Số lần ghé thăm

10/9/11

Đi tìm miếu thờ Sầm Nghi Đống

Mở đề: Nhớ ngày kỷ niệm 30 năm ngày Trung Quốc vô cớ xâm đánh nước ta-ngày 17/2/1979. Thời điểm đó lứa LHS 77-78 đang ở nước ngoài, nên chúng ta không ai được tận mắt chứng kiến những cảnh đau thương tang tóc của chiến tranh ở phía Bắc của Tổ quốc, khi ở Miền Nam những vết thương chiến tranh thời chống Mỹ vẫn còn đang rỉ máu, chưa kịp hàn kín miệng...

Sáng hôm nay, ngày 17/2/2009, mình có phiên tòa về tranh chấp giữa các thành viên trong Công ty Cổ phần Giày Đông Anh tại Tòa phúc thẩm Tối cao. Đây là phiên tòa đầu tiên của năm mới. (Thì mình đã bảo là phải ăn Rằm Tháng Giêng xong thì ngành tòa án mới làm việc mà. Vì thế mình mới cho phép "tát nước theo mưa" trẩy hội xuân cho đến Hội Lễ Yên Từ thì dừng mặc dù mấy hôm nay các luật sư trong văn phòng cứ hỏi nhau "Ơ thế sao sếp bảo cho đi Lễ Hội Chùa Hương nữa cơ mà".)…
Rồi nhân dịp hoãn phiên tòa, vị đại diện Công ty mời cả hội nhà báo, luật sư kéo ra Quán Cafe Liễu Giai ở cạnh khách sạn Daewoo để giao lưu và tranh thủ ...ăn sáng vì hội nhà báo và luật sư đều chưa ăn gì. Ở đây phục vụ quà sáng như bánh cuốn, bún thang, xôi gà, bánh mì ốp la...thôi thì đủ cả. Trước khi ăn đột nhiên 1 phóng viên có tuổi của Báo Đời sống và pháp luật (tiếng nói của Hội luật gia VN) nói với giọng trầm trầm: "Xin các vị 2 phút mặc niệm cho những người đã bị chết vào ngày này 30 năm trước bởi quân Trung Quốc". Cả hội đang vui vẻ bỗng im bặt, nghe rõ cả tiếng chim hót thánh thót trên ngọn cây sấu già ở đầu quán và tiếng còi xe ô tô bim bim ở ngoài đường vọng vào. ờ nhỉ thế mà đi trên đường tuyệt nhiên không thấy có bất cứ hoạt động nào kỷ niệm ngày đau thương đó. Nghe nói trong ngày đó bằng 60 vạn quân để thực hiện chiến dịch "biển người" (hay "lấy thịt đè người") quân Trung Quốc đã đánh chiếm 6 tỉnh miền Bắc và tiến sát vào thủ đô Hà Nội để ...dằn mặt ta. Tội nghiệp nhiều người dân vùng sát biên giới vẫn ngây thơ chờ sự cứu viện của anh bạn lớn Liên Xô. Số đông khác thì tuyệt vọng bỏ tất cả nhà cửa tài sản sơ tán về...Hà nội vì quá thấm thía lời răn dạy từ ngàn xưa của cha ông "bán anh em xa mua láng giềng gần", "nước xa không cứu được lửa gần". Nghe nói hồi đó quân Trung Quốc cũng bị thương vong ngót 6 vạn người, quân ta thì cho đến nay không có số liệu thống kê nhưng cũng ngần ấy. (Thực ra con số thương vong cả hai phía đến nay vẫn là bí mật, chỉ biết là phía bên ta chủ yếu là dân thường mới đau xót, vì lúc đó các sư đoàn chủ lực của ta vẫn đang ém quân ở Miền Nam, ngoài Bắc chỉ có 1 sư đoàn của ta ở vùng trung du).
Bữa điểm tâm sáng trở nên đắng cổ quá, ai cũng cố ăn cho xong mà cứ nghẹn ở cổ. Mình chẳng muốn ở lại nữa xin cáo lui quay về họp Mặt trận Tổ quốc quận Hai Bà Trưng (vì phiên tòa hoãn nên mình phải tham gia vì đã có lịch từ trước). Gặp vị Chủ tịch MTTQ mình có hỏi sao hôm nay không có sự kiện gì kỷ niệm ngày 17/2/1979 thì được trả lời dè dặt "không có, vì bất cứ hoạt động nào cũng dễ bị nhòm ngó lợi dụng, nên chủ trương không làm gì cả". Mình phản ứng "Có thể về phía Nhà nước thì giữ gìn vì ngoại giao hay gì gì đi nữa, chứ những tổ chức đoàn thể phi chính trị, thậm chí bất cứ người dân nào cũng có thể thắp nén hương tưởng nhớ những người đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc vào ngày này 30 năm về trước chứ, kể cả những người dân thường vô tội nữa!". Nhưng sau hiểu ngay đó chỉ là tiêu cực tự phát chứ chưa lường hết hậu quả. Mình nhớ hình như trong các bạn học cùng lớp 10 Trường PT Công nghiệp Đống Đa cũng có bạn đã bỏ mình ở biên giới phía Bắc, chết lúc trẻ lắm mà lúc đó cả tốp còn đang ặn cơm thì bị quân Trung Quốc đánh úp, lúc truy điệu mà đồng đội vẫn thấy mồm vẫn còn ...ngậm đầy cơm.
Nhớ lại lúc ngồi ở quán Cafe 28 Liễu Giai vừa tán chuyện vừa tranh thủ lướt web tình cờ có đọc bài viết về Miếu thờ Sầm Nghi Đống ở phố Đào Duy Từ.
Sẵn tâm sự, mình bảo lái xe đưa đến phố Đào Duy Từ để đi tìm sự thật về ngôi Miếu thờ viên tướng giặc Sầm Nghi Đống ở giữa lòng Hà Nội. Nếu quả thật có ngôi miếu đó và vẫn được dân gian thắp hương lễ bái với lòng thành kính (vì dân tộc VN vốn có truyền thống "có thờ có thiêng có kiêng có lành" mà, thậm chí 1 cái bát hương cho 1 người xấu số vô danh ở bên đường vẫn có người đến thắp hương huống chi cả 1 cái miếu-tượng trưng cho đời sống tâm linh) thì...thì thái độ của mình lúc ấy sẽ thế nào nhỉ? ồ không, cứ phải đi tìm đã vì mình không phải người theo chủ nghĩa "live and see" nên không thể tự đoán trước được sự xúc cảm hay phản ứng của bản thân. Và sự thật là đây các bạn cùng theo dõi qua các bức ảnh chụp vội vàng nhé.
Con phố Đào Duy Từ thuộc loại "phố nhỏ, ngõ nhỏ, nghách nhỏ", ngắn vẻn vẹn 100 mét. 2 đầu phố rộng, nhưng ở giữa phố thì thắt cổ chai, thế nhưng lúc nào cũng tắc nghẽn bởi dòng taxi, xe ô tô con, xe máy các loại.

Dọc phố san sát hàng ăn với những món ăn nổi tiếng mà chỉ có những người sành ăn thuộc loai Hà Nội cổ mới biết và thường xuyên đến thưởng thức. ( Còn mình hay đến đây ăn món bánh cuốn Phủ lý với thịt nướng), nhân tiện làm đẹp (sơn móng tay, gội đầu, làm tóc các kiểu mới, nối lông mi...), mà có thấy chỗ nào có miếu đâu nhỉ?.

Hỏi ra mới biết có 1 cái ngõ nhỏ -ngõ Đào Duy Từ (à là nơi con trai mình học thêm môn toán) nhưng mình không đưa con đi học nên không để ý.

Nhìn dáng miếu (thấp) chợt nhớ câu thơ của Nữ sĩ họ Hồ:
"Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo".
Khen cho lời văn quá thâm thúy, đúng là cái miếu thấp, nhỏ, đứng rất cheo leo ở ngã ba đầu ngách thông ra con ngõ đối diện với số 10C Ngõ Đào Duy Từ -là quán bán bún của 1 bà chủ cùng tên mình.

Cảm thấy lòng hơi quặn đau xót xa ...nhưng với bản tính nghề nghiệp luật sư mình bụng bảo dạ phải tìm dân bản xứ hỏi nguồn gốc cái miếu đã (y như Tôn Ngộ Không dù có 72 phép thần thông thì mỗi khi đến 1 vùng đất lạ việc đầu tiên là đi tìm thần thổ địa để hỏi về tình hình địa phương). Mình tìm được 1 bà cụ già nhất sống ở cái ngách ở trong con ngõ và được trả lời: "Xưa kia chính nơi đây người Hoa Kiều có xây 1 cái miếu thờ Sầm Nghi Đống, nhưng cũng từ lâu lắm rồi, miếu đã bị phá đi để xây miếu mới (hiện nay) trên nền cũ với kích thước như cũ để thờ Đức Chúa BÀ- Đôi Cô". Nghe lạ quá mình cứ hỏi gặng mãi té ra thờ Đức Chúa Bà (Chúa Bà lại có 2 Cô-thường là gái đồng trinh theo hầu hạ). Không hiểu sao lại mặt đen như người da đen làm lúc đầu suýt nữa mình tưởng nhầm là tướng Sầm Nghi Đống.Trên mái miếu chăng đèn màu nhấp nháy trông rất bắt mắt. Đặc biệt có 2 cánh cửa bằng kính trong suốt đóng lại và có khóa để bọn nghiện khỏi táy máy rút tiền, đồ lễ ăn.

Ngoài ra còn có thờ Phật và Quan thế Âm Bồ tát nữa (ừ thì cũng giống như những miếu khác thôi vì truyền thống của dân tộc ta cũng là Phật giáo mà). Có điều đặc biệt là Miếu có hai ban thờ, ban thờ dưới là thờ Thần Bạch Hổ (trong đó quả là có đắp tượng nổi 1 con hổ). Bên trên mái có mấy cái đèn lồng đỏ rủ xuống (đúng là miếu này không phải thờ đàn ông rồi).

Thực ra mình cũng không hiểu hết ý nghĩa của sự tích của cái miếu cho lắm nhưng điều quan trọng là mình cảm thấy trong lòng vô cùng thanh thản, như trút được gánh nặng. Thế là nhân có bà bán quà bánh rong đi ngang, mình mua 1 chục bánh dầy Quán Gánh (1 địa danh gần Văn Điển chuyên làm bánh dầy ngon nổi tiếng), 1 cái bánh nếp tổ ong đặt tờ 5.000đ và thắp hương khấn vái cho vong linh những người tuyệt mệnh vào ngày này 30 năm về trước.(Còn mua chục bánh đúc lạc với túi ny long đựng tương bần về Văn phòng ăn mình vốn là ăn vặt mà).


Thay lời kết: Nếu đúng trước kia là Miếu thờ Sầm Nghi Đống thì cũng là 1 vết nhục vì đường đường với chức vụ Đề Đốc- là Tướng lẫy lừng thống lãnh ba quân xâm lược mà khi chết chỉ được lập cái miếu con con, miếu thấp đến nỗi chỉ cần ..."ghé" mắt trông "ngang" là thấy, dáng miếu lại "cheo leo" thì mới thấy hết sự thâm nho của câu thơ tiếp theo của Hồ Xuân Hương - nữ sĩ được mệnh danh bạo mồm chửi ...giai vào bậc nhất này:
"Ví đây đổi phận làm trai được
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu"
Gía mà Sầm Nghi Đống có sống lại mà đọc được những dòng này thì chắc chắn sẽ tức uất mà ...chết thêm 1 lần nữa cho mà xem.
Vừa vặn xe ô tô đến đón, thấy nét mặt mình tươi tỉnh, cậu lái xe mạnh bạo hỏi: " Cô tìm được miếu thờ Sầm Nghi Đống chưa ạ". Ơ cái thằng này hỏi lẩn thẩn, làm gì có miếu thờ tướng giặc bao giờ. Nghĩ mới thấy thật đáng trân trọng lòng tự hào dân tộc ta, nhất là truyền thống yêu ghét phân minh của người dân đất Việt. Buồn cười dân trong cái ngõ nhỏ ngách nhỏ thấy 1 bà đi ô tô (hôm nay vì có phiên tòa nên mặc bộ "củ" ra tòa nên trông cứ như phóng viên) đến miếu ngó nghiêng, hỏi sự tích miếu, về Sầm Nghi Đống, rồi mua lễ vật, thắp hương khấn lầm rầm, chụp ảnh...rồi đi. Chắc cũng ngạc nhiên lắm…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét