Số lần ghé thăm

14/9/11

Đặc sản Hà thành

Món bánh cuốn nóng
Món này thì chẳng thể gọi là đặc sản được và đối với nhiều người thì chẳng có gì là cao lương mỹ vị.Nhưng đối với mình thì lại là 1 trong những món ăn ưa thích, mình biết có nhiều người HN gốc rất mê món ăn bình dân này, thậm chí món ăn dân dã này cũng đã theo chân những người VN phiêu bạt nơi đất khách quê người, tạo nên một món ăn đặc biệt của những người VN xa quê-hình như tiếng Anh là Rolled rice pancake.


Trong kho tàng ẩm thực VN ngoài bánh cuốn Thanh Trì còn 1 loại cũng làm từ nước bột gạo xay mang tên “bánh cuốn nóng” nhưng công thức chế biến cũng như hương vị lại hoàn toàn khác nhau. Điều đặc biệt là mình được thưởng thức món bánh cuốn nóng này-1 cách trọn vẹn, bài bản…) không phải ở 1 góc của 1 con phố cổ ở Hà Thành mà ở trên vùng núi cao Bắc Kạn trong 1 chuyến tham gia vụ án hình sự dài ngày xử ông vua Tày ở nơi đây. Xin công hiến cho làng ẩm thực bantoi thêm 1 món đặc sản truyền thống của đất nước ngàn năm văn hiến của chúng ta-đã góp phần tạo nên khái niệm “quê hương” của mỗi con người.
Lần này quay trở lại vùng sơn cước, trời đã se lạnh chứ không nóng như hồi đoàn LHS 77-78 đi offline tháng trước. Đoàn của mình được bố trí ở 1 khách sạn mini (nhà khách loại sang) chỉ đi có 3 phút là đến nơi xử án, cũng gần nhà hàng ăn mà mình đã hợp khẩu vị. Đặc biệt ngay cạnh đó có 1 quán bán bánh cuốn nóng gia truyền mà chủ quán gốc ở Nam định lên đây lập nghiệp năm 1997 (khi tái lập tỉnh Bắc Kạn và TP. Thái Nguyên -tách ra từ tỉnh Băc Thái), cũng là đệ tử của thân chủ của mình. Mình rất ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người đến đây thưởng thức món bánh làm từ bột gạo xay thành nước nhưng mang hương vị vô cùng đặc biệt.
Buổi sáng tại vùng sơn cước này, trong không khí trong lành, khí trời se lạnh, ngồi bên cạnh lò tráng bánh cuốn…đợi chủ quán mang lại 1 đĩa trên xếp mấy thỏi bánh cuốn lộ rõ những vầng thịt lợn băm xào săn qua lớp vỏ bánh trắng ngần như làn da của con gái vùng cao…kèm theo là 1 bát nước dùng bốc mùi thơm ngào ngạt…
Cắn một miếng bánh cuốn tráng trứng thơm lừng, chậm rãi nhai từ từ để lắng nghe hương vị đồng quê như tan trong miệng, kèm thêm miếng chả lụa hay vị thịt lợn xào săn, béo ngậy, thơm mùi hành phi mỡ cháy vàng, chiêu 1 thìa nước dùng nóng hổi...thơm mùi hành hoa. .ta sẽ cảm nhận được hương vị ngọt, béo, thơm, cay, chua... hòa quyện với nhau, quả là một món quà sáng vô cùng đặc biệt.
Còn ai ăn bánh cuốn nước thì cứ việc chậm rãi cắn từng miếng bánh cuốn cái lòng đỏ trứng vẫn còn hồng đào bên trong và húp cái thứ nước hầm với xương cho vị ngọt thật đậm sắc không giống thứ nước ngọt lờ lợ của mì chính …cứ thế mà thưởng thức cho đến hết không còn 1 cái gì trong bát…
Đặc sản thịt dê
Hôm nay, thứ bảy, như thường lệ các luật sư lại tụ tập ở Văn phòng (ai bận thì thôi) và bàn nhau ăn gì, ở đâu. Đúng là cái nghề "thầy cãi"-có cái mồm thì tận dụng tối đa, giỏi cả đường ăn uống…
Ở Hà nội có rất nhiều nhà hàng chuyên phục vụ món đặc sản được giới sành ăn ưa chuộng – thịt dê. Nhưng không phải nhà hàng nào cũng chế biến ngon và nguyên liệu thịt dê đảm bảo chất lượng (còn giá cả thì thực ra không chênh nhau mấy).
Nhà hàng Tuấn Hằng nghe thấy bảo có thương hiệu vì thịt dê nguồn từ Ninh Bình thì phải (dê ngon hơn các vùng khác vì nuôi trên núi đá, ăn đa dạng các loại lá cây nên thịt săn chắc hơn so với dê thả đồi). Nhưng quan trọng là bí quyết chế biến biến dê món đặc sản nổi tiếng (chứ ai cũng biết dê là con vật rất hôi).
Có người hỏi bảo thịt dê còn bổ hơn thịt bò. Thấy bảo về giá trị dinh dưỡng, thịt dê có hàm lượng chất đạm cao hơn. 100g thịt dê cung cấp đến 20g chất đạm trong khi lượng đạm được cung cấp từ bò chỉ khoảng 18g. Tuy đạm cao, nhưng hàm lượng chất béo thì lại không cao, nên tổng năng lượng từ thịt dê thấp hơn, khoảng 125 kcalo/100g với 145 kcalo/100g thịt bò…

Thịt cò: Cò xào sả ớt
Món thịt cò cũng được xếp vào danh mục ẩm thực thuộc loại quý hiếm bởi vì cò thuộc loài vật sống hoang dã, khó nuôi và không dễ săn bắt hoặc bẫy như các loài chim cầm khác. Mặt khác bản chất giống cò vốn lặn lội bờ ao, đầm chỗ bùn lầy nước đọng, ăn cá, ăn tôm vốn có chất tanh nên thịt cò không biết cách chế biến thì rất tanh không thể ăn được. Vì thế thịt cò trở thành món đặc sản quý ít có cơ hội thưởng thức. Nghe nói chân con cò là 1 món thuốc rất bổ và quý cho phụ nữ đã qua sinh nở. Ở Hà Nội có 1 vài nhà hàng tuy có ghi thịt cò trong menu nhưng đa phần là thịt cò rởm (thấy bảo đó là thịt chim cút hoặc vịt con). Nếu là thực khách quen may ra sẽ được nhà hàng phục vụ thịt cò thật nhưng chắc chắn 100% là ướp lạnh chứ không thể loại tươi sống được.

Vịt cỏ Vân Đình.
Hà nội vào hè, thời tiết khí hậu nóng bức, nhưng nhu cầu ăn uống vẫn cần vì cổ nhân có câu “có thực mới vực được đạo”. Do đó những món ăn bổ dưỡng đảm bảo cho sức khỏe nhưng phải mát, không gây cảm giác nóng rất được dân cư Hà thành ưa chuộng . Đã từ lâu lắm người Hà nội sành ăn không ai không biết đến 1 giống vịt mang tên địa danh Vân Đình đã trở thành đặc sản góp phần phong phú thêm thế giới ẩm thực của đất ngàn năm văn hiến.
Giống vịt Vân Đình thường gọi là vịt cỏ (là loại vịt nhỏ khác hẳn vịt Bắc kinh, mỗi con nặng khoảng 1 kg), được chính chủ nuôi, thuần ăn thóc nên có da mỏng, khi luộc lên vàng căng, non tơ với vị ngọt đậm đà, miếng thịt chắc nịch, vừa thơm đặc trưng của mùi vịt, lại vừa giữ nguyên chất nước thịt ngậy thơm, mỡ.
Hiện nay ở Hà nội có nhiều nhà hàng chuyên phục vụ các món ăn chế biến từ loài vịt cỏ này (gần nhà mình cũng có 1 quán vịt nổi tiếng ở đoạn vòng từ Lâm du (hướng cầu Long Biên) sang Ái mộ (đường đi Bát tràng), cứ chập tối cho đến 10 giờ đêm là dập dìu trai thanh nữ tú từ Hà nội sang thưởng thức. Mỗi nhà hàng đều sở hữu 1 số món riêng, dưới bàn tay khéo léo tài hoa của bếp trưởng cộng thêm cách chọn lựa nguyên liệu rất độc đáo đã tạo nên món ăn đặc trưng riêng của từng nhà hàng và tạo nên thương hiệu của từng nhà hàng. Đó là cách giữ chân khách hàng hữu hiệu nhất thể hiện tư duy mới khác xa với thói kinh doanh chụp giật ngày xưa chỉ cần bán cho 1 khách 1 lần. Với chiến lược kinh doanh mới này đã làm cho thực khách ăn 1 lần ra về và lần sau vẫn tìm đến…dù nhà hàng có chuyển địa điểm về đâu. (Đấy ai ở Hà nội khi đi qua Bờ Hồ nhìn thấy hàng phở “Phở Thìn Lò Đúc”, còn ai đi qua đường Nguyễn Văn Cừ ở quận Long Biên gần chỗ soát vé cũ sẽ nhìn thấy biển đề "Xôi xéo Yến ở Nguyễn Hữu Huân” chẳng hạn.)
Mình đã ra kiểm tra thì đúng là món tiết canh vịt khách đến nơi gọi nhà hàng mới cắt tiết vịt (vịt có dấu xác nhận của kiểm dịch), khách có thể tự chọn con nào nhanh nhẹn, nhà hàng hãm tiết canh chế biến tại chỗ nên thực khách phải đợi hơi lâu. (Đợi cũng không sao, lâu 1 tý nhưng an toàn. Chứ bình thường là nhà hàng mua sẵn tiết vịt từ lò mổ về đánh tiết canh đổ ra các bát, rồi để tủ lạnh bán dần cho thực khách. Vì thế nên mới không biết nguồn gốc vịt và con vịt có bị bệnh hay không).
Thực đơn hôm nay mình chọn gồm: Vịt chiên cay là món mình chưa ăn bao giờ. Nhìn đĩa vịt chiên cay thì thấy món này hấp dẫn bởi mầu sắc và mùi hương: Sắc vàng sậm, phảng phất hơi khói lửa là nét quyến rũ riêng của món vịt nướng (nhưng lại không hẳn vậy). Còn cảm giác về vị thì …ngon, thơm như thịt thú rừng (chứ không bở) nhưng vẫn đậm đà mùi vịt…thế mới lạ. Lại có chút gì dân dã, bình dị khẽ len lỏi trong ấn tượng của khách khi nếm vị bùi, ngậy của miếng thịt. Món vịt chiên cay hoàn toàn khác với món quay và món nướng. Ai đã thưởng thức món vịt quay- từ trước đến nay luôn được đặt lên hàng đầu trong thực đơn “món nhậu” của người sành ăn thì nay khi thưởng thức món vịt chiên cay sẽ thấy vịt quay còn kém 1 bậc. Thịt không khô như vịt nướng lại không béo như vịt quay Bắc kinh, da căng vàng mầu sô cô la, được ướp tẩm gia vị ngấm sâu trong mỗi lớp thịt. Hương thơm dậy mùi và màu vàng bắt mắt, mới nhìn đã muốn thưởng thức.

Thịt chim trời (chim rừng)
(Thuật ngữ “chim rừng hay chim trời” mục đích là để phân biệt với loài chim nuôi như chim bồ câu).
Sáng nay thứ bẩy, cty vẫn làm việc (chỉ nghỉ buồi chiều). Vì hôm qua đi Đồ Sơn nên sáng nay mình đến cty giải quyết 1 số việc cần làm ngay. Chắc có thông tin giám đốc cty đang ở văn phòng nên khoảng hơn 9 giờ thêm mấy luật sư nữa cũng lục tục đến, có người tranh thủ lấy giấy giới thiệu để ra tòa, có người thì tranh thủ hỏi mình 1 số vấn đề nghiệp vụ hoặc đưa 1 vụ án để mình xem may ra có góp ý kiến gì cho họ về hướng xử lý…. Cũng là dịp các luật sư chúc mừng nhau cho những vụ án đạt kết quả trong thời gian qua. Ngày thường ai cũng có công có việc nên thường các luật sư tụ tập vào buổi sáng thứ bảy. Thôi thì đủ thứ chuyện trên trời dưới biển, kể cả những tin có đóng dấu “tối mật” đến những cái tin tầm phào … và qua các câu chuyện phiếm của các luật sư cho thấy 1 thực tế: Thời gian đã ngót giữa năm 2011, mọi hoạt động của Ban chủ nhiệm các Đoàn luật sư chỉ tập trung cho việc tiến hành Đại hội lần thứ nhất của Liên đoàn luật sư toàn quốc-1 tổ chức quan trọng đáng lẽ đã phải ra đời từ năm 2005 theo lộ trình ký kết giữa VN và Hoa Kỳ…Nhưng tình hình không có gì cải thiện, môi trường hành nghề của giới luật sư vẫn như thế: vất vả ngược xuối trong nền kinh tế thị trường đầy biến động, bao khó khăn trong hành nghề vẫn diễn ra hàng ngày, nguy hiểm luôn rình rập từ mọi phía nhắm vào ông luật sư-mà nói trắng ra –là chẳng có gì bảo vệ ngoài cái… cái đầu luôn phải lạnh để tỉnh táo, quả tim luôn phải nóng để nuôi ngọn lửa yêu nghề và cái mồm phải được tận dụng triệt đệ để thực hiện quyền “cãi” -1 thứ quyền đặc biệt có lẽ chỉ được Nhà nước dành riêng cho luật sư. (Ơ sao không dùng từ “cái lưỡi” nhỉ.Nhà thơ ngụ ngôn người Pháp đã đặt tên cho 1câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng triết lý của mình là “Cái lưỡi của E dốp” chứ có tên là “Cái mồm của E dốp” đâu)…Lại nói đến 1 trong những công cụ cơ bản của ăn. Quanh đi quẩn lại vẫn là ăn. Nhớ câu phương ngôn đúc kết từ ngàn xưa:”Tay làm, hàm nhai. Tay quai, miệng trể” (ý là “có làm thì có ăn, không làm thì khỏi ăn”). Nhưng hình như lý thuyết này không áp dụng cho giới luật sư. Thì đấy: dù không có việc nhưng vẫn liên hoan đều…Đây cũng là tính đặc thù chỉ có ở …giới luật sư . Phát minh này của mình làm cả hội khoái chí, 1 vị hăng hái đề xuất đi ăn đặc sản thịt chim rừng (hay chim trời ) cũng được. Hiện nay giới sành ăn Hà Thành đang chuyền dần khẩu vị từ hải sản tươi sống (loài dưới nước) sang loài bay trên trời (mà giá đắt hơn nhiều lần so với loài dưới nước vì bắt khó hơn và cũng nguy hiểm hơn vì có nhiều loài chim thuộc loại động vật hoang dã được Nhà nước bảo vệ).
11 giờ cả hội xuất phát điểm hẹn là 1 nhà hàng trên phố Đốc Ngữ (-nơi có quán massage đầu tiên nhất của Hà Nội thời năm 1990). Đến nơi thấy có biển đề Quán Chim rừng.
Quán là 2 nhà hàng liên hoàn bố trí với 2 kiểu bày mâm khác nhau: 1 nhà thì khách ngồi trên thảm trải trên sàn, đồ ăn bày trên các mâm thấp như của người Nhật hay Hàn Quốc...
Chỉ cần đọc lướt thực đơn thì hiểu các mặt hàng ở đây thuộc diện cấm săn bắt, vận chuyển, kinh doanh. Trong số các loài chim có loài đã gần tuyệt chủng. Kể cả các loại côn trùng –có nhiều loại bây giờ mình mới được biết. Và phần lớn thuộc các loài mình chưa được thưởng thức, nghe nói có 1 số loài chim quý vì được coi như vị thuốc. Nếu không có vị khách quen gọi điện trước thì chắc nhà hàng sẽ xin lỗi khéo với khách là “hôm nay hết, mong các quý khách dùng tạm món khác (gà đồi, chim bồ câu, hải sản quen thuộc…) vì tâm lý những nhà hàng kinh doanh mặt hàng “nhạy cảm” thì họ chỉ phục vụ khách quen, không phục vụ cho khách lạ vì sợ “sập bẫy”…
thịt chim rừng xứng đáng là đặc sản. Món thịt chim nướng rất ngon, thịt có vị ngọt, rất mềm và chắc và có 1 vị rất đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ thịt nào khác. Nếu theo thực đơn thì tại nhà hàng này phục vụ rất nhiều loại chim quý hiếm, nên lần này không phải lần cuối cùng cả hội thăm viếng nơi đây.
Khi thanh toán mới thấy món thịt chim rừng quả là không rẻ. Mình nghĩ thầm “May mà đắt, chứ thịt chim ngon và bổ như vậy, nếu giá thành rẻ thì e con cháu chúng ta có dịp về nông thôn, cũng không nhìn thấy 1 bóng chim nào bay về tổ mỗi khi chiều về”. Chính thói xa hoa sành điệu trong ăn uống của 1 bộ phận người có tiền trong xã hội đã gây ra hậu quả làm môi trường thiên nhiên mất đi sự cân bằng. Và chính chúng ta đã phải chịu hậu quả rồi…chứ chẳng phải đợi đến đời con cháu chúng ta như các cụ thường nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Nhớ lại một thời, thói quen thích ăn món ốc bươu vàng -đặc sản, đã gây ra cơn sốt nhập ốc bưu vàng thả vào ruộng lúa để kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống. Và từ đó con ốc bưu vàng với sự sinh sản nhanh đến chóng mặt đã nhanh chóng trở thành "quốc nạn" ốc bưu vàng vì có sức tàn phá hàng trăm mẫu ruộng trồng lúa đang lên đòng ở thời kỳ “lúa con gái”. Nếu các loài chim trời bị tuyệt chủng thì chẳng những hình ảnh những cánh chim bay ngang qua bầu trời xanh chỉ còn trong các trang sách giáo khoa, mà còn có nguy cơ lúa bị tàn phá. Bởi các loại sâu bọ- sinh sản rất nhanh và số lượng tăng ngày nhiều vì không còn các con chim trời cần mẫn nhặt sâu cho cây lúa chóng đơm bông, đem lại “mùa vàng ấm no“ cho người nông dân-lớp người luôn là phải chịu khổ và thiệt thòi nhất trong xã hội mặc dù tỷ lệ chiếm cao nhất 70% . Mình chợt nhớ có nhà kinh tế nước ngoài đã tìm ra công thức phân chia của cải trong xã hội như sau: giới chủ chỉ chiếm 20% nhưng lại quản lý 80% của cải, 20% của cải còn lại thuộc về những người lao động chiếm 80% trong xã hội (không biết áp dụng vào tình huống này có chính xác không nhỉ).
Tuy dũng cảm nhận diện được „thói hư tật xấu” của giới luật sư, nhưng của đáng tội, nếu được thì vẫn nên quay lại đây thêm… vài lần nữa để thưởng thức thịt của một số loài chim lạ (thịt ngon, bổ và coi như 1 vị thuốc). Cái suy nghĩ mâu thuẫn này làm mình bất giác nhớ lại bài thơ Con cá chột nưa của Tố Hữu nói về cuộc đấu tranh giữa lý trí với mưu cầu vật chất trong nội bộ con người(hay nói cách khác cuộc đấu tranh của con người với chính bản thân con người). Mình chỉ nhớ vài câu:
“Cái bụng cứ nằn nì
Ăn đi, thôi ăn đi
ăn đi vài con cá,
ăn vài cái chột nưa,
Có ai biết ai ngờ
Thế vẫn tròn khí tiết”…

Gỏi cá hồi
Sau một buổi làm việc để giải quyết tranh chấp đòi lại địa điểm kinh doanh ở 153 Giảng Võ (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Thực phẩm Hà Nội), mình được khách hàng -1 nữ doanh nhân thành đạt (Tổng giám đốc) mời đi ăn món cá hồi...theo kiểu Nhật bản (sashimi thì phải). (Thật là đúng lúc- vì mình vẫn còn cảm thấy chưa chán món hải sản cao cấp mới du nhập vào VN mấy năm gần đây).
Thế là hai chị em lên xe ô tô đến 72 phố Triệu Việt Vương. Đúng là ở ngoài treo biển SALMON RESTAURANT nhưng tầng 1 ..lại là nơi bán siêu thị. Nhưng lên tầng 2, tầng 3 thì là không gian để dành ẩm thực cá hồi trang trí nội thất rất ấm cúng. Thấy vị khách hàng bảo mình nhà hàng này là của Công ty mới mở hai năm để tham dò thị trường VN, khách hàng chủ yếu là trong Tổng Công ty Thương mại Hà Nội thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hà nội và đám thực khách "đại gia", đã quen với món cá hồi của Châu Âu sau những lúc thư giãn đánh tenis, golf... Khi đi qua mấy phòng khép kín mình nhác thấy có nét mặt quen quen hình như dân học ở Nga. Nhân có 1 hội người quen của khách hàng của mình đang ngồi đây từ 10 giờ bọn mình nhập hội luôn.
Xem thực đơn mình mới ngạc nhiên là cá hồi được chế biến rất nhiều món ăn, nhưng thực khách chỉ thích ăn gỏi cá hồi, giá 75.000 đồng/0,1 kg, cá hồi nhập khẩu trực tiếp từ Úc. Ăn sống thì mình ăn rồi còn gỏi thì bây giờ mới thưởng thức. Cách ăn như sau: cá hồi thái mỏng nhúng vào bát dấm, gắp ra đặt vào miếng bánh đa, đặt lên 1 ít rau thơm, hành sống, gừng tươi thái mỏng, dứa xanh...chấm vào bát xì dầu có pha mù tạt cay sè, đưa lên miệng... Vì mình không phải loại sành ăn cá hồi do đó các vị đại gia tranh nhau "thể hiện", chọn những món phổ biến nhất: Món tiếp theo là món cá hồi nướng sốt kem, thìa là..Thực ra ăn cũng được...Rồi đến món Lẩu cá hồi nấu theo kiểu Nhật, ăn với bún. Nét độc đáo là ngoài rau cải xanh, có rất nhiều đồ ăn chay...Nhìn thật..ăn như thật..mà lại... như thật. Nhưng đúng như các thực khách sành ăn món cá hồi...thì món gỏi cá hồi là ngon nhất.
Khi chia tay, vị nữ khách hàng nói nhỏ vào tai mình: "Công ty em đang nghiên cứu nhập món cá tầm của Nga, ăn cũng ngon lắm chị à, để phục vụ cho các thực khách đi học ở Nga là chính, chắc chị cũng quen ăn loại cá này rồi". Mình thật sự lúng túng vì đúng là mình chưa hề được ăn loại cá này...hay là ăn rồi mà không nhớ thậm chí không thèm biết tên cá cũng nên...

Tôm sú nướng bằng than
Hôm nay, nhân có 1 luật sư của Văn phòng mình (nhưng kiêm làm Trợ lý pháp lý cho sếp là TGĐT Cty Kinh đô), đến nhờ tư vấn 1 số việc tranh chấp kinh tế (cụ thể: Cty này giao hàng cho các siêu thị nhưng bị chây ỳ không trả nợ, khi đòi thì lại gặp nhiều "thượng đế"  thoái thác nghĩa vụ trả nợ với một nghìn lẻ một lý do...Oái ăm nhất là có thượng đế chối phắt là đã nhận bản order qua fax...đã thế lại không công nhận chữ ký trên bản fax. Cực chẳng đã chủ nợ phải đưa ra tòa kinh tế thì bản fax -bằng chứng của việc yêu cầu giao hàng...không được tòa công nhận là chứng cứ, về chữ ký (biết mười mươi người ký là ai), nhưng khi đề nghị công an giám định chữ ký thì cũng không được vì không phải chữ ký tươi....) :
( Mình góp vài ý như sau: hiện nay các giao dịch điện tử đã được VN chấp nhận. Tài liệu qua fax cũng đã được công nhận là chứng cứ nhưng phải là trên giấy fax, nếu đã pho to bản fax thì không được coi là bản original. Vấn đề là ở chỗ ... giấy fax sau 1 thời gian thì chữ bay hết chỉ còn... giấy ở lại. Nên cách tốt nhất là sau khi giao hàng cần yêu cầu khách hàng xác nhận lại bằng văn bản...thế mới gọi là kiểu VN). Thấy mặt cậu luật sư vẫn tần ngần, mình an ủi đưa hồ sơ đây chị nghiên cứu, có 1001 cách xù nợ thì cũng có ....1001 cách đòi nợ, cứ yên tâm (tất nhiên là không phải đòi nợ theo kiểu xã hội đen như Công ty thu hồi nợ Dân An vi phạm quyền cơ bản của con người vừa bị tòa án Hà nội xử tháng trước). Kinh nghiệm tranh tụng dân sự cho thấy kiện đòi nợ là dễ nhất, mà con nợ là các siêu thị lớn thì sợ gì.
Buổi trưa cậu luật sư mời cả hội lại kéo nhau ra một nhà hàng cơm văn phòng mới đổi lại tên ở 35 phố Lạc Trung (từ Trâu Vàng thành Song Lộc) để thưởng thức món lẩu cá sấu.
Nhưng đến nơi mình đổi ý ăn tôm sú nướng than vì mình nhác thấy có 1 bàn đang thưởng thức món tôm nướng trông màu tôm biết ngay là tươi. Quả thực là tôm tươi và nướng rất ngon, chấm với muối chanh ớt...thật là hết sảy. Món tôm nướng mình cũng thỉnh thoảng đem ra sân nhà mình ở Long Biên nướng, ngồi nhấm nháp tôm, uống với bia và nhìn lên đê xem người qua lại (nhưng là tôm rảo-nhỏ hơn ăn hết cả vỏ)…

Tóm lại thời tuổi trẻ thì thuộc loại "bất tri kỳ vị" mà Chỉ tuổi này (U 50) mới biết thưởng thức mọi cái....mới thấu hiểu được cuộc sống thật sự vô cùng đẹp và ý nghĩa...với chúng ta…



























.......................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét