Số lần ghé thăm

29/9/11

Cuộc hành hương lên xứ Lạng- vùng đất linh thiêng với những dấu ấn của văn hóa tâm linh

“Đồng Đăng có phố Kỳ lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em...”

Câu ca dao cổ này đã trở thành câu hát ru con mà hầu như ai cũng ít nhất 1 lần trong đời được nghe. Nhưng không phải ai cũng đã tận mắt chiêm ngưỡng những danh thắng có tên trong câu ca dao đó…
Từ tuần trước mình đã đăng ký tham dự chuyến hành hương trước Tết Nguyên đán phối hợp cùng với Chi hội phụ nữ phường Vĩnh Tuy- nơi Văn phòng luật sư của mình đóng trụ sở (mà cũng là nơi đăng ký hộ khẩu tạm trú của mình vì là nhà của mình) đi cầu may giải xui…(đương nhiên phải chọn nơi linh thiêng rồi. Ngoài sớ và đồ cúng của cả đoàn do Chi hội trưởng Hội phụ nữ phường chuẩn bị, cô luật sư cùng đi với mình cũng đã chuẩn bị riêng đồ lễ và sớ riêng cho Văn phòng).
Sáng nay, đúng kế hoạch, vào lúc 4 giờ sáng, chiếc xe ô tô chở đoàn của mình bắt đầu cuộc hành hương đến xứ Lạng-vùng đất linh thiêng đi vào ca dao tục ngữ với những địa danh nổi tiếng như: Đền Kỳ Lừa, Sông Kỳ Cùng, (hình như còn có hòn núi Kỳ Cấp). danh thắng Nhị, Chùa Tam Thanh, tượng đá nàng Tô Thị ngóng chồng, thành Nhà Mạc, đối với cánh phụ nữ như mình thì chỉ thấy Lạng Sơn thu hút du khách bởi vì đã trở thành điểm trung tâm thương mại, du lịch và dịch vụ phía Bắc của Tổ quốc, giáp ranh với người khổng lồ Trung hoa.

Thăm quan những di tích cổ kính bên con sông Kỳ Lừa huyền thoại

Khoảng hơn 7 giờ đoàn của mình đến thị trấn Đồng đăng-điểm dừng chân đầu tiên là di tích Diên Khánh Tự cổ kính trước mặt tiền có 1 cây đa chắc phải hàng trăm tuổi nằm ở bờ Nam con sông. Bên kia sông là 1 ngôi đền rất linh thiêng mang 1 cái tên cũng kỳ lại-Đền Kỳ cùng- Đây là những điểm thu hút đông đảo du khách đến tham quan, vãn cảnh, ước vọng, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe… mỗi dịp tết đến xuân về hội mở.
Thời tiết quả là giống y như Tết, trời đầy mưa và gió lạnh buốt đúng là cái rét của vùng cao biên giới. Nằm giữa hai địa danh lịch sử là con sông Kỳ Cùng uốn lượn như 1 dải lụa mềm thơ mộng…nối hai bờ sông là 1 cây cầu có tên Cầu Kỳ lừa…(toàn là chữ kỳ…). Đứng trên cầu nhìn ngắm hai bên bờ mới thấy cây cầu là một hình ảnh đẹp, mang nhiều ý nghĩa văn hóa. Thấy bảo trong suy nghĩ dân gian của người xứ Lạng từ trước tới nay thì bên phía bờ Bắc sông Kỳ Cùng thường gọi là “bên Kỳ Lừa”- hiện vẫn còn phố chợ Kỳ Lừa với Chợ đêm Kỳ Lừa, một điểm dừng chân, du lịch mua sắm thú vị của đông đảo du khách. Kế đó là di tích Đền Tả Phủ- thờ Tả đô đốc hán quận công Thân Công Tài – người đã có công khai mở ra phố chợ Kỳ Lừa thành một trung tâm mua bán sầm uất, còn bên phía bờ Nam sông Kỳ Cùng gọi là “bên Tỉnh”- nơi tập trung các cơ quan, ban, ngành hành chính của tỉnh.
Nghe nói lễ hội đền Kỳ Cùng diễn ra hàng năm vào ngày 10 tháng Giêng. Trong diễn trình của lễ hội, có phần rước kiệu từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ và ngược lại được tổ chức trang trọng, là nghi lễ đã ăn sâu trong tâm thức người dân và được nhân dân hàng năm đón chào nhiều nhất.
Người ta bảo vào buổi bình minh đứng trên cầu Kỳ Lừa hướng tầm mắt về phía đông, thấy mặt trời đang dần ló rạng qua đỉnh núi Phai Vệ rất đẹp và hình như có phật hiển linh nữa (tất nhiên càng trí tưởng tượng càng tốt). Còn vào buổi hoàng hôn thì đứng ở đây dõi mắt về phía tây..nơi có dãy núi vòng cung trong đó có các danh thắng đi vào thơ ca như ngọn núi tên là Tô Thị, động Tam Thanh , dưới cầu là mặt nước sông sóng sánh vàng bởi hoàng hôn cũng rất đẹp mắt. Xa xa dưới chân cầu là một vài chiếc thuyền nhỏ neo đậu hoặc đang chầm chậm bơi ra giữa dòng cũng là một khung cảnh thật yên bình, thơ mộng, quả đúng là “sơn thủy hữu tình”. Chắc chẳng ai nghĩ rằng nơi đây là vùng giáp ranh VN-TQ và mới năm nào thôi quân TQ còn tràn sang đánh chiếm phá phách thị trấn biên giới thanh bình này…Qủa là nguy hiểm, thật thấm thía lời dặn của ông cha ta từ ngàn xưa…”bán anh em xa mua láng giềng gần” …Và học lịch sử thì thấy cứ mỗi lần đánh quân TQ sang xâm lấn xong thì ông cha ta lại đem đồ cống sang TQ xin cầu hòa...quả là chiến lược ngoại giao khôn ngoan!

Đền Mẫu Đồng Đăng- Những dấu ấn của văn hóa tâm linh

Nhưng thực ra khách thập phương đến Đồng Đăng không phải chỉ thăm quan phố Kỳ Lừa, sông Kỳ Cùng, nàng Tô Thị, chùa Tam Thanh…mà chủ yếu họ hành hương đến đền Mẫu- một ngôi đền cổ kính uy nghi nằm trên một quả núi, gần chợ Đồng Đăng- nổi tiếng linh thiêng (có nghĩa là cầu được ước thấy) đó là lý do mình quyết định hành hương để mục đích khầu cầu giải xui xẻo như các sự kiện đầu năm khai tòa vừa qua…(Thực ra hôm nay khía cạnh tâm linh chỉ 1 phần, chủ yếu là đi vãn cảnh và …sắm hàng Tết…Thể nào cũng có đứa đay nghiến….”đúng là phụ nữ chỉ thích mua mua sắm sắm, không chừa được”).
Về tín ngưỡng Mẫu thì mình có bài viết rồi (ở chủ đề nào quên rồi) đền Mẫu ở Đồng Đăng cũng thuộc tín ngưỡng Mẫu của người VN. Dưới đây là trích 1 số thông tin chủ yếu về ngôi đền linh thiêng này để mọi người tường: Đền Mẫu Đồng Đăng còn có tên “Đồng Đăng linh tự”, là nơi thờ Phật và Mẫu Thượng ngàn. Từ xa xưa, nơi đây là một ngôi chùa. Đồng Đăng linh tự gồm có 5 gian thờ: Phía trong cùng là Tam bảo, nơi thờ Phật Chuẩn Đề và Phật bà Quan Âm gian kế tiếp phía ngoài là Tam tòa Thánh mẫu, nơi thờ Mẫu đệ nhất Thượng thiên, Mẫu đệ nhị Thượng ngàn và Mẫu đệ tam Thoải phủ; tiếp theo là gian thờ Sơn trang gồm Chúa Thượng ngàn ở giữa, hai bên là Chầu Mười Đồng Mỏ và Chầu Chín; gian giữa chính điện ngoài cùng thờ Chúa Liễu, hai bên là Chầu Bơ và Chầu Lục; gian bên trái thờ Chầu đệ tứ Khâm sai, ngoài ra còn thờ quan Trần Triều Đức Đại Vương, các thánh cô, thánh cậu.
Phải công nhận đền Mẫu Đồng đăng ở đây thiết kế bên trong đẹp, hoành tráng và rất lạ...không giống như những nơi có thờ Mẫu như ở phủ Tây Hồ mà mình đi hồi đầu năm...thảo nào mà khách thập phương lên dâng hương rất đông ...mà nhìn biển số xe thì toàn là dân HN lên.

Mua sắm hàng TQ ở xứ Lạng- 1 niềm đam mê bất tận và cũng là thói quen không thể sửa được

Đến trưa là đoàn của mình thực hiện xong các thủ tục tâm linh như: dâng sớ cầu may, cầu phúc, dâng hương, hành lễ tâm linh…Đến 12 giờ trưa là tùy nghi di tản …mua sắm hàng và trời cũng đã không còn mưa nữa mà đã bắt đầu hửng lên. Trước tiên là vào chợ Tân Thanh hay còn gọi là Trung Tâm Thương mại Sài gòn –Lạng Sơn….sau đó tự túc ăn trưa rồi di chuyển về chợ Đông Kinh-1 trong những chợ điện tự toàn đồ TQ sầm uất bậc nhất nước mua hàng…Mà không hiểu sao đồ TQ lại rẻ thế (đương nhiên là mẫu mã cũng được...còn chất lượng thì cũng không phải đồ nào cũng rẻ tiền nhanh hỏng cả...Cho đến nay vẫn là 1 câu hỏi chưa có lời giải đáp, mình thì cho rằng Chính phủ TQ đã có chính sách trợ giá...thì những hàng này mới siêu rẻ như vậy.
Đến gần 16 giờ cả đoàn khỏi hành trở về nơi xuất phát…Tội nghiệp cái xe ô tô vặn mình dưới hàng chục tạ hàng…ì ạch đến khoảng 18 giờ 30 phút mới đưa đoàn về đến chân cầu Vĩnh Tuy rồi chia tay…ai về nhà nấy…sau hẹn ngày tái ngộ vào dịp đi lễ đầu năm.
Còn mình …chẳng nói mọi người cũng biết tha bao nhiêu thứ từ xứ Lạng – vùng đất linh thiêng về nhà…









....................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét