Số lần ghé thăm

30/10/11

Miền đất của huyền thoại Sơn tinh-Thủy tinh ( Vĩnh Phúc)

Thứ bảy vừa qua mình chu du 1 chuyến du lịch sinh thái ở Vĩnh Phúc do khách hàng đang nhờ mình giúp đỡ trong 4 vụ kiện đặc biệt mà mình cũng vất vả từ đầu năm đến giờ đang đi vào giai đoạn ác liệt mời ...

( Vài lời về vụ này: Đó là cuộc chiến pháp lý giữa thân chủ của mình với FPT-Tập đoàn kinh tế được gọi là người khổng lồ hùng mạnh bậc nhất ở VN- 1 nơi cũng tập trung nhiều dân học ở Nga đặc biệt là hội MGU, nhưng không phải ở FPT tổng, mà ở Công ty cổ phần viễn thông FPT-nơi TGĐ là T.D.A. Hình như tính chất phức tạp của vụ kiện (cùng 1 lúc vị TGĐ phải đối mặt với 3 vụ kiện lao động: vụ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (Cty đã phải hủy quyềt định chấm dứt hợp đồng lao động), vụ kiện tranh chấp việc làm tiền lương, vụ kiện hủy quyết định kỷ luật bằng hình thức sa thải tại tòa án Ba đình và vụ kiện tranh chấp giữa cổ đông với công ty tại Tòa kinh tế Hà nội) cũng đã được thông báo cho tân Chủ tịch HĐQ N.T.N vì từ trước đến nay có người lao động nào dám kiện đâu. Hình như là tên tuổi mình tham gia vụ kiện với tư cách là luật sư bảo vệ cho bên đối lập cũng đã được tiết lộ và vị tân Chủ tịch có câu nói nổi tiếng "xôi thịt" trong bài diễn văn nhậm chức cũng đã ra 1 tuyên bố chỉ đạo thuộc cấp về vụ viêc này “Hãy làm theo luật” –Chẳng theo cũng phải theo, đã ra tòa thì tất cả mọi đương sự đều bình đẳng trước pháp luật. Đó là cái giá phải trả cho các ông chủ chỉ mải làm khoa học, mải làm kinh doanh, cứ tin vào báo cáo của thuộc cấp-1 bệnh kinh niên tàn dư 1 thời của doanh nghiệp nhà nước -mà mô hình của FPT thì vẫn còn nhiều tàn tích nặng của thời bao cấp)

Khởi hành: Vị khách hàng của mình có quê vợ ở huyện Lập Thạch -1 huyện miền núi thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Nơi đây quả là có nhiều chuyện kỳ lạ đồn đại từ vài năm nay như: có người đàn bà mấy chục năm chỉ ăn đất sét mà sống khỏe mạnh không việc gì; có quả đồi của 1 ông lão mà hàng năm có hàng nghìn con cò ở đâu bay về làm tổ ấp trứng trong khi các đồi cây khác ngay cạnh thì cò lại không đến, ngoài ra còn có cái đầm chưa bao giờ tát trong đó những con ba ba 3,5 kg, có những con cá chép 16kg và cá trắm 35kg, có những quả núi đá cạnh hồ vẫn có những loài thú hoang dã ngày xưa như cáo, cầy –là nơi săn bắn lý tưởng. Từ trước mình chỉ biết đến Vĩnh Phúc có núi Tam đảo, Sa pa nơi nghỉ mát lý tưởng giữa mùa hè như Đà lạt. Nên mình rất háo hức đi làm cho vị thân chủ và gia đình họ vô cùng phấn khởi vì biết mình bận rộn công việc bù đầu bù tai chẳng lúc nào rỗi. Khoảng 2 giờ chiều xe xuất phát từ nhà mình chạy khoảng đến chiều thì đến huyện Lập Thạch –cách Hà Nội 80 cây số.
Những cảm nhận đầu tiên: Lúc xe đến nhà của thân chủ mình nằm sâu trong con ngõ dài ngoắt nghéo đi lên đồi là 1 ngôi nhà gạch, mái ngoi, rất nhiều cửa ra vào cho thoáng, có thềm cao-kiểu nhà đặc trưng của nông thôn VN (thời xưa kiểu nhà này chỉ có của địa chủ như Nghị Quế trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố, còn nông dân thì sống trong các căn nhà (túp lều) vách trát đất sét mái lợp bằng rạ. (Chả thế mà trong Tắt đèn mới có câu nổi tiếng “ Tắt đèn nhà ngói cũng như nhà tranh” mà).
Những dấu ấn của văn hóa dân gian của người Việt cổ :
Sáng hôm sau: 7 giờ tỉnh dậy nhìn màn mưa giăng giăng ngoài cửa sổ, vị khách hàng lo lắng sợ mình ngao ngán chán quá, nhưng khi thấy mấy mẹ con mình vui vẻ thì được giải tỏa tâm lý ngay. Mà đúng là lên đây vùng trung du nửa đồi nửa núi nên khí hậu quả là trong lành, mát mẻ và mình cảm thấy thư thái vô cùng. Trong lúc ăn sáng cả hội thảo luận chương trình du lịch hôm nay và thông qua như sau: đi tham qua cái đầm nổi tiếng có nhiều cá to, giữa săn cáo, cầy và bắn cò thì chọn bắn cò để đi thăm quả đồi có câu chuyện huyền thoại ông lão trông cò mà báo chí đưa tin đình đám 1 thời…còn các thú khác thì thiếu gì dịp offline, mình bảo lần này mà hay thì lần sau sẽ có bạn bè mình cùng lên.
Vài nét về nền văn hóa dân gian của Vĩnh Phúc: Cùng với các tục hội vật bò, đuổi bắt lợn để làm thịt dâng lễ tế thần, các hội tục săn bắt, đánh cá là các di sản văn hoá tinh thần cộng đồng làng minh chứng cho một thời hồng hoang khai thác thiên nhiên của viễn tổ người Vĩnh Phúc hiện tại. Đó là sự nội sinh của lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc với tuổi trường tồn ít ra cũng có vài nghìn năm. Trong điều kiện của môi trường sinh thái hiện đại, những tục hội như thế này không thể thực hiện, mà chỉ còn lưu giữ như một huyền tích về thời sơ sử.
Mình được kể nơi đây là miền núi thảo nào mà có lễ hội săn bắn (hình như khởi thủy là săn con quốc-1 họ hàng của con cò), chọi trâu (như ở Đồ sơn) thế mà mình không biết nhỉ, hội câu cá (mà câu cá tự nhiên cứ không phải câu cá thả như ở Hà nội)…

Tham quan di tích văn hóa cổ: Tháp Bình sơn
Sau khi ăn sáng, cả hội lên xe, điểm dừng chân là ngôi chùa cổ kính bậc nhất Chùa Vĩnh Khánh thôn Bình Sơn, xã Tam Sơn, huyện Lập Thạch nơi có ngọn thắp cổ kính Tháp Bình Sơn và đặc biệt: Kỹ thuật nung gạch vẫn tươi màu không bị rêu phong. Đặc điểm của ngôi tháp này là màu gạch luôn tươi mới, gần như không hề đóng rêu. Đây cây tháp bằng đất nung được đánh giá là đẹp nhất Đông Nam Á. Tháp được xây dựng vào thế kỷ XIII, đầu trần (1225-1400). Tương truyền khi mới xây tháp có 15 tầng, do thời gian huỷ hoại nay còn lại 11 tầng và phần bệ tháp với chiều cao là 15m.Mình được biết ngày 11-8-2008, Ban quản lý chùa Vĩnh Khánh đã khởi công xây dựng chánh điện thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo Di tích Bình Sơn.
Lễ hội săn bắn:
Bên cạnh cái hồ sâu thăm thẳm là con đường lên núi, nơi đây hàng năm diễn ra lễ hội săn bắn. Thời nguyên thuỷ, cuộc sống con người dựa vào nguồn cung cấp sẵn có của thiên nhiên bằng săn bắt, hái lượm. Những cuộc săn bắt tập thể của mỗi cộng đồng là hình thái duy nhất đảm bảo cuộc sống, đảm bảo cho sự sinh tồn. Dựa vào thiên nhiên để sống, nhưng thiên nhiên lại là lực lượng thần bí, và những thay đổi thời tiết, khí hậu khiến con người luôn luôn lo lắng hoảng sợ. Cho rằng đó là có sự chi phối của một đấng tối linh, và như vậy cùng với sự xuất hiện tín ngưỡng nói chung, những tín ngưỡng về săn bắn. Nhiều trăm năm đã qua, khi con người thời kỳ văn hoá Phùng Nguyên đến khai thác miền đồng bằng Vĩnh Phúc (Vĩnh phúc cũng có huyện đồng bằng), thì công việc săn bắt, hái lượm và cấy trồng cây lúa nước cùng đến với các nghi lễ sùng bái tự nhiên. Đến thế kỷ XX (ít ra là trước năm 1945) đã trở thành tục lệ, và còn diễn ra ở một số làng xã của các huyện Lập Thạch, Vĩnh Tường.
Hội săn cuốc: Những cuộc đi săn, thường được mở đầu bằng cuộc tế thần và những ngày đó, ở làng xã là những ngày hội lễ.
Nơi đây, đồng lúa đã thay thế cho đồng hoang với sự phát triển mạnh mẽ của nền văn minh nông nghiệp, cây lúa nước. Con thú hoang đối tượng của các cuộc săn bắt đã mất dần môi trường tồn tại, nên con cuốc (có người viết là "quốc") đã thay thế vị trí cho con thú dùng trong các nghi lễ về săn bắt và ở làng xã là những ngày hội lễ. Các tục hội săn bắt này mang ý nghĩa cầu chúc cho sự may mắn, thịnh vượng trong cả năm, là tàn dư của lễ tục săn bắt thời nguyên thuỷ. Làng Huy Ngạc, nay thuộc thị trấn huyện Vĩnh Tường có lệ săn cuốc vào ngày mùng 4 tháng Giêng, tức là chỉ sau 3 ngày Tết Cả. Sau cuộc tế lễ ở đình, cả làng hò reo, đánh trống mõ, lùng sục khắp đồng ruộng, ngõ xóm, bờ ao, bụi tre để tìm bắt. Làng có phần thưởng cho người bắt được chim cuốc. Làng Thượng Lạp, nay thuộc xã Tân Tiến huyện Vĩnh Tường mở hội lễ tế thần từ ngày mùng 4 đến ngày 10 tháng Giêng.
Hội săn cò nghiệp dư:Như quyết định lúc sáng khoảng trưa ăn cơm xong xe thẳng tiến đưa cả hội lên đồi nơi có vườn cò thiên nhiên có 1 không hai trên thế giới đã đi vào huyền thoại mà chưa ai giải thích được (vì sao nơi đây có hàng trăm quả đồi nhưng cò không về làm tổ mà chỉ đến 1 nơi-năm nào cũng như năm nào. Hết mùa sinh sản đàn cò lại kéo đi...chẳng biết đi đâu...có thể chúng vượt đại dương đến 1 nơi xa lơ xa lắc để kiếm ăn, rồi đến màu sinh sản lại vượt đại dương về đúng cái vườn cũ , không hề bị đậu phộng..vườn
)
Mình đã chứng kiến cảnh làm thịt cò chế biến món cò xào xả ớt và xáo măng. Sẽ viết bài ở mục ẩm thực cho ai có tâm hồn ăn uống thì sang đó thưởng thức bằng mắt nhé.
Hội đánh cá:
Săn bắt, hái lượm là phương thức thu nhập của người tiền sử. Trong điều kiện tự nhiên của vùng đất ngập nước Vĩnh Phúc, lợi dụng vào vị thế tự nhiên khai thác thủy sản là nguồn lợi nuôi sống con người. Đó cũng là một phương thức săn bắt.
Trong các di chỉ khảo cổ lớn ở Vĩnh Phúc, lẫn trong các tầng văn hoá, còn sót các loại vỏ ốc, xương cá… chứng tỏ cư dân Vĩnh Phúc đã dùng đồ thuỷ sản vào bữa ăn hàng ngày. Đánh bắt cá là phổ biến và nguyên thuỷ. Tuy nhiên, từ trong cuộc sống cộng đồng, đánh cá cũng đã trở thành nghi lễ: Đánh cá thờ. Tục truyền hội này là sự tái hiện hình thức nghi lễ sự tích cuộc chiến giữa Sơn Tinh (các chàng trai làng) với các loài thuỷ tộc, quân của Thuỷ Tinh xưa kia. Ở Vĩnh Phúc, hội đánh cá thờ trước hết có ở các làng thờ thánh Tản Viên (Sơn Tinh). Sách “Lĩnh nam chích quái” chép về vị thần ở núi Tản Viên: Đôi lúc rong chơi trên sông tiểu Hoàng Giang xem đánh cá. Cá đánh của ngày đầu tiên, chọn lấy con cá chép to nhất, lấy gắp tre cặp dọc đem nướng, rồi đem hiến lễ, gọi là “cá kính”, những ngày làng tổ chức đánh cá gọi là “hội đánh cá kính”. Con cá nướng cũng là thực đơn đầu tiên khi thức ăn có món cá. Từ ngày thứ 2, dân hàng tổng, hàng huyện mới được tự do xuống đánh cá. Điều rất đáng lưu ý là, trước ngày làng Thượng Yên tổ chức “đánh cá kính”, mọi người không ai dám đặt chân xuống đồng. Nên ngày người làng đánh cá trở nên rất thiêng liêng, người ngoài làng không ai dám tham dự.
Hội đánh cá đầm Vạc: Hội được tổ chức trong 3 ngày. Khởi từ ngày 13 đến 15 tháng 10. Cá đánh được làm gỏi sống ăn rất ngon.
Tục ăn đất :Riêng cái khoản này thì mình chịu mặc dù khi xe đi ngang chợ cóc mình được chỉ thấy những mẹt đất sét bày bán trong chợ mà nhất định không nếm. Nhỡ nếm... sau nghiện, thèm quá thì phải ăn suốt ngày à. Mình đã được Ba mình nói có tồn tại tục ăn đất ở nước ta, có lẽ đã có từ hàng ngàn năm nay. Một nhà nghiên cứu thì cho rằng nó có từ phong tục “việc hôn nhân lấy gói đất làm đầu” từ thuở Hùng Vương dựng nước. Đối với chị em phụ nữ thai nghén thì đây là món ăn không thể thiếu. Họ vẫn bảo món đất nướng này có vị bùi như hạt mít, thơm ngon và giống gan lợn. Trước khi vào mâm cơm, các bà, các chị gặm một miếng đất cho thỏa cơn thèm rồi mới ăn cơm. Đi làm người ta cũng mang theo đất để ăn ngoài ruộng, trên nương, lúc ở nhà đất để ở đầu giường, trong khay trầu cho tiện lúc thèm ban đêm. Hiện nay, món đất đặc sản này vẫn có bán ở các phiên chợ huyện Lập Thạch và quanh vùng. Có lẽ nhiều người dân Lập Thạch khi sinh ra và lớn lên ăn miếng ngói, quen với mùi thơm nồng của lá sim, của cỏ tế quyện trong hương đất nồng nàn thì đã hiểu rằng nó là món “đặc sản” rất riêng biệt của quê hương. Thực ra là chỉ các bà, các chị ăn món ngói này hơn, có lẽ vì thể trạng của phụ nữ cần những khoáng chất từ loại ngói này, chứ đàn ông thì ít người thích.
Trên đường về mình được khách hàng chỉ nơi có loại đất sét đặc biệt đó. Nhưng người ta nói đất dùng để làm ngói ăn không phải là cứ ra lấy ở ngoài ruộng, ngoài vườn. Đó phải là thứ đất mềm, mịn, không có sạn, không nặng tanh mùi bùn, thường năm sâu dưới lớp đất màu. Nó là loại đất sét có màu trắng hoặc xám bạc pha chút vân màu đỏ nâu.Họ đã phát hiện nhiều nơi có loại đất như thế trên những quả đồi ở Lập Thạch. Cũng có những nơi cả quả đồi biến thành một mỏ lộ thiên để người ta đào lấy đất làm ngói ăn. Còn những vùng khác thì không có lộ thiên mà phải khai thác. Để lấy được thứ đất ngon, người ta phải khoét sâu vào trong lòng đất đến cả vài chục mét để lấy đất, không khác gì khai thác than, quặng ở vùng mỏ. Họ đào hố sâu, hầm lấy đất dọc ngang chằng chịt khắp các quả đồi. Những giếng sâu hun hút hàng chục mét, những đường hầm khai thác đất chỉ được chằng chống bằng tre, bằng cây rừng mỏng manh, yếu ớt rất nguy hiểm. Một người bám vào dây thừng chui xuống giếng sâu hoặc đường hầm tối tăm đào đất, người ở trên buộc dây vào xô, gầu, sọt ròng xuống để kéo lấy đất lên.
Sau khi lấy được chưa ăn ngay được. Muốn để ăn được, đất phải được hun sấy bằng lá cây tươi có mùi thơm và nhiều tinh dầu, dễ cháy. Đó là các loại cây tế, lá chè và cây sim, những loại cây khi hun ngói ăn sẽ có mùi thơm đặc biệt. Đất đào về được xắn ra thành miếng nhỏ dày khoảng 4 đến 5mm, to cỡ hai, ba đốt ngón tay, đem phơi khô, nắng và gió làm cho đất đổi sang màu xám trắng là được. Sau khi phơi khô, những miếng đất được xếp trên một giàn làm bằng gỗ và đan dây leo, bên dưới người ta đào một cái hố tròn, nông để chất cỏ, lá và đốt cháy rừng rực hun ngói. Miếng ngói đất ăn hình bầu dục uốn cong cong. Khi cỏ cây dùng để hun sấy cháy hết cũng là lúc những miếng đất trên giàn đổi sang màu vàng sẫm, mùi khét thơm của khói quyện vào đất tạo nên một mùi hương rất khó tả. Thứ quà quê độc đáo chỉ có ở vùng Lập Thạch nếu không quen chắc sẽ không dám ăn, mọi người bảo hãy cứ nếm thử một lần cho biết...nhưng thôi để sau vậy, còn khối gì dịp. Còn xuất xứ, thói quen, tục ăn đất ở Lập Thạch, mà có người trở nên “nghiện” ấy thì vẫn là một sự bí ẩn, lý thú...mà cũng chẳng nên tìm hiểu đến tận cùng làm gì.
............................................................................................................







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét