Số lần ghé thăm

9/9/11

Ôn lại lịch sử và sự kiện Hà Nội –Mùa đông năm 1946

Lịch sử Chợ Âm phủ-hay Chợ 19/12
Hôm trước nhân có việc lên tòa án HN trời se lạnh, lại có mưa rơi như khí hậu gần Tết. Tự dưng như dưng mình cảm thấy có tiếng người gọi lao xao đâu đó…nghe nói quanh đây rất nhiều giai thoại về 1 thế giới tâm linh…Chợt nhớ mình đang đỗ xe ở con phố 19/12 –và cũng chợt nhận ra đấy chính là cái Chợ Âm phủ mà mình hay vào …Nhưng từ đầu năm nay thì chợ đã chuyển đi …đâu không biết. Nơi đây biến thành con phố nối 2 phố chính của HN- là phố Hai Bà Trưng và phố Lý Thường Kiệt-mình rất hay đi lại qua đây vì tòa án HN là nơi làm việc chủ yếu của mình. Đặc biệt đoạn giữa con phố ngắn này có 1 ban thờ rất cổ kính nghe nói tồn tại từ rất lâu…nằm ẩn dưới 1 gốc cây to rễ cây xù xì…Người ta bảo đó là 1 nấm mồ tập thể …dưới đấy rất nhiều người chết không biết tung tích …nhưng có chung 1 điểm là họ chết cùng 1 ngày-ngày 19/12.


Ngày 2/9/1945 Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước VN Dân chủ Cộng hòa có viện dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và bản Tuyên ngôn Dân quyền và Nhân quyền của Pháp. Nhưng vào thời đó đã không có bất cứ quốc gia nào trên thế giới công nhận nhà nước Việt Nam mới được thành lập.
Ngày 23/ 9/1945 Pháp quay lại tấn công Sài Gòn vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ mới được thành lập và sự ủng hộ của Chính phủ ngoài Bắc.
Ngày 6/1/1946 cả nước tiến hành tổng tuyển cử tự do bầu ra Quốc hội I thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam và cử ra Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Nhà nước và Chính phủ non trẻ VN mới ra đời đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn cả về đối nội và đối ngoại, ngân quỹ trong nước thì trống rỗng và cũng không nhận được sự ủng hộ nào về vật chất của các nước cộng sản khác.
Đất nước thì lúc nhúc giặc ngoại bang: 20 vạn quân của Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc, 6 vạn quân Pháp, 6 vạn quân Nhật và còn có quân Anh. Đúng là lúc đó VN không có gì ngoài "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm". Chính vì vậy Hồ Chí Minh bắt buộc phải cắn răng thi hành chính sách Câu Tiễn tuy nhẫn nhục nhưng không phải là khuất phục để chèo lái con thuyền đi đến đích độc lập tự do….
Ngày 28/2/1946 theo Hiệp ước Pháp-Hoa ( quân Pháp sẽ thay thế quân của Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc). Một tuần sau ngày 6/3/1946 bản Hiệp định sơ bộ được Hồ Chí Minh ký đánh dấu sự kiện quan trọng Pháp đã phải công nhận Việt Nam "là một nước tự do, là một phần tử trong Liên bang Đông Dương thuộc Liên hiệp Pháp" và thoả thuận Pháp được đưa 1,5 vạn quân ra Bắc thế cho quân Tưởng, nhưng phải rút trong 5 năm, mỗi năm rút 1 phần 5 quân số. Trong thời gian đó hai bên ngừng xung đột, giữ nguyên quân đội tại vị trí cũ. Mặc dù trên bàn hội nghị thỏa thuận như vậy nhưng ngoài đường Pháp vẫn vô cớ nổ súng bắn giết dân thường và gây hấn với quân ta.
Ngày 14/9/1946 tại nước Pháp Hồ Chí Minh đã ký với đại diện Chính phủ Pháp, Bộ trưởng Thuộc địa Marius Moutet, bản Tạm ước quy định đình chỉ chiến sự tại miền Nam và thỏa thuận thời gian tiếp tục đàm phán vào đầu năm 1947.
Thế nhưng dù ký Hiệp định sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9 với những nội dung cực kỳ bất lợi cho ta, nhưng những nhân nhượng đó cũng không giúp cho chúng ta tránh khỏi cuộc chiến tranh….Đúng là kẻ yếu bao giờ cũng yếu thế, kẻ mạnh bao giờ cũng là người ra điều kiện…Thật thấm thía lời hiệu triệu của Hồ Chí Minh lúc đó …"Chúng ta càng nhân nhượng thì giặc Pháp càng lấn tới…Không, chúng ta thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". (Rất tiếc câu nói nổi tiếng này sau bị 1 số bọn hậu sinh khả ố xuyên tạc….đúng là đồ mất gốc).
Quân Pháp đã gửi liên tiếp 3 tối hậu thư khiêu khích buộc Hồ Chí Minh phải ban hành lệnh kháng chiến vì giặc Pháp đòi chúng ta một điều mà chúng ta không thể chấp nhận đó là mất tự do và tiếp tục sống đời nô lệ.
Tối ngày 19/12/1946 Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến do Hồ Chí Minh chấp bút được phát trên đài phát thanh. 20 giờ tối cùng ngày cuộc kháng chiến của nhân dân VN đã bùng nổ- một cuộc chiến không cân sức giữa Trung đoàn Thủ đô ở HN và sau đó nổ ra toàn quốc, dám chống lại cả 1 đạo quân viễn chinh Pháp để bảo vệ nền độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ nước Việt. Mục tiêu đặt ra là giam chân địch, tạo điều kiện cho chính quyền và nhân dân cả nước chuyển sang trường kỳ kháng chiến.

Hình như đã có 1 bộ phim về thời kỳ này-tên là "Hà nội mùa đông năm 1946" thì phải…đã tái hiện lại 1 góc của lịch sử như sự kiện tại rạp Tố Như (nay là rạp Chuông Vàng số 72 phố Hàng Bạc- Hà Nội) diễn ra lễ tuyên thệ “Sống chết với Thủ đô” của Đội Quyết tử thuộc Trung đoàn Thủ đô. Tại buổi lễ, mỗi chiến sĩ tự vệ đều quàng trên cổ một lá quốc kỳ nhỏ họ tự may sẵn, để cũng vì nó mà thề rằng: “Thề sống chết với Thủ đô - Thề quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Và trên phim đã tái hiện lại khắp các chiến hào tự tạo là gương mặt những người lính mặc áo trấn thủ, ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch và cảnh tự vệ HN quần nhau giáp lá cà với quân Pháp….Đã có rất nhiều người hy sinh không bao giờ trở về và trong số đó cũng nhiều người mất xác.
Cho đến nửa đêm ngày 17/2/1947, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, các chiến sĩ Trung đoàn thủ đô được lệnh rút lui vượt sông Hồng. Họ đã mở con đường máu vượt qua vòng vây quân địch để thực hiện chỉ thị bảo tồn lực lượng rút về hậu phương tiếp tục chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam, tạm để lại đằng sau lưng những người thân yêu của họ dưới bầu trời Thủ đô mù mịt khói lửa thuốc súng…hẹn ngày trở về. Mùa đông ấy dân tộc ta bước vào cuộc trường chinh gian khổ với niềm tin không gì lay chuyển được, Hồ Chí Minh đã có 1 câu nói nổi tiếng "Cố ráng sức qua mùa đông lạnh lẽo thì ta sẽ gặp mùa xuân"…tức là qua được cơn hiểm nguy đó thì có cơ hội để chiến thắng.
Tháng 3 năm 1947 Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chuyển lên Việt Bắc, toàn quốc tiêu thổ kháng chiến, tản cư cũng là kháng chiến, phá hoại (cho Pháp không lợi dụng được) cũng là kháng chiến. Phải chờ đến 10 năm sau đoàn quân chiến thắng mới quay trở về. Đó là ngày thủ đô Hà Nội trở thành Thủ đô một nước độc lập thống nhất.
Lịch sử VN lại sang 1 trang mới thể hiện dù dân tộc nhược tiểu, nghèo đói, dốt nát nhưng khát vọng được làm CON NGƯỜI vẫn cháy bỏng hơn làm nô lệ sống quỳ….Một trang sử oanh liệt vẻ vang và đẫm máu bắt đầu kể từ mùa đông năm1946…thời tiết cũng mưa lạnh rét buốt như hôm nay....Đó là những cột mốc quan trọng để từng bước VN được thế giới nhìn nhận như 1 quốc gia chính thống.

Lịch sử chợ Âm phủ hay chợ 19/12
Dấu tích của gần 2 tháng chiến đấu cầm chân địch giành nhau từng góc phố, căn nhà, thậm chí từng phản thịt ở chợ Đồng Xuân, viên gạch ở Ô Quan Chưởng... của nhân dân HN và các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô dẫu bao thời gian trôi qua nhưng nay vẫn còn như bản anh hùng ca về lòng quả cảm và sức mạnh kỳ diệu của một dân tộc sẵn sàng hy sinh cho độc lập vẫn vang mãi ngàn đời dù cho sông có thể cạn núi có thể mòn. Trong đó có chợ 19-12 hay còn gọi là chợ Âm phủ cũng là 1 địa danh lịch sử. Đây còn gọi là nấm mồ tập thể của nhân dân và các chiến sĩ Trung đoàn đã chết trong đêm 19/12-cái ngày mà dân tộc VN quyết định đứng lên làm NGƯỜI.
Không phải ngẫu nhiên khi mà người dân ở Thủ đô Hà Nội thường quen gọi Chợ 19/12 ở phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm là chợ Âm Phủ vì theo người dân HN nói lại khoảng những năm 50 một số người tụ tập nơi đây để buôn bán thịt bò tiết bò…và chỉ họp chợ vào ban đêm đến gần sáng thì tan…Đã từng lưu truyền miệng câu chuyện có người bán xong hàng khi trời tang tảng sáng giở tiền ra đếm thì có lẫn cả cái lá khô…Chuyện cứ thêu dệt có thể không phải do người mua lừa người bán ...mà biết đâu là người bán đã bán hàng cho …ma thì sao….
Nhiều năm trước đây mình vẫn biết có cái chợ tên 19/12 (còn gọi Âm phủ) ở gần Tòa HN nhưng ít đi chợ này vì nhà mình ở phố Hàng Chuối nên hay đi chợ Hôm. Đến khi thành luật sư mỗi khi đến tòa HN mình lại ghé chợ Âm phủ…ăn quà…Vào trong chợ cứ cảm thấy tôi tối lành lạnh….nhưng vẫn thích ăn quà hơn….Nhưng quả thật mình không hề biết trong 1 góc chợ có 1 cái ban thờ nằm nép dưới 1 gốc cây cổ thụ và dưới đất nơi mình ngồi ăn quà là rất nhiều xương người (vì nghĩ là đã quy tập hết hài cốt ra nghĩa trang trước khi lập chợ rồi). Đầu năm nay khu chợ này đột nhiên biến mất …nghe nói Thành phố có dự án hoành tráng xây dựng Trung tâm thương mại sầm uất cho phù hợp với quần thể các khách sạn cao cấp gần đó: Khách sạn Melia, Hanoi Tower…Khi khai quật thì đã phát hiện tại khu vực này trước kia đã từng là chợ sầm uất có rất nhiều hài cốt và di vật được tìm thấy….Và nhất là khi các lán lều dẹp đi hé lộ ra 1 ban thờ dưới 1 gốc cây gì …không biết tên nhưng lá thì sum suê, tươi tốt đến lạ kỳ…Tuy đống hài cốt (nghe nói mấy trăm bộ) tìm dưới lớp đất ngay bên phải đường là chứng tích đau thương cực kỳ sống động về một thời kỳ lịch sử đầy bi hùng của dân tộc VN-thời kỳ Hà Nội mùa đông năm 1946…ngàn năm sau dễ mấy ai quên (trừ những kẻ mất gốc).
Nghe nói trước khi chuyển những hài cốt này đi đến nghĩa trang Bát bạt Chính quyền Thủ đô HN đã tổ chức 1 cuộc cầu siêu trang nghiêm và hoành tráng để siêu thoát hương hồn các chiến sĩ, nhân dân trên mảnh đất khu chợ 19/12 (cũ) với sự tham dự của đông đảo Phật tử và nhân dânThủ đô. Và sau khi thăm dò dư luận UBND thành phố HN đã ra 1 quyết định đúng đắn…hủy bỏ dự án xây dựng Trung tâm thương mại ở đây mà phục hồi lại phố với cái tên đã đi vào lịch sử -Phố 19/12 nằm ngay bên cạnh Tòa án HN.
Vài lời kết luận:
Các bạn học khối C chắc sẽ khó quên sự kiện lịch sử Hà Nội quyết tử để Tổ quốc quyết sinh trong 60 ngày đêm mùa đông 1946. Còn hội học khối A thì chắc học môn sử lớt phớt….chắc sẽ có 1 vài kẻ bộ nhớ sẽ xóa nhòa ký ức hào hùng của cả một thế hệ thà chết chứ không chịu sống quỳ…ký ức của 1 thời hào hùng đã đi vào lịch sử dân tộc như bản anh hùng ca bất tử. Lời thề quyết tử đó là tiếp theo câu nói nổi tiếng của Trần Bình Trọng khi xưa "Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc". Dưới lớp đất này chắc chắn vẫn còn di hài cốt của những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa….xương cốt của họ nằm đây dưới nấm mồ vô danh nhưng tên họ đã trở thành tên đất nước, linh hồn của họ đã trở thành bất tử vì họ hành động không phải vì quyền lợi một cá nhân hay phục vụ lợi ích một nhóm người nào. Họ hy sinh tuổi xuân mà không hề tính toán thiệt hơn vì đơn giản họ đi theo lời gọi của hồn thiêng sông núi Việt vọng lại từ lịch sử bốn ngàn năm của cha ông. Thân xác của họ đã hòa vào hồn nước thiêng liêng và tạc vào sử xanh đất nước này để con cháu mai sau mãi tự hào và tiếp bước. Nên chúng ta –những kẻ hậu sinh, nếu không làm gì được nhiều cho đất nước thì cũng đừng có ..nằm ngửa nhổ nước bọt lên trời!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét