Số lần ghé thăm

6/9/11

Sông ở Hà Nội: Làm gì để tất cả các sông đều chảy...

Chuyến đi Trại hè Phú Quốc lịch sử đã làm mình tạm xa Hà nội 1 thời gian, tuy không dài nhưng đúng là mấy ngày cuối mình chỉ muốn về, một phần là cảm giác nhớ Hà nội luôn thường trực trong mình, một phần luôn bị áp lực bởi các cú điện thoại của Cty gọi vào thông báo các việc cần có sự quyết định của mình hoặc điện thoại của khách hàng làm cho mình sốt cả ruột bởi các câu hỏi lúc nào cũng như lúc nào “ bao giờ thì chị về”. Đúng là làm cái nghề luật sư chẳng khác gì người vác tù và hàng tổng cho thiên hạ..!

Hà nội …lũ và lụt
Kể từ khi ra Hà nội mình cứ đầu tắt mặt tối vì công việc ùn lại chất đống y như hồi tháng hai (dân gian gọi là "Tháng ăn chơi" sau Tết Nguyên đán). Từ ngày hôm qua thấy mẹ mình bảo “Hà nội bắt đầu mùa mưa, hình như đài báo ngày mai mưa to. Khéo không lại ngập lụt cho mà xem”. Sáng nay từ 8 giờ trời đã bắt đầu kéo mây tối sầm và đổ mưa rào rào. Nhưng mình vẫn "khăn gói quả mướp" đến cty vì đã hẹn 1 khách hàng ở Thanh Trì đến để hoàn thiện hồ sơ khởi kiện để nộp tòa án.
Xe ô tô đến cty thì cũng là lúc trời đổ mưa to, chị khách hàng đã bỏ buổi làm bánh mì đến để luật sư hướng dẫn làm đơn kiện. Mải làm việc với khách chợt nhìn xuống sàn nhà đã thấy nước đang dần dần dâng lên mỗi lúc 1 cao.

Làm mình chợt nhớ đến những con sóng ở biển Phủ Quốc có mầu xanh nước biển, sủi bọt mầu trắng ở phía trên đầu ngọn sóng mỗi khi đánh vào bờ cát trắng rồi lại trôi ra biển sâu thẳm.
Không hiểu sao mực nước lên nhanh quá, ở Văn phòng cty chỉ còn lại 2 người lo chuyển tài liệu, máy vi tính lên gác hai

Đến khoảng 10 giờ thì mực nước trong văn phòng đã lên hơn 1m. Hôm nay đúng là mình mục sở thị cảnh nước dâng lên do trời mưa chẳng khác gì trận đại hồng thủy. Mình chợt rùng mình nghĩ lại những trường hợp cả bố mẹ đi làm vắng, ở nhà chỉ còn trẻ con và đã có đứa trẻ tuyệt vọng vì nước cứ dâng lên chẳng khác gì cái chết đến từ từ. Chẳng nói thì ai cũng chưa thể quên trận lụt kinh hoàng vào đầu tháng 11 năm ngoái mà hậu quả thật quá ư là nặng nề vì có đời thuở “mưa ..rươi…làm chết người” bao giờ trong lịch sử một nghìn năm Thăng Long –Hà Nội!.

Cũng may đến khoảng 13 giờ thì mưa tạnh và nước cũng bắt đầu rút, nhưng cũng kịp để lại hậu quả tương đối nặng nề cho thủ đô ngàn năm văn hiến. Đó là thành tích “phòng bị” của Công ty thoát nước Hà nội. Sau khi nghe đài thì mình mới biết thực ra từ 0h45 đến 10h50 ngày hôm nay trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra trận mưa với tổng lượng mưa đo được ở nội thành là 122,3mm. Đặc biệt, trong thời gian từ 9h20 đến 9h45 (đúng là thời gian mình đang “say sưa” làm việc với khách hàng), lượng mưa đo được tại điểm đo của Công ty thoát nước Hà Nội là 55mm. Khi xe chở mình về nhà, đi ngang qua cầu Chương dương mới thấy con sông Hồng như nở to ra, mới biết mực nước sông Hồng cũng nhanh chóng dâng cao, tức là không cạn như bài viết “Du lịch sông Hồng” của mình vào mùa nước cạn có nơi mớn nước chưa đầy 1 mét. Tuy nước sông Hồng dâng cao nhưng nhiều tàu vận tải chở vật liệu xây dựng, đồ gốm… thấy nước lớn không dám chạy vì sợ lật thuyền. Mình nghe nói bây giờ là tình trạng khẩn cấp của những người dân ở hai xóm “ngụ cư” ở ven 2 bờ sông Hồng (đoạn gần cầu Long Biên) vì năm nào khi mùa mưa lũ về đều có hiện tượng mưa lũ từ thượng nguồn đổ về và cuốn phăng cả nhà (tức thuyền) của dân vạn chài (và hình như năm nào cũng có người chết).
Buổi tối mẹ mình thông báo: Theo dự báo của Đài Nha khí tượng trong mấy ngày tới sẽ còn nhiều đợt mưa rào nữa. Thật là khủng khiếp như thế này thì còn gì là Hà nội nữa là phải gọi là “Hà ….lội” (theo cách phát âm của thổ dân 1 số vùng thuộc khu vực ...Hà nội 2).
Đến 14 giờ mình tiếp tục đi làm việc với 1 khách hàng ở chỗ khác, mình vẫn xắn quần lội nước để lên ô tô trong khi các cô luật sư trẻ hì hục cọ rửa, dọn dẹp, tẩy uế văn phòng. Hình như đến gần 18 giờ mới chống lụt xong thì phải.
Hà Nội: Tất cả các dòng sông đều bẩn…
Năm ngoái khi Hà Nội "thất thủ" bởi trận đại hồng thủy vì mưa rươi…người ta bảo đó là sự kiện thứ hai kể từ trận đại hồng thủy xảy ra 24 năm trước (vào tháng 10 năm 1984). Thế mà chưa đầy 1 năm sau lại tiếp trận đại hồng thủy thứ ba. Dù là ghi nhận Công ty thoát nước Hà nội đã nhanh chóng giải thoát mực nước trong Hà Nội nhưng không phải không có hậu quả. Nên cần phải tìm nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng "em ơi, Hà nội...lũ và lụt".
(Bản thân mình không hề thích tái diễn cảnh lụt lội như hôm nay, cho dù là chỉ 1 năm 1 lần. Tình trạng trèo lên bàn ngồi thõng chân ngâm trong ..nước đen như nước …cống để tư vấn pháp lý cho khách quả là ...không phải nơi nào cũng có. Chiều nay về nhà kỳ cọ 1 trận và theo dõi không thấy hiện tượng ngứa, tấy, đỏ...lúc đó mới tạm yên tâm. Thực ra mình đã có ý định năm nay xây lại thành 4 tầng vừa để chống nước tràn vào. Nhưng vì người ta bảo năm nay mình xây nhà không được tuổi cho lắm, nên mình quyết định lùi việc xây lại trụ sở vào năm sau để tôn nền cho cao may ra mới thoát được nạn chạy lụt).
Khác với Hà Nội cổ 4000 năm trước từ thời vua Hùng dựng nước, là một vùng đất cổ của một trong 15 bộ của nước Văn Lang nhưng không được chọn là nơi Vua Hùng đóng đô. Còn Hà nội ngày nay nằm trên cùng đất bồi tụ của ngã ba sông Hồng, sông Đuống, là vùng trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ, bởi vậy sự hình thành vùng đất Hà Nội cùng gắn liền với sự kiện tạo vùng châu thổ sông Hồng, vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Ai chẳng biết ý nghĩa cái tên Hà Nội (ý là nước ở bên trong”. Sách sử ghi chép rằng danh từ Hà nội bắt đầu có từ năm 1831 dưới thời vua Minh Mạng thứ 12 phân chia lại địa giới hành chính thì tỉnh Hà Nội là 1 trong 15 tỉnh. Hà nội có nghĩa là ở phía trong các con sông vì tỉnh Hà Nội được bao bọc bởi 2 con sông: Sông Hồng và sông Đáy. Như vậy tỉnh Hà Nội lúc đó gồm thành phố Hà Nội, nửa chính đông tỉnh Hà Tây ( chính là tỉnh Hà Tây thời Pháp thuộc ) và toàn bộ tỉnh Hà Nam. Như vậy rõ ràng tỉnh Hà Nội có đại bộ phận nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Đáy. Ngoài ra danh từ Hà Nội còn chỉ 1 ý nghĩa là có nhiều sông trong đó. Qủa là hiếm có thành phố nào trên thế giới lại là nơi giao lưu của nhiều con sông như Hà nội. Đó là các con sông: Sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ… Nhưng rất tiếc không biết từ thời nào xa xôi lắm, hầu hết các con sông, mương, tiêu thoát của Hà Nội đều trong tình trạng bị ô nhiễm. Một số nơi còn bị nhiễm bẩn hữu cơ và chất rắn lơ lửng, đặc biệt là vào mùa khô. Do đó có thể nói trong Hà Nội, tất cả các dòng sông đều bẩn mà không hề bị cho là... độc mồm độc miệng.
Nguyên nhân làm cho các con sông ở Hà nội đều bẩn?
Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Tài nguyên và Môi trường, Nhà đất Hà Nội, nước rác thải và nước thải chưa được xử lý là nguyên nhân chính khiến các con sông Hà Nội bị ô nhiễm.Cũng theo Sở này, hiện toàn thành phố có trên 500 nhà máy xí nghiệp, cơ sở dich vụ và bệnh viện nhưng chỉ có 10% trong số này là có các trạm xử lý nước thải, số còn lại là vô tư xả nước thải ra sông, hồ.
Thực ra hiện nay bất cứ ai ở Hà Nội đều có thể khẳng định rằng hầu hết các con sông chảy trong nội thành và một số con sông ở ngoại thành Hà Nội đang lâm vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân thì quá đơn giản và ai cũng biết: đó là tốc độ đô thị hóa, quy hoạch xây dựng thiếu đồng bộ, cộng với sự thiếu ý thức của người dân sống gần các con sông đã tạo ra sự ô nhiễm nặng nề. Điều này chúng ta có thể nhận thấy ngay bằng trực giác về màu nước của một số con sông được “liệt” vào mức độ ô nhiễm tiêu biểu… Ví dụ:
- Con sông Kim Ngưu (tức là sông “Trâu vàng”) -1 cái tên rất thơ mộng, rất đẹp nhưng mức độ ô nhiểm của nó thì thật là khủng khiếp, không thể tưởng tượng được.
- Con sông Tô Lịch là 1 con sông đặc biệt vì nó quanh co, uốn lượn trải dài trên nhiều quận, huyện (phường Trung Kính, ngã tư Sở (Thanh Xuân) và phường Trung Hòa, Yên Hòa (Cầu Giấy)... Ngay sau Văn phòng luật sư của mình (phường Vĩnh Tuy quận Hai Bà Trưng) có 1 nhánh của con sông Tô Lịch chảy qua. Theo mình biết thì quận đã có dự án làm cống chìm để xây dựng khu chợ ở đây rồi chuyển chợ Vĩnh Tuy về (khu vực chợ này đã bị giải tỏa khi thực hiện dự án cầu Vĩnh Tuy). Chính vì vậy trong thiết kế xây lại trụ sở tại 768 Minh Khai là có 2 cửa ra vào: 1 cửa ra phố Minh Khai, 1 cửa đi ra chợ ở đằng sau (tha hồ mà ăn quà, vì là phụ nữ mà).
Sông Tô Lịch, một thời là niềm tự hào của người dân Hà Thành, ngoài sự trữ tình, thơ mộng, sông Tô Lịch còn gắn với bao chiến tích xưa của người dân Thủ đô. Ấy vậy mà nay, sự phát triển chóng mặt của “cơn lốc” đô thị, sông Tô Lịch trở thành nỗi ám ảnh của bao người dân.Vừa bị thu hẹp, san lấp, dòng chảy cũng dần chuyển sang màu đen, đến nay thì hoàn toàn đen quánh bởi nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt. Ngoài bị thu hẹp, bị ô nhiễm lòng sông đang còn bị bồi lắng bởi rác thải sinh hoạt, nhất là đoạn qua các phường Khương Trung, ngã tư Sở (Q.Thanh Xuân), phườngTrung Hòa, Yên Hòa (Q.Cầu Giấy)... Tại các khu vực này sông Tô Lịch như đang ngừng chảy, lòng sông nước một màu đen ngòm, đặc quánh, đầy rác và nồng nặc mùi xú uế! Mình còn nhớ ngày bé ở Khu tập thể Khu B -Yên lãng bọn trẻ con ai cũng thuộc bài vè: " Sông Tô lịch vừa trong vừa mát. Hai bên bờ rải rác... vàng thoi "
Sông Tô Lịch là nơi tiếp nhận chính nước mưa và đủ loại nước thải chưa qua xử lý của thành phố (nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện, thậm chí cả nước thải công nghiệp...) và cả nước bẩn từ sông Kim Ngưu, sông Lừ nhập vào. Đến nay con sông thiên nhiên hữu tình ấy đã thành một dòng nước thải xú uế nồng nặc mùi hôi. Màu nước quanh năm suốt tháng đen đục. Bị ô nhiễm nặng nhất là đoạn sông chạy dọc đường Láng xuống đến Ngã Tư Sở. Hàng ngày đoạn sông này vẫn phải hứng chịu khối lượng nước thải của rất nhiều các nhà máy, xí nghiệp, các chợ quanh đó đổ ra. Bên cạnh gần chục nhánh sông nhỏ từ các phường trong nội thành chảy ra, nước thải của các hộ dân sinh sống ở các phường quanh đó cũng vẫn ngày đêm chảy ì ạch, len lỏi qua các đường ống dẫn nước chằng chịt đổ ra sông. Bên cạnh đó là nạn lấn chiếm, đổ đất đá của người dân sống ở 2 bên bờ cũng đang ở mức báo động. Do bị thu hẹp lòng sông đã làm cho dòng chảy ở đây thường xuyên bị tắc nghẽn, nhất là những ngày mưa to nước không tiêu kịp đã tràn vào nhà dân, gây ngập ngụa, hôi thối.
- Con sông Sét, đoạn chảy qua phường Bách Khoa và Trương Định cũng chịu chung cảnh “hấp hối” như sông Tô Lịch. Tức là cũng đang trong tình trạng bị ô nhiễm nặng. Suốt chiều dài sông Sét hầu như đi qua các khu chợ và các trường Đại học... nên lượng nước, rác thải ở đây có thể được gọi là “vua” của các loại nước, rác thải khác. Suốt một đoạn sông dài này phải len lỏi, chảy qua 2, 3 khu trường Đại Học lớn và hàng loạt các khu chợ cho nên lượng rác thải, nước thải ở các khu tập thể, khu chợ được coi là…“vô địch” đã được đổ vào lòng sông. Gọi là sông chứ thực ra đây chỉ như một kênh nước nhỏ bởi nó đã bị những người dân thiếu ý thứ sống quanh đó vô tư xả rác xuống lòng sông. Và cho đến nay thì qua bao nhiêu năm lòng sông đã dần trơ ra, nước thì cạn, màu đen đặc quánh, lúc nào cũng bốc mùi ôi thối nồng nặc…
- Với sông Nhuệ, con sông ở phía Tây Nam Thủ đô, tuy nạn lấn chiếm và đổ rác có đỡ hơn sông Tô Lịch và sông Sét nhưng sông Nhuệ đoạn chảy qua huyện Từ Liêm hiện chung “cảnh ngộ” tức là đang phải đối mặt với chất thải công nghiệp và hóa chất. Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở đây chưa có hệ thống xử lý nước thải, vì vậy sông Nhuệ đang là nơi chứa nước thải của các nhà máy, xí nghiệp dọc bên sông.Cứ vào mùa cạn và những ngày hè oi bức, nước sông khó tiêu thoát và bốc mùi hóa chất… Đây là nguyên nhân vì sao thời gian qua các xã phía Tây Nam huyện Từ Liêm rau màu bị chết hàng loạt do bà con ở đây dùng nước sông để tưới. Sự ô nhiễm hóa chất trên sông Nhuệ đang ở mức báo động, nhất là vào những tháng cuối năm khi mà các nhà máy, xí nghiệp đang thi nhau chạy hết công suất. Sự việc đã diễn ra lâu nay nhưng vẫn chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra xử lý hay can thiệp. Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì chẳng bao lâu nữa sông Nhuệ - con sông trong lòng Hà Nội sẽ trở thành dòng sông “chết”.
Tóm lại: Có thể kết luận 1 câu không sai là hiện nay tất cả các con sông ở Hà Nội đang kêu cứu. Vì thực trạng của hầu hết các con sông Hà Nội hiện nay đều giống nhau: nước đen ngòm, rác thải ngậm ngụa, mùi xú uế nồng nặc…không có 1 sinh vật nào có thể tồn tại được trong cái chất lỏng đó.
Nguyên nhân: Có thể xác định 3 nguyên nhân chính: 1) Do tốc độ đô thị hóa nhanh, 2) ý thức người dân chưa cao và 3) công tác bảo vệ còn mang tính ứng phó của các cơ quan chức năng đang là những nguyên nhân đẩy các con sông vào tình trạng ngắc ngoải.
Hà Nội xưa nay luôn được người dân cả nước và bạn bè thế giới biết đến với những phong cảnh thiên nhiên hữu tình, tươi đẹp, nếu một ngày nào đó mà tất cả các con sông đều…. không chảy thì Hà Nội sẽ ra sao. Hậu quả của việc các con sông Hà Nội bị ô nhiễm, bị san lấp và biến dạng đã rõ, kể cả nguyên nhân vì sao bị ô nhiễm, bị san lấp cũng đã rõ... Nhưng đến giờ vẫn vậy... và hậu quả thì chỉ người dân và môi trường Hà Nội phải ngày đêm gánh chịu.
Đã đến lúc chúng ta cần phải hành động ngay để cứu các con sông này.
Giải pháp nào…? bất cứ biện pháp gì làm cho các con sông ở Hà nội trở lại trong sạch, trữ tình, thơ mộng như xưa, trả lại cho các dòng sông là biểu tượng tự hào của người dân Hà Thành. Góp phần gìn giữ Hà nội với những nét đẹp cổ kính của thủ đô ngàn năm văn hiến. Để cho mỗi người dân Hà nội “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn hướng về Hà nội”. Và nhất là không để cho xảy ra trận đại hồng thủy như hôm nay, như năm ngoái và như 25 năm về trước.

Ngày trước con sông Hồng bao quanh thành phố HN nay thành lập quận Long Biên thì sông Hồng lại trở thành chảy qua thành phố. Nên cũng cần phải nghĩ đến phương án làm cho sông Hồng chảy quanh năm và đừng phải để có người bảo nó là con sông vô duyên.
Năm 1998 trước khi bán nhà ở Hàng Chuối, mình cũng đã đi tham khảo nhiều nơi để tìm đất... cắm dùi". Có 1 thầy tướng số nói là số mình phải liên quan đến... nước mới ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi. Tuy chẳng tin lắm, nhưng người VN quan niệm “an cư lạc nghiệp” , chọn đất làm nhà là điều hệ trọng của cuộc đời con người..nên không thể coi thường được. Thế là mình quyết định làm nhà ở bên sông Hồng (hồi đó nơi đây đúng là ...nhà quê). Đằng sau nhà lại đào đất làm 1 cái bể bơi to đúng như thầy bảo, có lần xả nước bể làm lụt cả xóm đằng sau suýt nữa rắc rối to ….
Từ hơn 10 năm nay ngày nào mình cũng phải đi qua con sông Hồng ít nhất là 2 lần: Buổi sáng từ bờ này sang bờ kia đến văn phòng luật sư làm việc, buổi chiều lại từ bờ kia trở về nhà ở bờ này. Mảnh trǎng lơ lửng đông dòng sông"- trích thơ của cụ Nguyễn Siêu ở thế kỷ trước)… Chiều chiều mỗi lần đi trên con đường từ văn phòng luật sư về nhà ở phía bên sông, xe ô tô chạy trên con đê quai cũ của HN- đường Trần Khánh Dư đến đường Hồng Hà lên cầu Chương Dương sang bên đường Nguyễn Văn Cừ, lặng ngắm cảnh vật bên đường thấy cõi lòng thật đỗi nhẹ nhõm... . Mình nghĩ nếu trên cầu Chương Dương cũng bố trí đường cho người đi bộ (như cầu Thăng Long) thì tuyệt. Để những đêm trǎng, người bờ nam kẻ bờ bắc, thả gót trên cầu ngắm cảnh trǎng sông thủ thỉ tâm tình cùng nhau, hẳn sẽ làm phong cảnh thêm thơ mộng, thanh bình và cuộc sống có thêm ý nghĩa biết bao!
Con sông Hồng còn là nguồn cảm hứng của thi ca, nhạc họa và là niềm tự hào của người Hà nội đấy. Thấy người ta nói: gọi tên con sông là "sông Hồng" vì nước... lúc nào cũng đỏ ngầu (vì chứa phù sa). Nhưng thực tế không phải thế, nhiều lần qua lại dòng sông mình phát hiện mầu của con sông biến hóa rất lạ lùng: khi đỏ chói như pha son về mùa lũ, khi phớt hồng như hoa đào về mùa thu, khi mang màu vàng như hoàng hôn, khi thì như màu gạch. Người ta nói về mùa xuân, nước sông Hồng lại trong pha chút hồng nhẹ ví như ....má người con gái phớt nhẹ qua một chút phấn hồng. Có lần mình dắt con trai lần xuống bên bờ sông để nó chạy chơi với lũ trẻ ở Bãi Giữa, còn mình lấy đôi bàn tay chụm vào nhau vục nước sông vốc nước lên thì thấy trong suốt mới lạ chứ.
Nhưng sông Hồng cũng có lúc hung dữ như …con hổ cái, nhất là vào mùa nước lũ. Hình như trong 1 bản trường ca của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi có câu:“ Sông Hồng réo..Hà nội vùng đứng lên”. Từ tượng thanh “réo” đã đủ làm cho người ta hình dung cảnh tượng hung dữ của con sông Hồng mùa nước lũ. Năm kìa thì phải, mình đã chứng kiến cảnh nước sông dâng cao, mấp mé cầu Chương Dương. Con sông này đến lạ, vào mùa cạn thì cạn đến tận đáy... Tháng 3 năm nay mình đã có bài phóng sự “Du lịch sông Hồng” mô tả tàu đi chậm vì chạm đáy, ai đời thuở phải có người đứng ở mũi tàu dùng sào dò đáy (lúc đấy mớn nước chỉ vỏn vẹn có 1m).










                                                     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét