 50 như là: thi đấu bóng đá nam -nữ, thi các trò chơi kéo co, các đôi nam nữ đấu lưng nhau để chạy thi, dùng răng nhặt kẹo ở dưới đất, thi chạy bằng đôi chân ở trong bao tải, thi áo tắm Nữ hoàng du lịch, thi hát các bài dân ca bằng tiếng các nước, thi nhảy đầm non-stop suốt đêm....Thế mà giờ đây đã trở thành hiện thực.
Nhật ký Trại hè Phú Quốc
Vào lúc 12 giờ 31 phút (giờ Sài gòn) đoàn đã trở về an toàn kết thúc chuyến Trại hè chưa từng có trong lịch sử của bất cứ một lứa lưu học sinh nào, với một tâm trạng vô cùng phấn khích, hài lòng. Điều quan trọng là tình bạn của họ ngày một củng cố và nét mặt ai cũng rạng rỡ: nữ thì ai cũng như trẻ lại ...10 tuổi, nam thì mặt người nào cũng như hết các nếp nhăn ưu tư thường ngày, tuy thân thể có ê ẩm, rời rã bởi những cuộc khiêu vũ non-stop thâu đêm, những trận đấu chén...uống rượu mạnh mà không phải lo nghĩ gì đến nét mặt cau có của nửa còn lại của họ.
Trước khi rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhất ai về nhà nấy, khắp nơi đâu đâu cũng nghe thấy tiếng hẹn hò gặp lại nhau vào lúc 18 giờ 30 phút tại Vườn phố-1 nhà hàng tương đối sang trọng có sức chứa lớn tọa lạc tại 1 địa điểm gần sân bay Tân Sơn Nhất để cùng giao lưu tái ngộ trước khi chia tay.
Sau đây là phóng sự ảnh tường thuật lại chuyến đi từ khi rời phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc 9 giờ 15 phút ngày 30 tháng 4. Phóng sự về những hoạt động tại Phú Quốc sẽ được mình thể hiện theo dạng Nhật ký và chia thành nhiều chuyên mục nhỏ phù hợp với các hoạt động cụ thể để các bạn tiện theo dõi.
Những dư âm ngọt ngào của Trại hè Phú Quốc
Sự kiện Trại hè Phú Quốc không ngờ đã để lại dấu ấn khó quên không chỉ cho những thành viên tham gia đoàn đi Trại hè mà cả đối với hầu hết những cựu lưu học sinh thuộc lứa LHS77-78. Đặc biệt sự kiện này cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến 1 bộ phận ít người hiện đang sống tản mát ở nước ngoài.
Tối ngày 2/5-tức là chỉ 1 ngày sau khi cả đoàn về đến Sài Gòn an toàn, 1 cuộc gặp mặt đầy cảm động giữa những cựu LHS 77-78 đang sinh sống và làm việc tại đây với những người ở Hà Nội vừa đi từ Phú Quốc về đã được tổ chức bởi 1 số thủ lĩnh tích cực như bạn Lưu Quang Lộc, Vũ Thị Phương Mai ...với dàn trợ thủ năng động rất được việc như bạn Nguyệt (Quốc), bạn Kim Hà...tại Nhà hàng Vườn phố-khu ẩm thực quen thuộc của cánh đàn ông hay đá bóng nằm trong khu vực Quân khu 7 -1 nơi rất gần sân bay Tân Sơn Nhất và nhà em của mình.
Khi tụi mình đến địa điểm tập kết, theo hướng dẫn rất tận tình của nhân viên Nhà hàng Vườn phố, lên tầng 2 vào 1 phòng ở ngoài có treo biển ghi "Phòng VIP số 6". Khi cửa mở ra bên trong là hai dãy bàn thẳng tắp bày sẵn đồ ăn và ngồi cạnh bàn là những khuôn mặt mình vừa thấy đã rất quen thuộc (đó là những người vừa đi Trại hè Phú Quốc về cùng hôm qua), có những khuôn mặt mình trông ..quen quen (đó là những người bạn đã cùng học chung 1 thành phố), lại có cả những khuôn mặt mình nhìn mãi.. nhìn mãi... mà không thể nhớ là ai (ai mà nhớ được ....các bạn nam vì theo nguyên tắc hội đi Tây thì nữ ít nam nhiều).
Đâu đâu cũng thấy bàn tán râm ran về chuyến đi Phú Quốc,nhiều bạn không đi bây giờ mới tiếc vì bận việc nọ việc kia mà có biết là vui đến thế đâu. Lại có bạn (như bạn Phiệt) thì chỉ được biết về chuyến đi trước có 1 ngày, mình thấy áy náy cho Trưởng đoàn Mai quá- đã bị mất tiếng vì quá sức quản lý hội U 50 ở ngoài đảo, đến nay còn đang phải ngậm muối, uông nước giá sống...nay lại phải trả lời hết câu hỏi nọ câu hỏi kia của hội "trót" không đi, đại loại những câu như là: "Thế bao giờ thì tổ chức đi Trại hè?", "Năm sau thì tổ chức ở đâu vậy?". Buồn cười nhất là bạn Phiệt đã nhanh nhảu "đăng ký" với Trưởng đoàn Mai ngay từ bây giờ mặc dù Mai ra sức giải thích: "Vai trò trưởng đoàn của Mai đến đây là hết, mọi việc của chuyến đi năm sau thuộc về Ban liên lạc Trung ương"... ở Hà Nội- (ý Mai bảo ra đấy mà hỏi).
Càng lúc mọi người càng kéo đến đông, có rất nhiều khuôn mặt mới toanh, lần đầu tiên sau 30 năm mới gặp lại, có người mình nhớ tên, có người không tài nào nhớ. Nhưng nhìn ai cũng thấy toát lên 1 sự tự tin mà chỉ có nhũng người lứa U 50 mới có. Điều mà ai cũng cảm nhận đó là không khí ấm cúng rất gần gũi, thân quen của những cựu lưu LHS 77-78: họ gặp nhau, họ chào nhau, họ hỏi nhau về cuộc sống, về công việc, về gia đình....Và điều thật hạnh phúc đối với các chị em lứa U 50 đó là tất cả các bạn nam đều nhận ra các kiều nữ, có người còn kể chi tiết những kỷ niệm nho nhỏ thời học ở Thanh Xuân, thời du học trên đất khách quê người. Đúng là bây giờ mới biết người nhớ dai nhất là.. đàn ông chứ không phải đàn bà...Mà hình như càng những kỷ niệm ...buồn thì đàn ông càng nhớ lâu thì phải . (Ừ thì thầm yêu trộm nhớ 1 bóng dáng yêu kiều của bạn nữ cùng lứa ..mà không được yêu lại ..thì đó là buồn chứ làm sao vui được). Tuy phải nói các bạn nam trông già hơn các bạn nữ (chắc là phải mưu...sinh nhiều) nhưng tất cả có tính cách trẻ trung, yêu đời, rất thiết tha với những kỷ niệm của tình bạn ngày xưa. Vậy cái gì làm gắn bó những con người U 50 lại với nhau, tuy có cùng 1 background, nhưng bây giờ không phải ai cũng có hoàn cảnh giống nhau? Đó là câu hỏi làm mình trăn trở bấy lâu nay kể từ khi kết thúc chuyến đi để đời ở Phú Quốc. Tình bạn ư, vậy thế tình bạn của những cựu lưu học sinh lứa 77-78 khác gì tình bạn thời phổ thông, tình bạn thời đại học, tình bạn thời @ cùng đi học ở Trung tâm ngoại ngữ, đi đánh cầu lông, tenis, hay tình bạn cùng cơ quan...?.Chắc chắn phải có cái gì đặc biệt hơn thì mới làm nên được những sự kỳ diệu qua hai ngày trên hòn đảo hoang sơ đầy muỗi và không có gì là đặc biệt -những kỷ niệm ngọt ngào của thời gian ngắn ngủi đó sẽ đi theo mãi với chúng ta cùng năm tháng.
Theo mình thì có thể lý giải như sau: Thứ nhất: Tất cả chúng ta có chung 1 background ngay từ khi bỡ ngỡ xa môi trường gia đình để cùng chung sống với nhau gần như 24/24 ở Thanh Xuân (tất nhiên trừ 1 số ít là chưa đủ thời lượng đó). Thứ hai là đến nay tất cả những con người của thời Thanh Xuân đó nay đã là những công dân đáng kính thuộc lứa U 50. Mà như Khổng Tử ở Trung Quốc đã nói "ngũ thập tri thiên mệnh"...nghĩa là tuổi U 50 là tuổi của những người đã biết được mệnh trời. Suy diễn theo ý của Khổng Tử thì con người chúng ta từ tuổi 20 "nhị thập trưởng thành" đến tuổi 50 là đã có "thâm niên" 30 năm sống ở đời,là tròn một cuộc "bể dâu".... Với 1 vòng đời như vậy ai ai cũng đã trải qua quá trình học tâp (ở trên đất khách quê người), mưu sinh (cũng trên đất khách quê người),đấu tranh để kiếm sống, đã có thời gian trải nghiệm trên trường đời không chỉ với bản thân mà còn với cả xã hội đất nước. Ai cũng đã từng nếm hạnh phúc, đắng cay,vinh quang,tủi nhục...nghĩa là không ít thì nhiều đã thấu đáo với "nhân tình thế thái" của cõi đời. Chính vì vậy chúng ta đã hiểu được mệnh trời đã định cho mình, khi gặp lại nhau chúng ta nhìn nhau với ánh mắt cảm thông và dễ chan hòa hơn. Ngay cả mình với tư cách là luật sư, suy xét sự việc bao giờ cũng đặt trong mối tương quan với luật pháp. Nhưng đối với tình bạn thời Thanh Xuân, mình cảm thấy ở đó không tồn tại các quy luật nghiêm khắc (tuy rất cần thiết của đời thường), ở đó chỉ có tình bạn, sự cảm thông, nhường nhịn và sự cầu mong cho bạn thành đạt 1 cách chân thực nhất.
Vậy tại sao con người ở tuổi này lại bao dung như vậy? Có lẽ là vì ở tuổi này ta biết rất rõ ai là người bạn chung tình ,là tri âm tri kỷ hay đâu là kẻ bạc nghĩa,vô ơn...nói chung ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm sống. Và điều quan trọng chúng ta ai cũng biết kiên nhẫn...nhất là trong quan hệ đối xử với những người bạn năm xưa, thời mà tất cả chúng ta đều như nhau, không ai hơn ai. Ta nhìn được quanh ta rất rõ ai là người có thể kết bạn, ai là tri âm, tri kỷ, và ai không chơi được..nói chung là có kinh nghiệm sống để có thể tìm bạn mà chơi, chọn nơi mà đứng. Ngày nay do cuộc sống được cải thiện nhiều nên tuổi thọ con người ngày càng kéo dài ra, và tuổi 50 được coi như "chuẩn" của lứa trung niên,vẫn còn tràn trề sinh lực trong mọi hoạt động cá nhân cũng như trong xã hội....Và chúng ta hiểu rằng ở tuổi này là tuổi phải biết "mài kinh nghiệm" ra mà sống...Nên những dịp gặp gỡ, giao lưu,sinh hoạt cùng nhau chúng ta lại có cơ hội học hỏi kinh nghiệm sống từ bạn bè để làm cho cuộc sống của chúng ta phong phú thêm, tốt thêm.
Vấn đề bây giờ là phải quan tâm đến chất lượng sống của chính mình cũng như gia đình mình,tích cực trong mọi hoạt động và biết cách tự "trẻ hóa" mình thì sẽ luôn cảm thấy yêu đời hơn và ham sống hơn.
Theo Pháp lệnh người cao tuổi của VN thì những người thuộc U 50 được coi là lứa tuổi trung niên, tức là còn những 20 năm nữa mới được gọi người cao tuổi. Hiện nay ở Việt Nam có rất nhiều hội cao tuổi, tùy theo từng địa phương, họ tổ chức hội ngâm thơ, đánh cờ, tập dưỡng sinh, bóng bàn cầu lông... Gần đây, những người cao tuổi đã lấn sân sang khu vực dành cho tuổi teen : Khiêu vũ thể thao ! Có thể một ngày không xa, họ sẽ online tìm bạn ... tình già chia sẻ nỗi cô đơn như ở nước Nhật hiện nay đang rất thịnh hành!. Do vậy có thể nói rằng tuổi U 50 của chúng ta là tuổi đẹp nhất, chúng ta hãy dành cho tình bạn nhiều hơn, vì theo quy luật "cho và nhận", khi ta dành cho tình bạn nhiều thì tình bạn sẽ cho lại nhiều. Mình nói khi trở về từ trại hè Phú Quốc các bạn nữ trông trẻ lại 10 tuổi. Còn bạn Phạm Hồng Quang thì nói chúng ta như trẻ lại 1 phần tư thế kỷ. Cũng qua đợt trại hè Phú Quốc mình thấy điều quan trọng là cần giữ gìn sức khỏe để dành cho các chuyến đi sau. Người ta nói người trẻ là do tinh thần trẻ,tính tình trẻ chứ không nhất thiết là cơ thể trẻ trung (mà nếu có thì càng tốt chứ sao).
Thế nhé, đến giờ ra sân bay để trở về cuộc sống luật sư đầy bận rộn, tạm biệt các bạn. Với tấm lòng chân thành chúc các bạn hãy sống mãi mãi tuổi 50.
Nhân tiện treo 1 số hình ảnh sau chuyến đi Phú Quốc để các bạn cảm nhận được dư âm của chuyến đi lịch sử đó có ý nghĩa như thế nào đối với tất cả chúng ta…
Trại hè Phú Quốc: Nghệ thuật ẩm thực cho tuổi U50
Có 1 điều không phải ai cũng biết đó là phần lớn các thành viên của đoàn (chủ yếu là cánh đàn ông) chỉ sung sức có ngày đầu tiên, sang ngày thứ hai đã có hiện tượng bỏ tham quan ngủ vùi vì uống nhiều rượu, có người lên thuyền ra khơi nhưng lại chui vào góc thuyền ..ngủ. Nhất là tình cảnh bị Tào tháo đuổi, suy sụp sức khỏe do mất nước, chân cẳng đau nhức do kéo co, đá bóng, nhảy đầm hăng quá…May mà Trưởng đoàn Mai sáng suốt chỉ tổ chức đi có hai ngày đêm ..nếu không ngày trở về chỉ còn bóng đàn bà, con trẻ là còn lành lặn…
Do vậy cần phải có sự tổng kết rút kinh nghiệm cho các chuyến đi sau:
Thứ nhất: Nhận xét về khả năng miễn dịch của lứa U 50: Theo các chuyên gia về sức khỏe thì những người thuộc lứa U 50 như lứa LHS 77-78 tuy chưa phải là người cao tuổi nhưng cũng đã bị gọi là người có tuổi. Tuổi tác làm cho các hoạt động chuyển hóa và dinh dưỡng của những người U 50 có nhiều biến đổi thường là theo chiều hướng xấu cụ thể quá trình chuyển hóa chất béo, quá trình tiêu hóa hấp thu chất đạm kém.Con người ở tuổi này, trước sự tàn phá của thời gian, hệ tiêu hóa đã không còn được khỏe như thời U 20-đó là quy luật sinh tồn, con người ta có thể không lấy vợ, không đẻ con, không làm việc…nhưng chắc chắn là vẫn phải ăn uống. Bộ máy tiêu hóa phải làm việc liên tục 50 năm thì chắc chắn là không thể …vẫn chạy tốt được. Do đó ở lứa tuổi này những cảm nhận về vị giác (mặn, ngọt, chua, cay), cảm nhận về khứu giác (khả năng nhận biết mùi thức ăn), khả năng nhìn (hình dạng, màu sắc thức ăn), cảm nhận về âm thanh khi nhai thức ăn (giòn hay không giòn) hầu như đều bị giảm, tuy có những mức độ khác nhau. Ngoài ra các hoạt động chuyển hóa và dinh dưỡng của những người U 50 có nhiều biến đổi. Cùng với thời gian, việc tiêu thụ năng lượng của cơ thể cũng bị hao mòn, do đó vấn đề ăn uống hợp lý, đúng giờ giấc nhằm cung cấp năng lượng và tu bổ những hao mòn, đảm bảo cho các chức năng cơ thể được hoạt động bình thường là việc hết sức quan trọng. Như vậy chuyến đi Trại hè Phú Quốc đã làm xáo trộn cuộc sống sinh hoạt thường ngày của các công dân đáng kính lứa U 50, là nguyên nhân làm suy giảm khả năng miễn dịch, gây bệnh…cho các bạn nam. (Đến nỗi có một số người không thể tham gia các hoạt động giao lưu tụ tập mặc dù rất muốn đi. Chắc chắn khổ chủ nằm ở nhà cũng tiếc lắm) .
Thứ hai: Nhận xét về việc ăn trong hai ngày ở Phú Quốc: Trong thời gian ở tại Phú Quốc, việc ăn uống không thuộc quyền quản lý của các bà vợ đảm đang và tất cả mọi người phải tuân theo 1 thực đơn. Theo nhận xét của mình chỉ có bữa ăn đầu tiên khi đến đảo là tương đối giống thực đơn ở nhà: cụ thể là có cơm trắng, canh nóng (bên cạnh các món đặc sản của đảo). Còn các bữa sau thì chủ yếu là các thức ăn cung cấp chất đạm, chất béo (cá, thịt, tôm, cua…) trong khi thiếu nguồn rau xanh, củ quả. Nhất là thiếu món canh (súp) nóng để bảo vệ dạ dày thực hiện chức năng tiêu hóa. Theo mình món canh nóng rất cần thiết trong bữa tiệc liên hoan vì không chỉ thế còn tốt cho vị giác, mà còn tạo khả năng hấp thụ và tiêu hóa.
Một điều nữa là cách chế biến món ăn ở đây: Mình nhận thấy ở Phú Quốc cách chế biến chủ yếu là món nướng: ngao nướng, sò huyết nướng, tôm nướng, thịt lợn nướng (giống món saslức của Nga) nhưng ai đảm bảo là đồ nướng là chín hết…nếu chỉ xém bên ngoài mà bên trong vẫn sống thì chỉ ai có "ruột đồng dạ dày sắt” may ra mới tránh khỏi họa đau bụng, khó tiêu…Thật là sợ quá..may mà không có ai bị vi rút thịt sống chui vào ruột gậm nhấm (như Tôn Ngộ Không "nhảy đầm" trong dạ dày của công chúa La Sát-vợ của Ngưu Ma Vương...) Có khi lại mất mạng chứ chẳng chơi…
Thứ ba: Nhận xét về việc uống tại Phú Quôc: Về việc uống thì đúng là đã vượt quá mức đối với người tuổi U 50. Mình thấy không có bữa ăn nào là các bạn nam không uống (uống rượu, uống bia, thậm chí nước ngọt)…Đành rằng cuộc vui nào cũng phải có chất cay thì mới vui, nhưng uống quá thì sẽ say, mà say thì sẽ mệt là đúng quy luật. Nhất là việc uống lung tung các loại rượu cũng là tạo hậu quả không tốt cho cơ thể. Ai đời một bữa tiệc liên hoan ngoài trời tồi 30/4 mà uống 4 loại rượu: votka, rượu sim, rượu uytxki, rượu cuốc lủi…thì có Tề thiên đại thánh cũng say. Mà lại uống rượu mạnh bằng cốc uống nước chứ không dùng ly nữa thì làm gì mà chẳng "ba say chưa chai". Nhất là khi uống bia thì hầu hết các bạn nam đều bỏ thêm đá để bia lạnh. Vậy có ai kiểm tra xem đá được làm từ nước chin hay nước lã. Nếu là nước lã thì việc đau bụng là tất yếu..không oan uổng gì cả.
Theo mình trên đây là 3 nguyên nhân chính gây hậu quả cho cánh đàn ông lứa LHS77-78 qua đợt Trại hè lịch sử vừa qua.
Tóm lại : Qua tổng kết hai ngày trên đảo Phú Quốc chỉ có mỗi cánh chị em tình thần lẫn sức khỏe vẫn như ngày đầu (nói vui là “còn lành lặn nguyên vẹn”). Còn cánh đàn ông thì chán quá…lớp bị thương (do bị Tào Tháo đuổi), lớp ngắc ngoải, lớp tuy không bị sao nhưng gân cốt rã rời…tinh thần cũng kém hưng phấn so với ngày đầu. Chính vì vậy mà buổi gặp gỡ sau khi đi Phú Quốc về tại Nhà hàng Vườn phố thiếu hẳn nhiều khuôn mặt quan trọng, khách đến dự chủ yếu là những người không đi Phú Quốc. À, có bạn đi nhưng ngồi im không nói gì vì mệt quá (như bạn Huy Thái chẳng hạn, mất cả giọng nên đành ngậm ngùi không thể cùng mình hát karaoke được. Chẳng bù cho mấy hôm ở Phú Quốc, tiếng bạn Thái lúc nào cũng như Trương Phi ở trên cầu Trường Bản).
Rút kinh nghiệm: Từ sự kiện Phú Quốc cần rút kinh nghiệm cho các chuyến đi sau:
- Phải cử 1 người chịu trách nhiệm về lĩnh vực ăn uống để giảm thiểu các rủi ro cho cho lứa U 50.
- Ngoài ra phải có kế hoạch mang thuốc đau bụng, chống đầy hơi, kích thích hệ tiêu hóa để can thiệp kịp thời những “sự cố” về ăn uống, nhất là khi có hiện tượng ngộ độc thực phẩm.
- À còn phải tìm bác sĩ cho đoàn nữa (thôi chỉ cần y sĩ, y tá là đủ).
Mình đã chọn lọc một số ảnh chụp bữa liên hoan đầu tiên ở đảo Phú Quốc để minh họa cho bài viết, mời các bạn xem:
-Về các món ăn và cách chế biến:
Không có cơm trắng và canh nóng, không có món rau xanh…































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét