Số lần ghé thăm

21/9/11

Tài phán hành chính -biện pháp hữu hiệu mở rộng dân chủ

Cũng như các nước VN cũng có tài phán hành chính bắt đầu xuất hiện từ năm 1996 khi Nhà nước ban hành Luật tổ chức tòa án hành chính và Pháp lệnh về tố tụng hành chính . Đây là một vấn đề rất lớn gắn liền với công cuộc đổi mới, với cải cách nền hành chính quốc gia, cải cách hệ thống tư pháp, nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, từng bước để hướng tới 1 ngày mai tươi đẹp hơn.
 Đó còn là thể hiện sự cố gắng của VN trong lĩnh vực mở rộng dân chủ vì Nhà nước đặt ra pháp luật thì chính cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước phải tuân theo pháp luật, do vậy, phải có một cơ chế kiểm soát hữu hiệu hoạt động của cơ quan quản lý, điều hành xã hội, khắc phục những biểu hiện cửa quyền, lạm quyền, lộng quyền hoặc trốn tránh thẩm quyền, vô trách nhiệm trước nhân dân, bảo vệ các quyền tự do dân chủ của nhân dân đã được pháp luật ghi nhận. Đó chính là nhiệm vụ của Cơ quan tài phán về hành chính ra phán quyết về tính hợp pháp hoặc bất hợp pháp của quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước, khi những quyết định và hành vi đó xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Túm lại, sự ra đời và hoạt động của Toà án hành chính là yếu tố không thể thiếu của một Nhà nước pháp quyền và dân chủ.
Đấy là về lý thuyết còn về mặt thực tiễn ai cũng biết tài phán hành chính là vấn đề lớn và nhạy cảm hiện nay vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu vì đây cũng là 1 thiết chế mới mẻ, tuy nhiên để xây dựng được 1 hệ thống tài phán hành chính một cách toàn diện và sâu sắc đòi hỏi phải có thời gian chứ không thể có được trong ngày 1 ngày 2 như dân gian đã nói “từ từ thì khoai mới dừ …"chứ vội vàng muốn "mì ăn liền " thì có mà cháy ...hết cả "chì lẫn chài ” và điều quan trọng là phải tương thích với nền hành chính quốc gia và truyền thống pháp lý của VN chứ không phải sao chép nguyên bản của đâu đó.
Xuất phát từ tình hình khiếu nại hành chính và việc giải quyết các khiếu nại hành chính trong thời gian qua cho thấy tình hình khiếu nại, tố cáo nói chung và khiếu nại nói riêng của người dân đối với cơ quan hành chính ngày một gia tăng, nhiều trường hợp đã trở thành những “điểm nóng” điều này đã làm cho những vấn đề chính trị - xã hội vô cùng phức tạp. Tuy biết vậy và đã có nhiều nỗ lực từ phía nhà nước để hạn chế bớt độ "nóng bỏng" của tình trạng khiếu kiện hành chính nhưng về cơ bản vẫn chưa giải quyết được. Có nhiều lý do nguyên nhân trong đó có sự chưa hiệu quả của tài phán hành chính. Theo báo cáo của ngành tòa án thì thực tiễn hoạt động của Toà hành chính trong những năm qua còn nhiều vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và xã hội, số lượng đơn khiếu kiện nhiều nhưng thực tế xét xử vẫn còn quá thấp, tỷ lệ án bị sửa, huỷ quá cao .
Trong thực tế cho thấy có rất nhiều vấn đề bất cập dẫn đến việc giải quyết các tranh chấp hành chính chưa đạt hiệu quả như mong muốn, các vấn đề đó là : thẩm quyền xét xử của Toà án hành chính (hiện nay tuy cụ thể nhưng có ý kiến cho rằng vừa quá rộng lại vừa quá thiếu, bất cập), tiêu chí để xác định những quyết định nào được coi là quyết định hành chính (vì thực tiễn cho thấy, ngoài quyết định hành chính do cơ quan hành chính ban hành, còn có nhiều quyết định có tính chất hành chính nhưng không phải của cơ quan hành chính nhà nước ví dụ các quyết định có tính chất hành chính của các tổ chức, đoàn thể xã hội, của các cơ quan nhà nước khác (Toà án, Viện kiểm sát, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước...); đi tìm mô hình tổ chức của tòa án hành chính (hiện nay Toà án hành chính tổ chức thành phân toà trong Toà án nhân dân); vấn đề xung đột thẩm quyền giữa Toà án hành chính và cơ quan hành chính cấp trên trong việc phán quyết văn bản của cơ quan hành chính cấp dưới; nhất là vấn đề phân cấp giải quyết- là vấn đề khá phức tạp nhất (nhiều quan điểm cho rằng cần quy định các khiếu kiện đối với cấp chính quyền nào đó thì phải khởi kiện ở Toà án cấp trên thì mới đảm bảo tính khách quan )…
Do đó việc thiết lập Toà án hành chính là quan trọng, tuy nhiên để đảm bảo cho tòa án hành chính hoạt động hiệu quả thì cần có pháp luật tài phán hành chính đầy đủ, phù hợp với các chuẩn mực của luât pháp quốc tế. Đó là lý do VN đang gấp rút xây dựng và ban hành Luật tố tụng hành chính do Chính phủ là Cơ quan trình dự thảo, Cơ quan chủ trì soạn thảo: Toà án nhân dân tối cao và Uỷ ban Tư Pháp của Quốc hội thực hiện chức năng thẩm tra. Và cũng là mục đích của cuộc hội thảo góp ý cho dự thảo (lần thứ 4) Luật tố tụng hành chính của 1 dự án do 1 tổ chức phi chính phủ tài trợ được tổ chức tại Khu du lịch sinh thái Đầm Long –Ba Vì
.
Trong hội thảo có nhiều đóng góp của các luật sư đã từng tham gia nhiều vụ án hành chính xuất phát từ tình hình thực tế hành nghề tranh tụng trong lĩnh vực tố tụng hành chính mà chủ yếu là nêu các bất cập tính hình thức kém hiệu quả của cái tòa án hành chính hiện hành mà dự thảo Luật tố tụng hành chính chỉ mới khắc phục 1 phần nhỏ ...tuy ai cũng hiểu "biết rồi khổ lắm nói mãi ..."
Thành phần tham dự Hội thảo hôm nay ngoài 1 số luật sư thuộc Đoàn luật sư HN có nhiều kinh nghiệm tham gia tranh tụng hành chính mình thấy có cả chính quyền, đảng và các ban ngành của huyện Ba Vì tham gia...

Thực ra mục đích Hội thảo chỉ lấy ý kiến về các quan điểm đang khác nhau trong dự thảo để chuẩn bị trình Quốc hội thông qua , nhưng tiện mồm các luật sư cũng đóng góp nhiều ý kiến ra ngoài phạm vi nội dung dự thảo đó là nên loại bỏ cả những quy định bất cập trong Luật sắp được ban hành ...vì biết nó sẽ trở thành rào cản hạn chế tính hiệu quả của tòa án hành chính ...mặc dù ai cũng biết đó là điều chưa thể được mà cần phải có lộ trình và thời gian hợp lý ...Đó là tình trạng "lực bất tòng tâm " nên con người phải biết chấp nhận hoàn cảnh , biết chờ đợi cho đến một ngày mai tươi đẹp hơn ngày hôm nay

PS. Sau đó 1 năm thì luật tố tụng hành chính được ra đời.
...............



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét