Số lần ghé thăm

19/9/11

Chiến lược phát triển nghề luật sư VN từ 2011 đến 2020

Gần 1 năm trước ở khách sạn La Thành –HN có 1 cuộc tọa đàm do Bộ tư pháp tổ chức được giới luật sư và đông đảo các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực luật sư quan tâm đó là tọa đàm về 2 nội dung quan trọng: góp ý kiến trước khi ban hành dự thảo Thông tư mới hướng dẫn chi tiết Luật luật sư để thay thế cho Thông tư hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập không phù hợp với yêu cầu của thực tế hành nghề luật sư VN và góp ý kiến về Chiến lược phát triển nghề luật sư giai đoạn 2011 đến 2020 để Chính phủ phê duyệt.
Thấy bảo để chuẩn bị cho cuộc tọa đàm này nhiều chuyên viên của Sở tư pháp HN và Vụ bổ trợ tư pháp (Bộ tư pháp) đã làm việc cả tháng nay mà đúng là quy mô vì đại biểu là các chủ nhiệm của 62 đoàn luật sư (thuộc 62 tỉnh thành phố trừ tỉnh Lai Châu không đủ 3 luật sư nên không có Đoàn luật sư ) và các giám đốc Sở tư pháp của 63 tỉnh thành. Các đại biểu này ăn nghỉ tại khách sạn La Thành luôn. Còn trong HN thì có đại diện các cơ quan pháp luật và cơ quan tiến hành tố tụng tham gia và 1 số văn phòng luật sư do Sở tư pháp HN đích thân gửi giấy mời.
Nhìn chung thì thấy giới luật sư rất hoan nghênh việc ban hành Thông tư mới thay thế thông tư cũ (ban hành năm 2007) vì qua 3 năm thực hiện đã bộc lộ những hạn chế không phù hợp với thực tiễn và cuộc sống ngày càng phát triển nên quy định cũ đã trở thành rào cản cho việc hành nghề luật sư . Bản thân Văn phòng luật sư của mình cũng đang chờ ban hành quy định mới để chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề điều mà mình dự định từ năm 2005 mà đến nay chưa thực hiện được . Còn đề án chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 (ví dụ về số lượng luật sư sẽ đạt 20 .000 luật sư, về chất lượng thì 100% luật sư được đảm bảo đào tạo bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, kỹ năng hành nghề, đạo đức quy tắc ứng xử nghề nghiệp ….) thú thật là mình không quan tâm lắm vì chỉ đọc lướt qua đã thấy nhiều chỗ không khả thi (nghe nói dự trù kinh phí cho đề án này khoảng 168 tỷ đồng) vì đâu có phải cứ đổ tiền ra và ấn định thời gian phải đạt được mục tiêu như nêu trên là đạt được . Vì kết quả này phụ thuộc vào nhu cầu điều chỉnh của xã hội, vào quy định pháp luật do nhà nước ban hành, vào nhận thức của chính người dân và các cơ quan pháp luật. Chứ như tình trạng hiện nay, dân chẳng bao giờ có thói quen tìm đến luật sư từ đầu nhờ tư vấn mà chỉ khi thua kiện bế tắc hết cách mới nhớ đến ông luật sư, các cơ quan tiến hành tố tụng thì ghét luật sư như mẻ vì nghĩ lúc nào cũng bị cản mũi kỳ đà , mặt khác các quy định pháp luật thì chồng chéo ách tắc bó tay bó chân luật sư làm cho tỷ lệ thất nghiệp trong giới luật sư càng ngày càng tăng , nhiều luật sư dẫu yêu nghề nhưng không thể tồn tại được với nghề , tất cả những cái đó đã tạo nên bức tranh buồn của nghề luật sư VN. Theo thống kê thì tỷ lệ luật sư VN là 1 luật sư/15.000 người dân, trong khi ở Thái lan là 1/1.526; Singapore:1/1.100; Nhật bản: 1/4546; Pháp: 1/1000; Mỹ: 1/250 .
Bức tranh này ở các vùng sâu vùng xa lại càng ảm đạm hơn như: Đoàn luật sư Cao Bằng và Hà giang chỉ có 3 luật sư, Sơn la :4 luật sư, Lai châu không đủ để thành lập Đoàn luật sư, Bắc kan, Kon tum :5 , Điện biên :6, Hậu giang :7. Túm lại chỉ có ở HN và TP, HCM là tập trung đông luật sư nhất dưng mà cũng chỉ khoảng 30% sống bằng nghề luật sư . Qủa là thực trạng này là nghiêm trọng rồi , chả thế mà Chính phủ đã đặt ra mối quan tâm hàng đầu giao cho Bộ tư pháp phải gấp rút xây dựng và trình CP phê chuẩn Chiến lược phát triển nghề luật sư từ nay đến 2020 bằng bất cứ giá nào để đảm bảo cho VN hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng nhà nước pháp quyền . Đúng là nghề luật sư ở VN cũng còn nhiều gian nan, vất vả lắm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét