Số lần ghé thăm

1/9/11

Cuộc du lịch sinh thái đến Đảo Hòn Dáu và lễ hội chọi trâu

Chuyến công du đến Đồ Sơn (Hải phòng) để ký hợp đồng tiến hành xây dựng biệt thự tại Hon Dau Resort đồng thời làm việc với Công ty CP Du lịch Hòn Dáu về hợp đồng dịch vụ pháp lý thuê luật sư tư vấn.
Đảo Hòn Dấu ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP. Hải phòng.
- Nguồn gốc hình hành Đảo Hòn Dấu: Theo sách địa lý ghi chép rằng: Xa xưa trong những cuộc vận động của thềm lục địa, một phần dãy núi đã tách khỏi bán đảo Đồ Sơn trôi dần ra phía biển, trụ lại thành 1 hòn đảo cách bán đảo Đồ Sơn khoảng 1 km, trở thành cửa ngõ của Hải Phòng. Trong con mắt người xưa, non sông luôn mang hình tượng, đảo Hòn Dấu có chín con rồng chầu về viên ngọc. Nhìn từ trên cao xuống, Hòn Dấu với Đồ Sơn như một dấu chấm than khoét vào lòng biển cả mênh mông, thế đất cũng tựa như đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu của Trung Quốc. Do đó gọi ten là Hòn Dấu (có khi gọi là Hòn Dáu). Theo dự án đã được phê duyệt thì toàn bộ đảo Hòn Dấu khoảng 9ha nằm trong dự án khu du lịch sinh thái và là khu A, còn bán đảo Đồ Sơn là khu B
Trên đảo có nhiều hạng mục công trình quan trọng: kho dầu hỏa, nhà làm việc, nhà ở cán bộ, chiến sĩ, nhà ăn, cột báo hiệu, nhà triều ký, nhà hoa tiêu, trạm nghỉ ngơi dành cho khách du lịch. Quanh đảo có bãi đá cuội rất đẹp với nhiều hình thù mầu sắc rất huyền ảo nhưng nghe nói ai mà lấy thì trước sau cũng phải lọ mọ mang ra tận nơi để trả lại cho đảo. Cả nước ta có 76 ngọn Hải đăng.
- Đền thờ Nam Hải Thần Vương: Thủ tục đầu tiên khi cả hội bước lên đảo là vào thắp hương tại 1 ngôi đền nghe nói rất linh thiêng ở đây-đền thờ Nam Hải Thần Vương.Từ nơi đỗ thuyền là 1 con đường xi măng (cây cầu thì đúng hơn) dẫn du khách đến tận cổng đền chỉ cách 20m tức là đền ở ngay cạnh bến tàu.
Mình thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp linh thiêng của ngôi đền được tôn lên nhờ bãi sỏi uốn lượn như muôn ngàn nốt nhạc vô thanh thả xuống rì rào sóng biển. Mình đã được nghe sư thầy trong đền kể về truyền thuyết đền như sau:
Từ thời xa xưa vào thời nhà Trần, sau một trận thủy chiến đánh tan giặc Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, người dân trên đảo thấy một tử thi cụt đầu trôi vào đảo. Nhìn quần áo của tử thi nhận biết là tướng nhà Trần tử trận, nhưng không biết danh tính (vì cụt đầu). người dân nơi đây vớt thi hài lên đảo dự định sẽ làm lễ mai tang nhưng hôm sau ra thì không thấy thi hài đâu chỉ thấy mối xông lên cao như 1 cái gò ở chỗ thi hài nắm. Nên người dân đã lập 1 cái miếu để thờ vị tướng vô danh đã hy sinh vì đất nước. Lúc đầu miếu hoang tàn lạnh lẽo hương khói vì vô danh chỉ có những người đi biển trước khi ra khơi làm lễ bái và thường gặp may mắn, ai quên không lế bái thì ra đi không trở về hoặc thường là không gặp may mắn. Tương truyền đến thời Chúa Trịnh Doanh (khoảng năm 1754) 1 hôm đến đây câu cá câu cả ngày mà không được con nào, ngẩng lên thấy cái miếu đứng chơ vơ sát bờ nước nên khấn nếu câu được cá thò sẽ tạ ơn. Qủa nhiên câu 1 lúc được rất nhiều con cá, thấy miếu linh thiêng nên Chúa phong là Lão Đại Thần Vương. Từ đó càng ngày càng có nhiều người đến lễ bái vì đã có tên hiệu. 100 năm sau 1 lần vua Tự Đức ra thăm đảo thấy miếu linh thiêng giúp đỡ nhiều người đi biển được an toàn nên phong là Nam Hải Thần Đại Vương và xây dựng thành đền rất to. Từ đấy ngôi đền càng linh thiêng, nghe nói nếu ai dám lấy đi bất cứ thứ gì trên đảo, kể cả một lá cây, sẽ bị Ngài phạt, phải đem trả lại mới yên nếu không sẽ bị tai họa, khốn khó, không yên ổn. Chính vì thế đảo Hòn Dáu cho đến nay vẫn giữ nét hoang sơ huyền bí.
Mình thấy ba mình bảo cũng có mấy truyền thuyết khác nhau về nguồn gốc ngôi đền linh thiêng này. Một là: người ta nói vị tướng thờ trong đền chính là Trần Khánh Dư, 1 dũng tướng thời Trần, do bị thua trận nên bị thất sủng và nhà vua bắt đày ra đảo Hòn Dáu. Vị tướng này sáng sáng lên núi lượm củi đốt thành than đem ra chợ bán, chiều chiều luyện tập tác chiến. Dân gian còn truyền miệng câu thơ :
" Một gánh càn khôn (ý nói trời đất) quẩy xuống ngàn.
Hỏi rằng : "gì đấy", gửi rằng: "than"...
Về sau quả nhiên là đánh thắng giặc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. (Khi quân Nguyên -Mông kéo quân đánh nước ta lần thứ hai, Trần Khánh Dư được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn phong Đại tướng cầm quân trấn thủ ở Vân Đồn chặn đường rút của giặc. Còn đạo quân đi bằng con đường thủy cũng bị Trần Khánh Dư đánh tan và cướp hết lương thực buộc các cánh quân đi bằng đường bộ phải tự động rút lui. Vì nhớ công đức của vị tướng này, nhân dân ở vùng lập miếu thờ ông. Cũng có truyền thuyết rằng (Nam Hải Thần Vương-thần ở biển Nam)thứ hai là thời rất xa xưa có 1 con cá voi cụt đầu bị chết trôi dạt vào đảo, nhân dân vớt xác cá voi đem chôn và lập miếu thờ đặt tên là (Nam Hải Thần Vương-thần ở biển Nam), thực ra chính là con cá voi vì người đi biển rất quý trọng cá voi do cá voi hay cứu giúp những người đi biển mỗi khi gặp khó khăn.
Hiện nay du khách đi thăm quan Hải phòng, bên cạnh vịnh Hạ Long, Cát Bà, Đồ Sơn không thể không ra tham quan đảo Hòn Dáu- 1 địa danh du lịch với những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hiếm có trên thế giới. Mình cũng theo chân mọi người thắp hương cầu khần trong và ngoài đền. Thấy ông Tổng giám đốc thì thầm” đền này thiêng lắm, cầu gì cũng được, nên tranh thủ”. Nên mình lại lầm rầm nói những điều ước (nhưng không kể ra đâu các bạn đi mà đoán nhé).Sau mới được biết là trừ cầu... duyên. Cạnh đền chính có 1 vài miếu nhỏ mình cũng tranh thủ đến thắp hương khấn vái .Mình phát hiện ở các miếu đền đều có hình tượng con trăn (mà hình như là con ...rồng thì phải).
Điều mình thích là ở đây tuy có người đến lễ bái nhưng mật độ rất thưa thới không đông như kiến cỏ qua những lễ hội mà mình đã đi, chắc là đường sá xa xôi diệu vợi nên ít người đến đây hành lễ mặc dù đền rất linh thiêng. Mà có thể chỉ linh thiêng đối với những người đi biển nên cũng chỉ có những loại người này lui tới. Đó cũng chính là lý do làm cho hòn đảo xinh đẹp này vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ. Thế mới biết ở đây có con người thì ở đó môi trường bị tàn phá. Mình sẽ phải tư vấn cho ông Tổng giám đốc lập quy chế bảo vệ cảnh quan môi trường thật chặt chẽ với những chế tài thật nặng đánh vào kinh tế (như Singapore cấm hút thuốc chẳng hạn).
- Tham quan rừng nguyên sinh trên đảo: Ra khỏi đền bọn mình làm 1 vòng du lịch xung quanh đảo. Đường lên đỉnh đảo men theo 1 con đường nhỏ, len lỏi giữa rừng đa nguyên sinh thuần nhất.
Các bạn nhìn những cây cổ thụ chắc hàng nghìn tuổi, vì có những bộ rễ to như thân cây mới. Những cái rễ này rủ xuống đất, cắm vào đất mẹ lại thành 1 cái cây mẹ. Điều này là khá đặc biệt vì nguyên lý thực vật là từ hạt nảy mầm thành cây chứ không phát triển từ rễ. Nghe ông Tổng giám đốc bảo sẽ thuê 1 diễn viên nhào lộn mặc khố vỏ cây, đóng giả là chàng Tác giăng di chuyển từ nơi này đến nơi khác bằng cách bám rễ cây đánh đu lăng mình chứ không đi bộ. Mình cũng thử di chuyển bằng rễ cây nhưng quả là không thể vì bắp tay yếu quá. Nói thế thôi chứ đang đi 1 mình trong rừng nguyên sinh mà có 1 bóng người như vượn lao vút qua thì ối người lăn quay ra vỡ tim vì ...sợ.
Đi dưới mái vòm lợp bằng lớp lớp tán cây cổ thụ, dây leo chằng chịt, những chùm rễ si buông xuống như tơ liễu, cảm giác vô cùng thơ mộng, thú vị. Rừng ở đây còn vẹn nguyên cả ba tầng thực vật, cơ man những gốc cây cổ thụ to lớn, điểm xuyết những cây thân thảo, thân bò, thân leo gieo vào lòng du khách cảm giác hoang vu.
Nghe ông Tổng giám đốc nói thuở trước trên đảo rất nhiều khỉ, chúng ồn ào trên những cây và bày đủ trò để true ghẹo lính đảo và du khách. Nhưng còn có cả ...rắn nữa.Từ khi nghe vậy mình mất cả hứng vì sợ rắn quá nên cứ phải nhìn lầm lũi xuống lớp lá mục dày 50cm ở dưới chân. Điều thú vị là có nhiều con thú giả được đặt rải rác trong núi trông xa cứ như là...thật, nhưng kể cũng hãi, nhất là khi chiều xuống.Từ con đường ngoằn nghèo (như con trăn biển) thực chất là những bậc đá dẫn lên nơi cao nhất của đình đảo để đến 1 quần thể kiến trúc hiện đại bao gồm 1 dinh thự to chủ yếu trong dấy trưng bày mọi cái liên quan đến hải đăng và cạnh đó là Ngọn Hải Đăng có tên Hòn Dáu (tên địa danh)- 1 trong những công trình kỳ vĩ tâm điểm nhất của khu du lịch.
-        Ngọn Hải đăng Hòn Dáu: . Cả nước ta có 76 ngọn Hải đăng. Đây là ngọn hải đăng đầu tiên của VN. Lịch sử của ngọn hải đăng này là do người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1892 - 1896. Tháng 6-1898 đèn chính thức hoạt động. Tháp cao năm tầng, đỉnh đèn cao 140m so với mặt nước biển, ánh sáng được phát ra từ độ cao 65m so với chân tháp. Ban đầu tháp đèn được xây dựng hoàn toàn bằng đá cẩm thạch màu xanh hình khối với các hoa văn rất đẹp.Do chiến tranh tàn phá, qua nhiều lần sửa chữa, đèn gần như được xây dựng lại hoàn toàn. Hiện nay vẫn còn sót lại một số phiến đá xanh của ngọn đèn cũ thì dùng làm bệ trưng bầy các hiện vật về chiến tranh (thủy lôi và quả bom).
-        Cây đèn biển đã trên trăm tuổi, được mệnh danh là "mắt ngọc" của Tổ quốc. Cao như một tháp pháo đài cổ vút lên giữa đảo, trên cùng là ngọn hải đăng chiếu xa tới 24 hải lý (khoảng 40km). Những con tàu trên biển xa khi bắt được ánh sáng hải đăng Hòn Dấu là sắp trở về bến đậu. Lối lên đỉnh tháp theo hình xoáy trôn ốc với 125 bậc gỗ. Đứng trên đỉnh cao hàng chục mét đón cơn gió căng tràn sức sống của biển sẽ thấy đất trời vô cùng. Đứng từ trên lầu vọng gió, nhìn về bán đảo Đồ Sơn thấy vô cùng xinh đẹp và rất gần.
Nhìn từ trên cao xuống thấy khuôn viên của quần thể dưới đất sao mà đẹp và nên thơ quá. Từ đây phóng tầm mắt ra biển mình nhìn thấy phao số 0 mới biết tại sao những “thuyền nhân” hay chọn nơi đây là điểm vượt biên đi đến những “miền đất hứa” trong thời kỳ trước đây vì khoảng cách rất gần. Tuy nhiên mặc dù ngắn nhưng biển ở đây luôn động không yên nên cũng có nhiều người đã mất tích không trở về và cũng không bao giờ đến được miền đất mơ ước nữa. Ngày nay thì không còn cảnh vượt biên như trước kia nữa vì tự do cư trú là quyền của công dân mà, kể cả lựa chọn quốc tịch.
Đặc biệt là trước sân của dinh thự là trưng bày 1 quả thủy lôi và 1 quả bom –những kỷ vật của thời chiến tranh.
Người lính biên phòng trên đảo cho hay trong những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, đèn hải đăng cũng là mục tiêu ném bom của máy bay địch. Mỗi khi máy bay địch xuất hiện, hải đăng Hòn Dấu vụt tắt, nhưng khi chúng bay đi, đèn lại tỏa sáng.Mình tranh thủ chụp ảnh cạnh các kỷ vật chiến tranh đặc biệt này mà lòng không khỏi nhớ về 1 thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước đầy hào hùng của dân tộc, tiếng bác Hồ như còn văng vằng bên tai với lời hiệu triệu cả nước lên đường ” …giặc Mỹ muốn biến nước ta thành thời kỳ đồ đá. Hà nội, Hải phòng và 1 số thành phố lớn có thể bị ném bom tàn phá...). Tại phòng truyền thống mình để ý thấy 1 tấm biển treo trang trọng với hàng chữ trên nền đỏ như máu " Còn người, còn đảo, trái tim còn đập, đèn còn thắp sáng". Mình đã nhìn thấy cái hầm trú ẩn bị trúng bom ở mé sân của tòa nhà và thấu hiểu hoàn cảnh cực kỳ khó khăn của những người lính đảo Hòn Dáu bám đảo giữ ngọn đèn Hải đăng cho tàu thuyền qua lại trên vùng biển. Sự cần thiết của ngọn hải đăng cũng giống như sự cần thiết phải có đèn xanh đèn đỏ ở ngã tư trong phố, nếu không thì sẽ không tránh khỏi giao thông tắc nghẽn. Còn nếu không có ngọn hải đăng trên biển thì tác hại sẽ kinh khủng hơn rất nhiều.
Trưa về hội của mình được ông Tổng giám đốc chiêu đãi cơm trưa: có hai món đặc sản Hải phòng là canh cá khoai nấu chua và bạch tuộc luộc uống với rượu ma kích (nghe lạ quá nhỉ). Nhìn thì kinh nhưng ăn thì ngon quá, mà mực của nó ra tay thì như mực tầu chịu không thể chùi sạch thảo nào các cụ nói "tay đã trót nhúng chàm.."ý là không thể sửa được lỗi lầm nên cố gắng đừng để mắc sai lầm, làm điều không đúng với đạo lý.
Đôi điều rút ra từ chuyến tham quan này:
Kể từ sau khi được xem những hình ảnh chiến tranh trong phòng truyền thống của đảo, không hiểu sao mình chẳng muốn nói cười nữa, cứ lầm lũi đi cho đến khi ra ca nô về Đồ Sơn. Hình như có tâm sự: Nơi đây cũng chứng kiến hàng đoàn tàu không số âm thầm lặng lẽ vận tải hàng hóa, vũ khí tiếp tế cho miền Nam trong cuộc chiến tranh thần thánh. Vừa leo núi vừa nghe ông Tổng giám đốc –cũng là 1 chiến sĩ trong đoàn tàu không số, kể về những cuộc ra đi không ngày trở về của những người lính sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh cho đất Mẹ Việt Nam.
Nghe nói là còn khoảng 700 người lính đã phục vụ trên tàu không số nhưng có điều làm trái tim mình nhói đau khi nghe nói có rất nhiều người hy sinh nhưng không được truy tặng liệt sĩ và nhiều người chiến binh với những thương tật do chiến tranh nhưng không được hưởng bất kỳ chế độ nào. Chỉ vì 1 điều đơn giản: họ đã chấp nhận là lính không số phục vụ trên tàu không số. Theo quy định của Pháp lệnh người có công với cách mạng, thủ tục để được truy tặng liệt sĩ, hoặc được hưởng chế độ rất phức tạp phải cần có ít nhất 2 người cùng thời xác nhận về chức vụ, công việc, hoàn cảnh hy sinh hay bị thương. Lại nhớ lại bài thơ “Lính mà em” một thời rất thịnh hành. Chẳng nhẽ phải bùi ngùi chấp nhận lý do “chiến tranh mà” mà không có biện pháp nào ư!. Quả đau lòng quá.
Đối với Văn phòng luật sư cuả mình có quy định: tư vấn miễn phí và bào chữa miễn phí cho các đối tượng là thương bệnh binh, gia đình chính sách, người tham gia kháng chiến, có công với cách mạng. Mặc dù theo quy định thì những người này phải đến phường xác nhận hoàn cảnh nhưng thường là mình bỏ qua cho họ thủ tục giấy tờ đó. Tuy chỉ là sự giúp đỡ nhỏ bé nhưng phần nào làm vợi bớt những thiệt thòi, mất mát của những người đã có công với Tổ quốc, với dân tộc VN.

Dù ai buôn đâu, bán đâu
Mùng 9 tháng 8 chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm bề
Mùng 9 tháng 8 thì về chọi trâu"
Hội chọi trâu Đồ sơn đã có 1 thời tưởng đã mai một (cũng như Hội pháo Đồng Kỵ và nhiều lễ hội truyền thống khác của dân tộc Việt vì nhiều lý do khách quan). Rất mừng là mấy năm gần đây Hội chọi trâu đã lấy lại được khí thế hào hùng của 1 lễ hội không chỉ đơn thuần là một ngày hội gắn với tục thờ cúng thuỷ thần và tục hiến sinh mà còn thể hiện tinh thần thượng võ của người dân miền biển Hải Phòng.
Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc lễ hội này nên mình không giới thiệu chỉ biết rằng theo thần học thời kỳ sơ khai, hoang vu, con người bất lực trước thiên nhiên, họ chỉ biết cầu xin thần linh phù hộ nên lễ hội này chắc chắn bắt nguồn từ 1 truyền thuyết nào có gắn đến con... trâu.... Nên người dân tổ chức chọi trâu và hội chọi trâu bắt nguồn từ đó. Chỉ có điều khác với các lễ hội khác, trong lễ hội chọi trâu thì cả con chiến thắng lẫn con chiến bại đều trở thành vật tế thần .
Trâu chọi không phải là trâu cày, là những con trâu khỏe mạnh với những đặc điểm: "...ức rộng, háng to, cổ cò, đuôi trai, đít nhót, lưng tôm bà, sừng cánh cung...", độ tuổi từ 7 -8 năm tuổi.
Việc tập luyện để trở thành trâu chọi quả là quá tốn kém và công phu như: trâu được tẩm bổ đủ sức lực, tập chạy, lội bùn, leo núi, thích nghi với những biến đổi thời tiết nhằm nâng sức chịu đựng, dẻo dai. Để chiến đấu trâu còn phải có vũ khí đó là cặp sừng. Tùy từng trường hợp, có thể vót sừng nhọn hoặc múi khế. Ngoài ra còn phải tập cho trâu bạo dạn trước đông người và âm thanh huyên náo, mầu sắc rực rỡ trong hội. Trước khi vào vòng chung kết, vòng loại thường được tổ chức vào ngày 8-6 âm lịch, trâu được vào vòng trong sẽ tiếp tục được luyện tập với cường độ cao hơn, học những ngón đòn hiểm hơn nữa.
Lễ hội chọi trâu cũng như nhiều lễ hội khác có hai phần, phần lễ và phần hội đan xen với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Thật ngạc nhiên khi người ta không gọi là con trâu mà gọi Ông trâu và làm lễ rước các "Ông trâu" ra sới đấu với kiệu bát cống, long đình bát biểu, cờ thần bay phấp phới, rộn rã trong tiếng nhạc bát âm.
Điệu múa cờ khai hội được 24 tráng niên của làng chia thành hai hàng trình diễn vừa uyển chuyển, vừa mạnh mẽ, màu sắc biến hoá linh hoạt và huyền ảo trong những âm thanh của trống, thanh la. Theo cách nói của các lão làng, tiếng trống, tiếng thanh la có tác dụng tạo không khí trong sân bãi thúc giục các “ông trâu” thi đấu thêm phần quyết liệt. Với màn múa cờ, những lá cờ vung lên quật xuống mạnh mẽ, dứt khoát, nhịp nhàng, có lúc đan chéo vào nhau như hai đội quân đang giao chiến, thể hiện sự dũng cảm của con người chống chọi với biển khơi.
Bắt đầu vào phần chọi trâu: Mình chưa xem đấu bò tót (à trong phim Hollywood thì có) nhưng có lẽ chắc cũng chẳng ấn tượng hơn chọi trâu.
-Tiếng trống, tiếng chiêng khai hội, dịch loa gọi các “ông trâu” vào trận vang lên. Từ hai cổng bắc - nam của sới đấu, từng đôi trâu được dắt ra đứng dưới chân cột cờ Ngũ Phụng (ở hai bên). Hiệu lệnh phát ra thì hai trâu từ hai phía di chuyển lại gần nhau hơn, cách nhau chừng 20 m.
- Hiệu lệnh tiếp theo người dắt trâu đột nhiên rút dây mũi, hai trâu liền lao vào nhau. Thường thì các chú trâu đâm phập vào nhau, một tiếng động khô khốc của sọ trâu, sừng trâu va chạm. Cú đánh này có tên là miếng "hổ lao". Sau miếng hổ lao có khi làm nổ mắt, long sừng, vỡ sọ, hai đấu thủ hăng tiết choãi chân lấy tấn, cổ đẩy lùi hoặc lật ngửa đối phương bằng cặp sừng khóa chặt vào nhau. Nhiều cặp trâu vào trận cứ ung dung, cứ nhởn nhơ gặm cỏ, hít hít, nghênh nghênh, người am hiểu biết rằng đây là lúc trâu đang thăm dò nhau để tìm ra ngón đòn quyết định. Sau một cú "cáng" hoặc "càm", khi con trâu thua trận bỏ chạy, đó là lúc trọng tài xác định thắng thua.
- Người có trâu thắng phải thực hiện "thu trâu" rất nguy hiểm vì con trâu thắng đang hăng máu ...
Theo danh sách mua vội lúc vào cửa thì vòng đấu loại 2009 có 32 "Ông trâu" của 7 phường tại quận Đồ Sơn vào chung kết, chia thành 16 cặp đấu loại trực tiếp. Mình chỉ xem 8 trận "kháp đấu" quyết liệt rồi phải quày quả ra Hòn Dấu nghiệm thu công trình rồi về Hải phòng trụ sở Công ty xây dựng để thảo luận hợp đồng. Đây không phải là vòng chung kêt nên chỉ có những con bại trânj bị xả thịt, những con thắng sẽ được sống tiếp cho đến tháng 9. Sau trận đấu loại vào chính hội, dù thắng hay thua, trâu chọi đều được xẻ thịt để lễ tạ Thành Hoàng. Thịt trâu chọi còn được đem bán, người mua với ý nghĩa lấy lộc cho cả năm.
Vài lời kết: Theo quan niệm cổ xưa, nếu trâu làng nào thắng trận trong lễ hội, năm ấy cả làng sẽ gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mọi người bình yên trong suốt hành trình đi biển. Nhưng có lẽ ý nghĩa hơn cả, lễ hội chọi trâu Đồ sơn mang đậm nét văn hoá tâm linh của người dân miền biển. Nhưng nhìn quanh sân vận động hình như không có bóng người nước ngoài nào. Nếu phát triển thì Hội chọi trâu Đồ sơn nhất định sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, góp phần tạo nên phong cách rất riêng cho một vùng duyên hải và thu ngân sách.












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét