Số lần ghé thăm

1/9/11

Những tật xấu của người VN và giải pháp khắc phục

Người ta thường ví von: “Không có người phụ nữ xấu mà chỉ có những người phụ nữ không biết làm đẹp”. Tại sao không áp dụng câu này để nói: Không có dân tộc nào xấu mà chỉ là người dân của dân tộc đó không biết phát huy các phẩm chất tốt. Việc phát huy phẩm chất tốt (hay tính tốt) đồng nghĩa với việc thủ tiêu diệt trừ các thói hư tật xấu. Mỗi dân tộc đều có những tính cách riêng, chính cái riêng đó góp phần tạo nên bản sắc dân tộc. Những thói hư tật xấu không thuộc về tính cách của một dân tộc mà chỉ là sự biểu hiện ra bên ngoài của những con người cụ thể trong những hoàn cảnh cụ thể và làm mất đi tính thiện căn của con người”nhân chi sơ, tính bản thiện”. Trong tương lai loài người sẽ phát triển đến một giai đoạn lịch sử khi quốc gia mất đi nhưng dân tộc vẫn tồn tại mãi mãi. Người Việt Nam chúng ta có rất nhiều phẩm chất tốt đẹp nhưng bên cạnh đó chúng ta có nhiều cái xấu, cái chưa được mà chưa được sàng lọc loại bỏ trong quá trình phát triển, thậm chí có cả những thói xấu thời phong kiến rơi rớt lại (ví dụ tư tưởng trọng nam hơn nữ), cũng một phần do điều kiện đất nước bị lâm vào các cuộc chiến tranh liên miên kéo dài. Những thói hư tật xấu của người VN đã tồn tại qua nhiều thời gian nhất là dưới thời kỳ bao cấp, quan liêu, lạc hậu ngày càng trầm trọng phát triển thành những thói quen, đã làm cho 1 bộ phận của thế giới biết đến người VN chỉ qua các thói hư tật xấu này, nghiêm trọng hơn là bị kẻ thù của dân tộc lợi dụng để xuyên tạc nhằm lật đổ chế độ, phục vụ cho các âm mưu chính trị, diễn biến hòa bình, làm băng hoại khối đoàn kết toàn dân. Đã đến lúc chúng ta không chỉ nói về những phẩm chất tốt đẹp, bảo thủ nguyên tắc “không vạch áo để người xem lưng”, “đẹp đẽ phô ra xấu xa đậy lại”. Đã đến lúc chúng ta phải đi tìm câu trả lời: “ Vì sao bước sang thiên niên kỷ mới mà VN vẫn còn nghèo”, “ Tại sao có người cho là nước ta đã và đang phát triển mạnh nhưng vẫn đi sau các nước phương Tây hàng trăm năm”, ‘ Vì sao mở cửa mà trình độ dân trí của người dân VN vẫn còn nhiều hạn chế”, “Vì sao nhiều luật của chúng ta không đi vào cuộc sống”…. Đây là lúc cần phải dũng cảm dẹp lòng tự ái sang 1 bên, “vạch áo của chúng ta” để nhận diện các nết xấu, các hủ tục của chính mình từ đó tìm giải pháp loại bỏ để tiến đến mục đích: Tạo nên một nước VN hùng mạnh trong đó có những công dân hoàn hảo sống có lý tưởng với những nét đẹp văn hóa truyền thống vốn có vừa tiếp thu học hỏi những tinh hoa của nhân loại. Nhìn ra thế giới bên ngoài chúng ta biết có những nước đi trước chúng ta và đã thành công bằng các cuộc cải cách để tự làm mình tốt lên qua các tác phẩm “Người Trung quốc xấu xí”, “Người Nhật xấu xí”. Gần đây VN chúng ta cũng đã có diễn đàn “Người Việt-phẩm chất và thói hư -tật xấu” theo cách của các nước Nhật và TQ và đã được đông đảo người dân hoan nghênh.
Có câu nói nổi tiếng của nhà văn Nga Sêkhốp đại ý:" Một con người sẽ tốt hơn nếu ta nói cho anh ta biết anh ta là người thế nào".
Bệnh… sĩ
Từ 1 câu chuyện có thật…thời sinh viên
Thành phố Baku-thủ đô nước Cộng hòa Azerbaidzan (thuộc Liên xô cũ) một buổi sáng chủ nhật. Bầu trời trong xanh không một bóng mây và cũng không lộng gió như mọi hôm. Thỉnh thoảng 1 chiếc xe ô tô lao vút trên đường phố không bằng phẳng –đặc trưng của thành phố ven bờ biển Caxpien váng đầy dầu. Đây cũng là thành phố nước ngoài đầu tiên mình đặt chân để học thêm 1 năm dự bị tiếng Nga trong khi phần lớn các bạn cùng lứa đã trở thành sinh viên thực sự. Thật là chán vì mãi không lên được năm thứ ...nhất. Còn chán hơn là phải được nghe qua về tình hình đặc điểm của "miền đất hứa" này. Thời đó nghe ai có con đi Tây du học thì cha mẹ nào chả hãnh diện. Nhưng nghe nói dân bản xứ thì chỉ sùng bái mấy ông da đen vì tiêu tiền ngoại tệ và mặc đồ hàng hiệu. Đặc biệt là dân ở đây còn phong kiến hơn cả VN. Mình nghe kể đã có nhiều trường hợp xô xát đánh nhau vì đàn ông ngoại quốc hoặc đàn ông gốc Nga đi tán tỉnh con gái "dec" (là tiếng lóng để chỉ người Azerbaidzan). Bằng chứng là các nữ sinh viên ở ob riêng không ở chung với nam như các ký túc xá ở các nước cộng hòa của Liên xô cũ. Và thật hẩm hiu cho chàng sinh viên nào phải lòng bạn gái thì việc xin vào ob nữ để thăm bạn gái là cả 1 vấn đề. Phải trình giấy tờ tùy thân, phải có chủ nhà xuống nhận và đăng ký thời gian rời ký túc xá và để lại giấy tờ tùy thân tại bàn thường trực. Hình như giờ được thăm viếng ktx nữ chỉ đến 10 giờ đêm thì phải. Trước thời gian này là các trực nhật đi các phòng nữ có khách đã đăng ký để giục nhanh nhanh mà... về. Có nhiều đôi bịn rịn chưa nói xong câu chuyện lại phải xuống tầng 1 nơi cửa ra vào để tranh thủ nói nốt câu chuyện. Qủa là vi phạm nhân quyền...nhưng xét 1 khía cạnh nào đó cũng đúng vì nếu không kỷ luật thì làm sao mà học hành được. Đó là câu chuyện về 1 thành phố Baku nơi có nhiều sinh viên VN đã từng sống và học tập để quay về với câu chuyện -một sự thật mà không phải bao giờ cũng là điều dễ nói.
Một tốp người cười nói xôn xao đi ra từ khu ký túc xá của Trường Hóa-Dầu Baku nằm một góc trên con phố mang tên “ Улица 26 Бакинских Коммисаров" Tức là "Phố 26 Chính ủy Baku”. Trong khu này có tòa nhà cao 15-16 tầng có thang máy là Ký túc xá của trường Hóa Dầu, cạnh đó có 1 nhà 5 tầng –là ob của các nam sinh viên nước ngoài đến đây học khoa dự bị (tiếng Nga) thuộc Trường Hóa-Dầu. Ngoài ra còn 1 ob dành cho nữ nằm cách xa vài trăm mét cạnh đó là tòa nhà 4 tầng vừa là Khoa dự bị ngoại ngữ (ở tầng 1) vừa là nơi học cho các sinh viên nước ngoài. Tốp sinh viên vừa bước ra cổng ký túc xá vừa đi bộ trên vỉa hè lúc lên cao lúc xuống thấp-uốn lượn như..ruộng bậc thang ở VN. Thỉnh thoảng có 1 tốp vài ba cô gái bản xứ-tóc đen, mắt to, nhìn kỹ còn có ..ria mép mờ mờ ở khóe miệng (con gái Azerbajzan), cũng có 1 số là người Nga với mái tóc máu sáng và đôi mắt màu xanh đi ngược lại. Ai cũng tò mò quay nhìn lại tốp sinh viên nọ bởi họ vừa đi vừa nói chuyện râm ran thỉnh thoảng lại cười phá lên rất chi là hồn nhiên. Nhìn thật kỹ thì thấy tốp người này có đặc điểm: màu da vàng (chính xác là màu da sáng mai mái); dáng vóc ai cũng gầy, nhỏ; mái tóc đen, mượt để dài phủ xuống che vầng trán rộng; dưới tóc là những cặp mắt đen láy (nhìn đã thấy họ là những người thông minh), áo sơ mi thả ngoài dài và cái quần loe (nhìn đã thấy là tự cắt may). Chắc tốp người này mới đến đây nhập học khoảng được 1 tháng (vì kiểu đi thành bầy). Chứ nếu là sinh viên trường Hóa –Dầu thì thường là họ đi lẻ từng người-và đi rất nhanh, mặc dù vẫn mặc quần loe (vẫn tự cắt may) nhưng ai cũng bước nhanh thoăn thoắt chứ không đi đứng lề mề và cũng không nói chuyện ầm ĩ như trên phố không có ai ngoài ta. Ai tò mò đi theo tốp sinh viên ngoại quốc này thì thấy họ đi băng qua 1 công viên để đến 1 cửa hàng bán đủ các loại thực phẩm và thịt tươi sống. Lúc đó trong cửa hàng cũng có vài người khách là người Nga, người dec và cả người ngoại quốc (cũng từ khu ký túc xá cạnh đó). Nhưng họ chỉ dừng chân ở các quầy bán thịt chủ yếu thịt bò chứ hầu như không có ai ghé đến quầy bán cá. Thi thoảng có 1 vài bà nội trợ người bản xứ béo ục ịch, đi những đôi ủng to thô kệch, đế thấp thì có đến quầy bán cá nhưng chỉ ngó qua rồi... bỏ đi. Cả tốp dè dặt dạo quanh 1 vòng ngó xem các quầy bán thịt bò, thịt lợn, thịt gà. Đứng bên cạnh các quầy này là những người đàn ông bản xứ (vì ai cũng có bộ ria mép đen nhánh, có người còn vuốt cho vểnh lên), trên đầu đội mũ trắng cao, quanh bụng quấn tạp dề trắng, tay cầm 1 cái búa đặt trên cái thớt to. Khác với người bán hàng ở quầy cá, hầu như những người bán hàng ở quầy bán thịt đều có chung 1 thái độ thể hiện hiếu khách: miệng cười đon đả, luôn miệng chào mời mua hàng. Cuối cùng cả tốp dừng chân ở quầy bán cá. Một người trông có vẻ nhanh nhẹn nhất và nói tiếng Nga cũng thạo nhất (chắc là được cử làm đại diện) tiến đến hỏi mua …3 ki lô gam cá kin ki (một loại cá dầu bé chỉ bằng nửa ngón tay út, rất rẻ hình như người bản xứ mua để cho... chó ăn thì phải!? Mà cũng chưa bao giờ thấy có ai mua). Người bán cá xúc cá ở cái thùng to cạnh đo đưa lên bàn cân rồi chóng vánh trút vào 1 cái túi giấy to trao cho khách hàng. Người đại diện cả nhóm hỏi khẽ chỉ đủ cho người bán hàng nghe thấy:
- "Сколько это стоит?" Tức là “Bao nhiêu tiền? Người bán hàng buông thõng 1 câu: “60 копеек” Tức là “60 xu”. Tiền tệ lưu hành thời đó là rúp 1 rúp ăn 100 cô pếch(khoảng 6rub=1$ Mỹ). Hình như người mua đã biết giá vì thấy thọc tay vào túi lấy ra 1 nắm xu lẻ thả vội vào tay của người bán hàng. Người bán hàng theo dõi thái độ của người mua với ánh mắt bình thường (không đon đả như mấy người bán hàng ở các quấy thịt khác). Khi cả tốp chuẩn bị rời cửa hàng, chợt người bán hàng gọi với hỏi:
- “Вы oт кудa?”. Tức là “Các anh là người nước nào?”. Một thoáng ngại ngần loáng qua ánh mắt của người đại diện, nhưng cũng rất nhanh người này trả lời:
- "Из Лaосa”. Tức là " Chúng tôi là người Lào. (Nước Lào và nước VN là hai nước láng giềng có điều kiện kinh tế, xã hội, vị trí địa lý, tự nhiên giống nhau nên ai cũng bảo là ..hai anh em). Tốp người bước ra khỏi cửa hàng quay về ký túc xá sau khi ghé vào cửa hàng cạnh đấy mua mấy cân gạo. Tiếng cười và trò chuyện râm ran xa dần xa dần.Lại còn ai đó cao hứng hát, hình như bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng".
Một tiếng sau, 1 tốp người bước vào cửa hàng thực phẩm. Lúc này đang vắng khách, mấy người đàn ông bán hàng đang tán gẫu tò mò ngừng chuyện theo dõi đám người mới vào. Qủa là đám người này ..giống hệt đám người trước về trang phục, về dáng người và cách để tóc và cách nói chuyện hết sức tự nhiên. Chắc cũng là đám sinh viên nước ngoài ở ký túc xá trường Hóa –Dầu thôi.Nhưng nếu lắng nghe kỹ thì tốp người này không nói cùng ngôn ngữ với tốp người trước. Cũng giống như đám đông trước, sau khi đi 1 vòng ngắm nhìn những tảng thịt bò mầu đỏ sẫm và những tảng thịt lợn mầu tươi rói, mỉm cười lắc đầu đáp lại lời mời chào với ánh mắt đon đả của những người bán hàng. Cả tốp dừng chân ở…quầy bán cá, và 1 người bước đến gần quầy hỏi mua…3ki lô gam cá..kinki. Việc mua bán, thanh toán cũng diễn ra chóng vánh như lần trước. Lần này người đàn ông bán cá, hất đầu nháy mắt với đồng nghiệp và hỏi 1 câu trước khi xòe tay nhận mấy đồng kim loại mệnh giá 20 cô pếch:
- "Эй ты друг. Ты oткудa" ? Tức là “Này anh bạn, anh người nước nào?”. Cũng 1 thoáng bối rối và câu trả lời sau đó vài giây:
- “Из Вьетнама” Tức là “người Việt Nam”. Rồi cả lũ bước nhanh ra khỏi cửa hàng và một phút sau nghe thấy vọng lại tiếng cười ring rich và tiếng nói chuyện lao xao của đám sinh viên Lào này. Lúc đó nếu có khách đến chơi tại tầng 5 tòa nhà ob nam dự bị-nơi đó có các sinh viên Lào và sinh viên VN sống thì sẽ ngửi thấy mùi..cá kho ngào ngạt bay ra từ cái bếp công cộng nằm ở cuối hành lang-nơi đấy sẽ có những thành viên của 2 tốp sinh viên kể trên đang đứng ở cạnh 1 ô bếp, vừa săn sóc nồi cá kho vừa hồ hởi tán chuyện. Họ nói hai thứ tiếng khác nhau và phía bên này đang kể lại chuyện đánh lừa người bán hàng mà không hề biết, ở ô bếp bên cạnh người ta cũng đang kể lại câu chuyện tương tự xảy ra ở cửa hàng thực phẩm cạnh công viên.
Trên đây là chuyện có thật 100% và không phải xẩy ra 1 lần thời mình học dự bị ở Ba ku năm 1978-1979. Nếu không tin các bạn có thể hỏi bất kỳ bạn nào đã từng học khoa dự bị ở trường Hóa-Dầu, thế nào họ cũng nhớ công viên nhỏ nằm cạnh khu ký túc xá (mình nhớ các chị năm trên thường dặn nếu mặc ...váy thì phải cẩn thận giữ váy mỗi khi đi qua công viên, mà không hiểu tại sao khu vực này gió thổi mạnh hơn những chỗ khác, mà thành phố này lúc nào cũng có gió. Theo nghĩa của tiếng Azerbaidzan cổ thì Baku hình như có nghĩa là "Город betepa" tức là "Thành phố Gió" thì phải). Đi băng qua đó là đến một cửa hàng thực phẩm nơi có những người đàn ông Azerbaidzan mang bộ ria mép, đội mũ trắng và tạp dề trắng đứng ở các quầy bán hàng thịt tươi sống và cả cá kinki-1 loài cá hình như chỉ có ở vùng biển Caxpien thì phải.
Mình cũng từng là sinh viên học ở khoa dự bị của trường Hóa-Dầu BaKu và cũng đã từng ăn loại cá dầu nhỏ đó, chỉ cái là cách chế biến thì khác: Tức là không đem về cho vào nồi kho như đám con trai mà là tẩm bột rán lên chấm với nước mắm cô mang từ VN sang. Món bánh bột mì tẩm cá kinki này tuy ngon nhưng chế biến cách rách thường chỉ có vào cuối kỳ lương (tức là khoảng từ ngày 25 hàng tháng). Nhưng sau này thì ít dần và không mua nữa vì tụi mình không thể chịu được ánh mắt ghẻ lạnh của người bán cá kinki. Gía như người này thái độ vui vẻ hiếu khách như mấy người bán thịt gia cầm thì mình sẵn sàng ăn hàng ngày vì nó gợi nhớ món bánh tôm Hồ Tây-Hà Nội.

Đến những suy ngẫm về 1 tật xấu (hay 1 căn bệnh “trầm kha”) của người VN .
Nhận diện:
Nếu ai ở HN vào thời gian khoảng 1988-1989, hẳn còn nhớ đâu đâu ở thủ đô người ta cũng bàn tán về 1 vở kịch hài mới công diễn của tác giả Lưu Quang Vũ- nhà soạn kịch trẻ tuổi của VN tài hoa nhưng đoản mệnh, có tên "Bệnh sĩ". Nói là hài kịch cũng đúng vì làm gì có loại bệnh nào gọi là bệnh ...sĩ, nội dung vở hài kịch đã bóc trần lột tả 1 căn bệnh “trấm kha” của xã hội VN thời kỳ đầu của đổi mới-đó là bệnh sĩ diện. Loại bệnh này thường xuất hiện ở những nước nhược tiểu, còn nghèo đói, lạc hậu. Việc sử dụng ngôn từ “bệnh” chẳng qua chỉ muốn nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng của thói xấu-hay sĩ diện đã lây lan ra toàn xã hội, trở thành 1 dịch bệnh. Tuy không biết bắt nguồn từ đâu, từ bao giờ, từ tầng lớp nào nhưng chỉ biết vào thời 1978-1979 đã có nhiều sinh viên VN bị nhiễm căn bệnh này (qua câu chuyện có thật kể ở trên) và kéo dài cho đến hiện nay.
Đi tìm nguyên nhân:
Mình xin nêu ý kiến của 1 tác giả về nguyên nhân sinh ra bệnh sĩ được lý giải như sau: Xã hội VN từ lâu lắm là những tầng lớp người sống sau lũy tre làng. Phía sau lũy tre đó lùng nhùng những mối quan hệ xã hội rất phức tạp. Ở đấy có nhiều thân phận khác nhau. Điều đó tạo nên một sinh hoạt cộng đồng làng xóm và sinh ra một cái bệnh gọi là bệnh sĩ. Bệnh sĩ cũng có mặt tích cực như tạo cho người một bản lĩnh, không chịu nhục về nhân cách nhưng vì quá tự trọng, tự tôn nên đẻ ra nhiều chuyện như oái ăm. Như đọc tiểu thuyết “Việc làng” của Ngô Tất Tố có một thằng mõ tên là Mới chặt miếng đầu ra mười mấy phần. Một phần cho cụ tiên chỉ. Cụ tiên chỉ đã già, răng móm mém, nhưng cụ vẫn thích cái đầu gà vì mình là tiên chỉ, phải ăn trên ngồi trốc. Còn anh ngụ cư thì được cái chân gà nhưng vẫn nhai rất phấn khởi, ngon lành vì chỉ có những lúc như thế này anh ta mới được ngồi cùng các cụ, ăn chung một con gà. Thực tế đó đẻ ra tâm lý: "Một miếng giữa làng, bằng một sàng xó bếp" và “con gà tức nhau tiếng gáy”. Và vì muốn hơn nhau tiếng gáy mà đã đẻ ra bao thứ ứng xử phiền toái. Đám cưới, đám ma phải làm thế nào cho hơn người khác. Đến mồ mả cũng không chịu “thua chị kém em”...gây nên sự lãng phí cho xã hội. Cuộc sống nghèo khổ, lạc hậu kéo dài làm cho con người VN có khát khao cháy bỏng về sự giàu sang, vượt thoát lên cho bằng “chị bằng em”, bằng thiên hạ.
Hậu quả của bệnh sĩ:
Trong xã hội VN hiện đại bệnh sĩ không những không mất đi mà dường như có chiều hướng tăng lên, đang “tác oai tác quái” trong xã hội hiện nay. Từ căn bệnh này đã biến tướng ra bao nhiêu loại bệnh khác như: Bệnh thành tích (chính là bệnh sĩ): Học thì không được thế nhưng cứ nống kết quả lên, nhất định không chịu thua kém thiên hạ (thường thấy trong mọi lĩnh vực nhất là giáo dục). Người ta sống bằng hư danh hơn là sống bằng thực tế. Bệnh sĩ còn là “cha đẻ” của bệnh "giấu dốt", bệnh “làm láo báo cáo hay”(thường ở trong khối cơ quan nhà nước), bệnh “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại” (phổ biến ra toàn xã hội).
Người ta thường nói: ‘Nói hết, biết hết, sửa hết”. Hiện nay một bộ phận lớn người dân VN do nhiễm bệnh sĩ diện nên đã có thói quen thích phô trương, ưa được khen, sợ bị chê và cố giấu đi cái xấu. Trong gia đình, trong cơ quan đề cao lối sống “đóng cửa bảo nhau” dẫu có sai lầm thì cố mà giấu đi nên đã làm cho những việc làm xấu, trái pháp luật càng ngày càng phát triển. sống theo phương châm : “Hương án giữ mặt tiền” tức là chỉ bày ra mặt đẹp, còn mặt xấu giấu đi. Chính vì vậy đã đến lúc phải chiến thắng căn bệnh này bằng cách hãy chân thành và trung thực thể hiện những cái gì thuộc về mình, nếu quả là chưa bằng chị bằng em thì chúng ta cần phải cố gắng để đạt được. Nhưng hãy chỉ sống và tự hào với những cái gì thuộc về mình

Nhận diện những thói hư tật xấu của người VN trong dịp lễ, Tết.
Mở đầu: Tết Nguyên Đán còn gọi là Tết Cả- không chỉ mang ý nghĩa là Tết truyền thống của người VN đánh dấu 1 năm mới mà còn có ý nghĩa nhân bản của dân tộc VN. Đó là mở đầu của hệ thống lễ hội truyền thống của VN, trong đó các lễ hội chủ yếu trong thời gian Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp cho đến hết Rằm tháng Giêng. Thông thường sau nghỉ Tết, mọi người tuy trở lại làm việc bình thường nhưng không khí lễ hội phải đến ra Giêng mới thực sự là kết thúc Tết. Chả thế mà có câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà. Trong Tết vừa qua, 1 số Văn phòng luật sư đã í ới gọi nhau cùng đi Hội Lim để nghe các "liền anh,liền chị" hát quan họ (đó cũng là 1 trong những thể loại âm nhạc mà mình thích-đúng là “cổ hủ”), Chợ Viềng để mua bán cầu may (Nam Định)-là chợ 1 năm họp có 1 lần vào đêm mùng 7 sáng mùng 8 Tết, Hội Phủ Dày ( Nam Định), Hội Chọi Trâu ở Đồ Sơn-Hải phòng, Hội Chùa Hương. Đương nhiên là không thể đi hết vì cảnh “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” của lễ hội cũng làm mình chóng mặt, và từ 12/2 mình đã bắt đầu có lịch phiên tòa, nên chắc mình chỉ tổ chức cho các luật sư đi Lễ Hội Chùa Hương, có thể Hội Lim nữa.
Do đó việc đi lễ cầu phúc cầu lộc ở đền, chùa nhân dịp đầu năm là 1 thói quen tín ngưỡng chứ không chỉ đơn thuần là đi cầu tài cầu lộc bình thường. Mà Tết thì bao giờ cũng là ngày hội của toàn dân, ai cũng nghỉ để đi chơi Tết vì thế nên mới có câu “Vui như Tết”, nên tình trạng đông như Tết là điều không tránh khỏi.
+Có nhiều nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong ngày Tết cần gìn giữ và phát triển::
- Có một nét đẹp văn hóa của người VN là bất cứ ai bước chân vào chùa đều rất thành tâm. Thói quen khi đi lễ ở Chùa, ngoài lễ bái phật, thần linh, người ta còn lễ bái các vị thần khác: thần Nông, thần Mưa, thần Sấm...biểu hiện qua các hình tượng thần thoại các con vật hay các đồ vật...(vì truyền thống của người VN là nghề nông, trồng lúa nước). Do đó mới có tục lệ vào chùa không chỉ thăp hương trong chùa mà còn thắp hương xung quanh chùa. Tục tín ngưỡng này giúp cho con trẻ thêm yêu thiên nhiên hơn.
Từ ngày 23 tháng Chạp ở dọc đê về nhà mình (đầu con đường rẽ vào Đền Ghềnh) đã mọc lên mấy cái quầy đổi tiền mệnh giá 500đ, 1.000đ, 2.000đ, 5.000đ, 10.000đồng. Hình như tỷ lệ 1 ăn 7: Tức là đưa đổi 100.000 đồng chỉ được 70.000 đồng mới. Qủa là...buôn tiền kiểu này lãi thật, hơn cả kinh doanh ngân hàng hiện nay đang sống dở chết dở vì suy thoái kinh tế.
- Đóng góp công đức: Đây là nét đẹp văn hóa mang màu sắc tín ngưỡng có tính truyền thống. Người VN có truyền thống "Lá lành đùm lá rách", "Bầu ơi thương lấy bí cùng". Đền, Chùa nào cũng có Hòm công đức để du khách đóng góp, do đó ngày Tết bao giờ cũng có thủ tục đóng góp tùy tâm, người ít thì vài nghìn, vài chục nghìn, người có điều kiện thì vài trăm nghìn, vài triệu đồng thậm chí hơn. Dù ít dù nhiều cũng được nhà Chùa ghi vào Sổ công đức và phát cho 1 giấy chứng nhận công đức. Sự đóng góp của những người hảo tâm đã giúp nhà chùa có kinh phí trùng tu, tôn tạo cơ sở vật chất nhà chùa khang trang trở thành điểm du lịch phục vụ lại quần chúng, lại còn giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn (cụ thể là Chùa Bồ Đề đang nuôi dưỡng hơn 60 đứa trẻ hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ). Mình thấy đây là tấm gương chúng ta nên học tập để đóng góp (của ít lòng nhiều) gây quỹ cho bantoi ngày càng phát triển. Lần này ra Phú Quốc nhất định chúng ta phải giải quyết vấn đề tài chính cho bantoi chứ lâu nay chỉ thấy toàn hô khẩu hiệu (đó cũng là 1 căn bệnh của người VN bắt nguồn từ thói xấu-nói mà không làm, làm nhưng không đến nơi đến chốn).
+Có nhiều thói hư tật xấu trong ngày Tết cần loại bỏ, hạn chế::
Nói đến lễ hội là nói đến những lễ nghi tôn giáo, tín ngưỡng đặc trưng của dân tộc. Trong dịp Tết, ngoài các thủ tục lễ nghi truyền thống còn có những tục lễ trò chơi có nguồn gốc từ xa xưa (thậm chí có 1 vài phong tục tập quán đã bị mai một) như : viết sớ , gieo quẻ, bói Kiều (đoán vận mệnh qua các tích của truyện Kiều), lấy lá số tử vi. Các tục lệ như: đổi tiền cũ lấy tiền mới , mua muối đầu năm, hái lộc ở chùa... Nhưng cũng cần phải nhìn nhận những thủ tục tín ngưỡng dưới khía cạnh phê phán vì có nhiều tục lệ đã biến thành hủ tục gây hậu quả rất lớn cho xã hội: lãng phí tiền của (tục hóa vàng mã), lãng phí thời gian, bỏ bê công việc (tục chơi Tết đi lê hội triền miên), tục cúng với mâm cao cỗ đầy (lãng phí tiền bạc), mê tín,dị đoan tin vào số phận, thần thánh 1 cách mù quáng, u mê làm nảy sinh ra nhiều tệ nạn xã hội, lừa đảo bằng các trò chơi dân gian, tín ngưỡng…Để loại bỏ những thói hư tật xấu đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan và nhất là phải nâng cao dân trí cho nhân dân. Nếu không làm được điều này thì chỉ 1 cách duy nhất là cưỡng chế bằng pháp luật. Cụ thể là nhiều năm nay Nhà nước ta ban hành luật cấm đốt pháo vì hậu quả bi thảm của việc đốt pháo vô tội vạ của 1 bộ phận thanh niên vô ý thức. Nhưng đã vô hình chung đã làm chết 1 nghi lễ không thể thiếu được của không khí Tết cổ truyền VN. Theo quan niệm truyền thống Tết phải đủ:
“ Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Ngày nay con trẻ của chúng ta không được nhìn thấy cây nêu và đêm giao thừa (cả đám cưới) không còn nghe râm ran tiếng pháo nổ giòn tan thỉnh thoảng xen lẫn tiếng pháo đùng và lẻ tẻ của pháo tép. Không gian yên tỉnh ta ngửi thấy mùi diêm sinh bay trong tiết trời lạnh và “tối như đêm giao thừa”. Tuy trên phố Hàng Mã bán pháo bông Trung quốc (đắt tiền) và cả pháo hoa bắn lúc giao thừa (tốn hàng tỷ đồng) cũng không thể thay thế được tràng pháo. Và trong hệ thống lễ hội của VN thì Hội pháo Đồng Kỵ năm xưa chỉ còn là hoài niệm. Không biết đến lúc nào Chính phủ mới cho phục hồi lại việc đốt pháo trong các lễ hội đây. Tất cả phụ thuộc vào chúng ta. Hãy nhận diện những thói hư tật xấu trong những dịp lễ Tết cổ truyền để tìm cách khắc phục, xử lý. Đây cũng là việc quan trọng cần làm ngay vì chúng ta cũng đã thờ ơ bỏ qua rất lâu rồi mặc dù ai cũng biết tác hại của nó.
Hôm mình đi lễ ở Đền Ghềnh và Chùa Bồ Đề thấy có 1 số phong tục, trò chơi cổ truyền như sau:
- Viết sớ : Thường là thuê người viết bằng chữ Nho để đem vào chùa khấn. Người xưa quan niệm dân muốn khấn vái để Trời, Phật độ trì ban phúc lộc không phải bằng câu nói dân dã thông thường. Mà phải nhờ thấy viết sớ bằng chữ Nho với cấu trúc đặc biệt (như Táo quân dâng Sớ cho Ngọc Hoàng vậy). Có nơi còn thuê người khấn hộ, nhưng ở đây mình chỉ thấy thuê viết sớ hộ.
Mình thấy rằng tục lệ này thì nên bỏ vì cầu khấn là tự tâm mình chứ lại còn thuê người viết hộ ý nguyện thì còn gì là thành tâm. (Cũng như yêu ai thì đến mà ngỏ lời trực tiếp đừng có nhờ ai đến nói hộ. Hay là bạn nào muốn phát biểu gì qua bantoi thì vào mà viết trực tiếp cần gì phải nhờ vả lòng vòng qua người này người nọ. Các cụ có câu “tam sao thất bản” nên cứ tự mình nói mới thể hiện đúng ý chí bản lãnh của mình ).
- Gieo quẻ (để bói quẻ hay còn gọi là bói dịch): Có nhiều hình thức gieo quẻ ví dụ như dùng đồng tiền xu hai mặt (âm-dương) để gieo; xâm (que) mục đích để thử vận may trong năm. Ở đây mình thấy gieo quẻ bằng que để trong 1 cái lọ, nếu là nữ thì bốc tay phải, nam thì tay trái. Khi bốc lên thì người bán nhìn vào số ghi ở que và phát cho 1 tờ giấy trong đó ghi các điều mà quẻ đấy nói về người đó.
Mình bốc 1 que có số 8 tương ứng là 1 tờ giấy ghi tư thân trung bình, làm ăn an nhàn bình yên lợi danh khá, gia trạch chưa yên nên cầu phúc, hôn nhân chưa thành, kiện tụng nên hòa giải, có sự nên đề phòng…Nói chung là mình chẳng tin vào bói quẻ.
- Lấy lá số tử vi: Khách nói tuổi thì được đưa 1 lá số tử vi giá 5.000đ. Tuy không tin lắm vì phải căn cứ vào giờ sinh, ngày sinh (theo âm lịch) nhưng tục lệ này vô hại.
- Tục hái lộc ở chùa mang về nhà: Người VN quan niệm nhà Chùa là nơi có nhiều lộc, nên đem 1 cái lộc nào hái ở chùa về là nhà mình sẽ có lộc). Nhưng với lượng khách vãn chùa đông đến hàng nghìn lượt 1 ngày thì cây cối trong Chùa nào mà ra kịp lộc để hái. Nên sau này người ta có sáng kiến: Nhà Chùa tự làm ra các cây vàng cây bạc (cây lộc) du khách đến mua để dâng hương lễ bái xong mang về thì cũng coi là đem lộc của Chùa về. Mình thấy thế mà hay vừa bảo vệ được môi trường vừa là vật trang trí bàn thờ gia tiên cho đẹp vì cây vàng cây bạc được làm bằng các giấy nhũ trang kim nhiều màu sắc trông cứ như …vàng bạc thật.
-Thói xa hoa, lãng phí: thể hiện ở niềm tin tín ngưỡng mong muốn người ở cõi dương thế nào thì cõi âm cũng vậy. Nên có tục lệ mua đồ đạc bằng giấy, tiên, vàng bằng giấy (gọi là hàng mã) để cúng rồi hóa vàng.
Hóa vàng mã: Phong tục VN đã cầu khấn lễ bái bao giờ cũng phải có tiền, vàng, mã thậm chí quần áo đồ dùng cho người cõi âm dùng. Sau khi lễ xong thì đốt hết (hóa) với niềm tin là nững đồ lễ này đã được gửi lên cho thần linh ông bà. Mình nhớ năm ngoái hóa vàng đêm giao thừa mình sớn sác quên đốt các xấp tiền vàng, làm “các cụ không có tiền tiêu tết”. Hậu quả từ đó mình không được tín nhiệm giao cho hóa vàng nữa mặc dù là Trưởng nữ. Các bạn có nhìn thấy người ta hóa vàng không, có người hóa rất nhiều.
Mỗi chùa đều có 1 lò Bát Quái như vậy và khói thì mù mịt chảy cả nước mặt. Mà thời hiện đại lại có thói chơi ngông nhiều người không thèm mua vàng mã “Made Vietnam”, nhiều người giàu có mua vàng mã nhập từ Đài Loan, Hồng Kông về cơ.
Hình như đã có nhà kinh tế học làm phép tính toán 1 ngày lề hội người dân phải đốt đến hàng trăm triệu tiền (không phải tiền thật mà là tiền mua vàng mã rồi đốt thành than). Qủa là tốn kém lãng phí. Cần phải có biện pháp hạn chế bớt tục lệ này.
Nhận diện: Đây chính là căn bệnh lãng phí, từ đó phát sinh ra các căn bệnh "chị em" với nó là bệnh sĩ, bệnh ghen ăn tức ở, bệnh đố kỵ...từ đó sinh ra các thói hư tật xấu khác như là tìm mọi cách để kiếm tiền thỏa mãn thú chơi học đòi làm sang, là nguồn gốc của sự tham nhũng-"căn bệnh trầm kha" của bất cứ xã hội nào có giai cấp.
-Thành tâm cầu phật là tốt nhưng đừng để tâm hồn bị u mê, mê muội đến mù quáng. Lê Nin đã nói "Tôn giáo là thuốc phiện của con người". Nếu sa đà vào việc cúng quảy và bị lệ thuộc vào sức mạnh thần bí của siêu nhiên thì quả là điều bất hạnh cho xã hội. Hiện nay có tình trạng phổ biến trong giới công chức ( là nơi có nhiều đảng viên) lại là lớp người mê tín dị đoan nhất.
Vài lời kết luận: Nói chung phong tục tập quán truyền thống của VN cơ bản là tốt dạy cho các thế hệ hậu sinh nhân cách làm người, tôn trọng đạo lý, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng cũng có 1 số tập tục cổ hủ, không phù hợp với cuộc sống hiện đại thì chỉ nên giữ ở mức độ nét đẹp văn hóa tín ngường chứ không nên phát triển như một trào lưu gây lãng phí cho xã hội, nhất là lúc kinh tế suy thoái như hiện nay (cụ thể là tục hóa vàng mã như nêu trên). Những dịp lễ hội cũng là nơi thể hiện 1 số thói hư, tật xấu của người VN, tuy được che đậy dưới cái tên gọi bóng bẩy “duy trì bản sắc dân tộc”.
Nhân đây nói vài ý về nạn tham nhũng ở VN: Nhiều người chỉ trích nạn tham nhũng ở VN . Thực ra ở nước nào cũng có tham nhũng,ở đâu có giàu nghèo ở đó có tham nhũng. Mọi người xem Tây Du Ký của Trung Quốc thì biết khi thày trò Đường Tăng đến cửa nhà Phật phải hối lộ cái bát xin khất thực bằng vàng thì mới lấy được kinh có chữ còn trước đấy chỉ nhận được toàn kinh ...không có chữ. Bản chất của tham nhũng mang tính giai cấp nên chỉ khi Nhà nước mất đi thì nạn tham nhũng mới hết (vì lúc đó xã hội không còn giai cấp, không phân chia ra người giàu người nghèo).Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay làm sao ngăn chặn hạn chế bớt sự tham nhũng ví dụ như hạn chế bớt căn bệnh lãng phí trong dịp lễ tết.Do đó, mình thấy chúng ta cần phải tích cực tham gia vào “cuộc chiến chống lại chính mình”, nhận diện tục lệ nào cần giữ lại, hủ tục nào cần dẹp bỏ, để tập trung tiền của vật chất vào những mục đích thiết thực hơn cho an sinh xã hội, cho lợi ích cộng đồng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét