Số lần ghé thăm

7/9/11

Nghề luật sư ở Việt Nam: hiện tại, tương lai

Nghề luật sư ở Việt Nam: hiện tại, tương lai
Trong chuyên mục pháp lý Hồng Vân (khoa Tóan MGU) có hỏi mình 1 câu “nghề luật sư VN so với các nước trong khu vực Đông Nam Á” (ý muốn hỏi là hơn hay kém). Vấn đề Vân quan tâm mình trả lời tại đây cho đúng chủ đề:
Thực ra rất khó trả lời một cách cụ thể câu hỏi này vì mọi sự so sánh chỉ là tương đối, mình cố gắng trình bày 1 cách dễ hiểu từ cách suy nghĩ của bản thân.


Thứ nhất: Vài nét về nghề luật sư ở VN
- Câu hỏi của Vân thuộc vấn đề tương đối “nhạy cảm” vì liên quan đến 1 loại người sống bằng nghề …“cãi” (cãi lại ....tòa hay nói chung là các cơ quan công quyền), nhằm mục đích để bào chữa bảo vệ cho những thành phần bị coi là tội phạm đang chờ phán xét hình phạt (ở đây chỉ đề cập đến 1 phần công việc của luật sư thể hiện trong lĩnh vực hình sự).
- Cũng như các nước khác, các bản Hiến pháp của VN thừa nhận 1 trong những quyền cơ bản của con người - quyền được tự mình bào chữa hoặc nhờ luật sư bào chữa. Hiện nay theo xu hướng của các nước phát triển, VN đang trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền nhằm đảm bảo cho mọi công dân được quyền tiếp cận đến công lý bằng việc sử dụng các hình thức trợ giúp pháp lý của luật sư. Luật luật sư năm 2005 đã quy định rõ chức năng xã hội của luật sư là góp phần bảo vệ công lý, đảm bảo cho xã hội vận hành theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật, không ai có quyền đứng ngoài pháp luật và đứng trên pháp luật. Nghề luật sư ở VN: hiện tại và tương lai đang là mối quan tâm hiện nay của Nhà nước ta cũng như chính những người đang hành nghề luật sư. Nghề luật sư mới được hình thành ở VN khoảng 10 trở lại đây, có thể nói là rất non trẻ nhưng có yếu tố để có thể khẳng định tương lai phát triển của nghề này. Đó là kết quả tất yếu do nhu cầu của xã hội đòi hỏi. Xã hội càng dân chủ càng tạo điều kiện cho nghề luật sư phát triển để thực hiện tốt sứ mạng góp phần bảo vệ công lý, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
-Hành nghề luật sư ở VN được coi là 1 công việc đầy khó khăn và nhạy cảm buộc những người hành nghề luật sư phải có 1 bản lĩnh và lòng dũng cảm để đứng giữa "thanh thiên bạch nhật" thực hiện nhiệm vụ “cãi”. Mà nghề "thầy cãi" cũng lắm rủi ro: cãi không cẩn thận có khi bị họa vào thân, còn nếu “cãi” một cách qua loa đại khái cho gọi là có, thì không sớm thì muộn cũng bị khách hàng “tẩy chay” không thèm thuê mướn "cãi" thì chỉ có nước…giải nghệ đi làm nghề khác. Qua thống kê không chính thức ở VN tỷ lệ “thất nghiệp” trong giới luật sư là cao nhất, bạn nào không tin cứ đến đoàn luật sư HN mà hỏi!.
- Năm 1978 khi đi học ở Liên xô, nước mình chưa có trường đào tạo luật, trong số các bộ thì Bộ Tư pháp là trẻ nhất vì mới được thành lập sau này. Năm 1984 mình tốt nghiệp về nước thì ba năm sau VN mới có Pháp lệnh về tổ chức luật sư (1987), lúc đó luật sư chưa thành 1 nghề độc lập chỉ hoạt động trong khuôn khổ đoàn luật sư tham gia các vụ án theo yêu cầu của tòa án (thực ra tính chất là luật sư công thì đúng hơn). Cả 1 thời gian dài hầu như xã hội VN không hề quan tâm đến vai trò của luật sư nên nghề này cũng chẳng phát triển, các đoàn luật sư ở các tỉnh thành phố tuy có thành lập nhưng lèo tèo vài bác già về hưu, chỉ có đoàn luật sư ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì tương đối đông nhưng cũng chỉ khiêm tốn ở mức dưới 100 người.
- Chỉ đến năm 2003 mới có Pháp lệnh luật sư-lần đầu tiên quy định cụ thể về hành nghề của luật sư với tư cách là 1 nghề hoạt động trong các văn phòng luật sư hoặc công ty luật, xã hội đã bắt đầu nhìn nhận vai trò của luật sư tuy rất dè dặt, số lượng luật sư có tăng dần nhưng cũng không vượt quá được . Sau đó để hoạt động của luật sư phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng nhu cầu của xã hội càng ngày càng phát triển theo xu hướng mở rộng dân chủ, năm 2005 Luật luật sư đã được Nhà nước ban hành trở thành đạo luật quan trọng điều chỉnh nghề luật sư trong lĩnh vực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần bảo vệ công lý, hạn chế những sai lầm gây ra từ phía các cơ quan nhà nước trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên hành nghề luật sư ở VN vẫn gặp muôn vàn khó khăn nhất là luôn phải chịu áp lực từ phía các cơ quan công quyền (trong lĩnh vực hành chính và tư pháp). Nhưng dù gì chăng nữa đó cũng là thể hiện những cố gắng của VN và tín hiệu vui cho nền dân chủ nước nhà.
- Mấy năm gần đây tuy càng ngày càng nhiều luật sư được ra “lò” nhưng chỉ 1 số ít hành nghề còn chủ yếu sống bằng các nguồn thu nhập khác (có trời mới biết!). Lại còn có sự chuyển dịch trong "cơ cấu" luật sư, đó là xu hướng bỏ tranh tụng để sang tư vấn pháp luật, thậm chí nhiều luật sư về làm nhân viên cho các doanh nghiệp để nhận lương hàng tháng để mong sự ổn định, tránh mọi áp lực trong hành nghề luật sư.
Vì vậy vấn đề nóng hổi đặt ra hiện nay là: biện pháp nào để nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, đảm bảo cho số lượng luật sư hành nghề chuyên nghiệp ngày 1 tăng, đều cho cả mảnh tranh tụng cũng như tư vấn, đang được nhà nước quan tâm và đó cũng là nhiệm vụ hàng đầu cho Liên đoàn luật sư toàn quốc ngay khi được thành lập.

Thứ hai: Về so sánh nghề luật sư của VN với các nước ĐNA
- Vấn đề này quả là rộng so với hiểu biết của mình, nhất là nhìn nhận đánh giá về 1 nghề luôn liên quan đến những lĩnh vực “nhạy cảm” trong xã hội. Thực ra có thể làm phép so sánh bình thường nhưng cần phải có thực tiễn, trong số các nước ĐNA (hình như gồm 11 nước thì phải, mình mới chỉ đến Singapore vì mình có bệnh say tàu xe nên cũng chẳng đi đến nước nào cả, thật là thiệt thòi quá). Tháng 10 năm 2007 mình được Đoàn luật sư Hà Nội (cùng với 1 Phó Chủ nhiệm) cử đi Singapore tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 60 của Hiệp hội luật sư quốc tế (IBA) có sự tham gia của 3.500 luật sư từ 195 nước.

Sau đó tham dự Hội thảo về Nhà nước pháp quyền do IBA, Liên đoàn luật sư Nhật bản, Tổ chức hỗ trợ và phát triển quốc tế của Nhật bản (JICA), Hội luật gia Singapore đồng tổ chức, thành phần tham dự hội thảo quan trọng này chủ yếu là các vị lãnh đạo của các đoàn luật sư của các nước đang phát triển: ở khu vực ĐNA, Châu Á, Trung Đông gồm: Botswana, Cambodia, China, Fiji, Indonesia, Kenya, Lao PDR, Malawi, Mông cổ, Nepal, Srilanka, Swaziland, Uganda, Uzbekistan, Việt nam, Zimbabuwe (sao có nhiều nước bây giờ mình mới biết thế nhỉ).Khu vực ĐNA thiếu đại diện các nước Phi lip pin, Brunei, Malaysia, Đông Ti mor.

Với chút ít kinh nghiệm hành nghề tại VN và nhân chuyến công tác Singapore năm 2007 nên mình có dịp giao lưu với nhiều luật sư ở các nước và nhất là luật sư trong khối ĐNA. Do đó mình có thể đưa ra 1 vài nhận xét chung như sau:
- Nhìn chung các luật sư các nước (cả VN, ĐNA) đều có 1 phong cách chung đó là ai cũng bản lĩnh, nhiệt tình, thẳng thắn. Tức là nhìn trong 1 đám đông ai làm luật sư đều có thể nhận ra (trừ 1 vài ngoại lệ). Đương nhiên ở VN thì những luật sư tham gia tranh tụng thường "oai" hơn luật sư tư vấn.
- Luật sư nữ chiếm tỷ lệ ít so với các luật sư nam (ở VN cũng vậy tỷ lệ nữ luật sư chỉ chiếm ¼).
- Giới luật sư ở nước nào cũng được xã hội nhìn nhận về vị trí, vai trò nhất định trong quá trình góp phần bảo vệ quyền con người, bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, giúp đỡ pháp lý cho công dân (tuy mức độ có khác nhau).
- So với luật sư ở các nước phát triển, luật sư ở các nước đang phát triển thường hay gặp khó khăn trong hành nghề hơn (chủ yếu là trong lĩnh vực hình sự)- cũng là 1 hiện tượng phổ biến ở VN .
- Thu nhập của luật sư được coi là cao so với mặt bằng của các nghề khác.
Tuy nhiên, mình cũng nhận xét môi trường hành nghề luật sư ở các nước khối ĐNA (có lẽ trừ Singapore) cũng không được thuận lợi như các luật sư ở các nước phát triển (điều này là đương nhiên vì các nước này đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm). Theo ý kiến nhiều người thì trong các nước ĐNA thì môi trường hành nghề của luật sư VN có thể ngang bằng với 1 số nước như Indonesia, Cambodia, Lào. Nên như Hồng Vân nhận xét là hành nghề luật sư ở Indonesia cũng có khó khăn có thể đúng (nhưng theo mình cũng tùy người thôi, tức là “khó với người này nhưng chưa chắc khó với người kia”.Hiện nay JICA đang tài trợ cho 6 nước gồm: Cambodia, Indonesia, Mông cổ, Uzbekistan, Laos, Việt Nam để tăng cường hệ thống pháp luật và năng lực hành nghề luật sư bằng nguồn vốn ODA.

Những khó khăn chung mà các luật sư ở các nước đang phát triển thường gặp là: hệ thống pháp lý về hoạt động của luật sư chưa hoàn chỉnh, trình độ dân trí chưa cao chưa biết sử dụng luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, vẫn còn những cản trở người dân được tiếp cận các dịch vụ pháp lý của luật sư trong việc bảo vệ các quyền con người, luật sư chưa thực sự độc lập trong hành nghề vì vẫn có sự can thiệp từ phía Nhà nước vào tổ chức luật sư. Đó cũng là những nguyên nhân cản trở giới luật sư trở thành 1 lực lượng góp phần bảo vệ công lý có hiệu quả, thúc đẩy nền dân chủ phát triển.
Riêng VN có thêm 1 số những tồn tại cũng ảnh hưởng đến hoạt động của nghề luật sư đó là:
-Chưa thành lập Liên đoàn luật sư toàn quốc -1 tổ chức có vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi cho các luật sư trong hành nghề (trong khi hầu hết các nước đều có tổ chức luật sư toàn quốc). Hiện nay VN đang gấp rút tổ chức Đại hội lần thứ nhất Liên đoàn luật sư toàn quốc dự kiến năm nay sẽ tiến hành đại hội lần thứ nhất để bầu ra Ban chấp hành.
-VN là 1 số ít các nước có song song hai tổ chức mà nước ngoài rất hay bị nhầm lẫn: Đoàn luật sư –thành viên là các luật sư có chứng chỉ hành nghề và Hội luật gia –mà thành viên bao gồm cả luật sư và những người không phải là luật sư. Trong khi ở các nước chỉ có 1 tổ chức duy nhất.
- ở VN Hội luật gia được Nhà nước ưu ái hơn vì được coi là tổ chức chính trị xã hội, còn các đoàn luật sư thì chỉ được coi là các tổ chức xã hội –nghề nghiệp nên trên thực tế không bảo vệ được cho các luật sư và hoạt động nghiệp vụ của luật sư. Bọn mình thường đùa “so với Hội luật gia thì đoàn luật sư thấp cổ bé họng, nói chẳng có ai nghe, đe chẳng có ai sợ”. Với sự ra đời của Liên đoàn luật sư toàn quốc thì tổ chức này sẽ được coi như là thành viên của Mặt trận Tổ quốc đương nhiên là sẽ “oai” hơn và chắc chắn sẽ làm tốt chức năng bảo vệ cho các luật sư thành viên hơn.
Tóm lại: Tuy nghề luật sư VN có nhiều thuận lợi nhưng bên cạnh vẫn còn nhiều trở ngại, khó khăn, đành vận dụng phép thắng lợi tinh thần của chủ nghĩa AQ để xác định nguyên tắc: “nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống thì không ai bằng mình”, từ đó kết luận: so với 1 số nước trong khu vực thì nghề luật sư ở VN vẫn là tốt và thuận lợi. Thì đấy các bạn thấy không ...ai cũng bảo làm luật sư trông thật là…oách và cũng ối người bỏ nghề đi theo nghề luật sư đấy thôi.
……………
Qua trao đổi với những luật sư tương lai mình hiểu 1 điều: Ai cũng hiểu nghề luật sư là 1 nghề có triển vọng nhưng hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng rất nhiều người yêu thích nghề này và họ chấp nhận chịu đựng khó khăn để hy vọng rồi sẽ đến thời điểm nào đó trong tương lai...nghề này sẽ phát triển thuận lợi như ở các nước phát triển. Mình cũng nghĩ như vậy, nếu có niềm tin và nghị lực thì ..ước mơ sẽ đạt được

Đối với những luật sư lâu năm trong nghề thì nguy hiểm hay nặng nề không ảnh hưởng nhiều vì khi thương hiệu đã có thì sẽ có khách hàng...tức là không phải lo đến chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày. Duy chỉ có điều ...không thể tránh được ...đó là nỗi buồn vô hạn khi không giúp gì được thân chủ của mình mặc dù có nhiều căn cứ ...Đó mới là nỗi canh cánh thường trực trong lòng kể cả ở những luật sư đã đứng vững trong nghề. Đã từ lâu mình đã đề cập đến tình trạng càng ngày càng có nhiều luật sư rời bỏ lĩnh vực tranh tụng để chuyển sang lĩnh vực tư vấn, thậm chí sang hẳn lĩnh vực dịch vụ pháp lý (như chạy sổ đỏ, thành lập công ty, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa...).Trong lĩnh vực tranh tụng thì số luật sư hành nghề trong lĩnh vực hình sự càng ngày càng ít so với lĩnh vực phi hình sự...Và trong tranh tụng hình sự thì số lượng luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra lại càng hiếm hoi...Đó là sự báo động về tình trạng quyền con người trong giai đoạn điều tra bị bỏ ngỏ không được bảo vệ...mặc dù đã có quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự.
Bản thân mình cũng vô cùng thông cảm với bạn bè đồng nghiệp vì chính mình cũng đang ngày ngày phải chịu những áp lực của công việc và những khó khăn trong hành nghề, những tâm sự không phải lúc nào cũng tìm được người chia sẻ...Cụ thể nhất là vụ án hình sự xử ông vua Tày...vất vả theo đuổi 2 năm trời..bao nhiêu chứng cứ, luận cứ, tài liệu, sách vở...thế mà vẫn thua lý sự người Tày. Khi Ba mình đọc báo về vụ này và hỏi tại sao thân chủ của mình lại bị mức án cao vậy thì mình...chịu không trả lời được...Cứ mỗi lần mình khăn gói quả mướp lên núi thì ba mẹ mình lại chép miệng..."chưa xong hả con, thôi lần sau đừng nhận án hình sự đi xa nữa vất vả quá.."...Lắm lúc nghĩ đến đoạn thân gái dặm trường lặn lội đi tìm công lý với thân chủ ...mà cũng thấy kém vui...nhất là khi không đạt được mục đích....Tuy nhiên lần nào cũng vậy mình lại nhủ thầm... chỉ nên buồn 1 tẹo thôi...Rồi lại lòng bảo dạ tiếp tục chiến đấu....Theo mình cái khó nhất là giữ được tinh thần ..hình như Phật dạy "Vượt qua chính bản thân mình mới là điều khó nhất". Điều quan trọng là không được nản chí..Chứ nản chí thì có nước chuyển đổi nghề như hội công chứng viên ...Rồi đầu sẽ bé lại và cái tay thì to ra cho mà xem -vì suốt ngày chỉ ký...cũng như bọn trùm vua mạng-chỉ được phần chi trên thì nở nang còn chi dưới thì kém phát triển (thì suốt ngày ngồi ..có phải đi lại vận động gì đâu).
Đối với mình hạnh phúc là những ánh mắt tin cậy của khách hàng 1 lòng 1 dạ tin vào luật sư với niềm tin mãnh liệt..dù vất vả gian khổ thế nào..cuối cùng công lý sẽ được thực thi...và như lời 1 bài hát về nghề luật sư..."Người luật sư là người đem công lý về với công bằng".
Cứ nhìn những hình ảnh dưới đây thì sẽ thấy...dù ông vua Tày bị tòa án thị xã Bắc Kạn xử 5 năm tù giam nhưng những bạn bè chiến hữu vẫn đến chúc mừng với thái độ tôn trọng dường như cái án hình sự không làm ảnh hưởng đến tình cảm giữa con người với con người...Vì mình nhớ các cụ tôn chỉ có câu " Phù thịnh chứ không phù suy" hay câu " Còn tiền còn bạc còn đệ tử, hết tiền hết bạc hết ông tôi" (tiền bạc thì đồng nghĩa với còn địa vị chức tước"...Như vậy hiện tượng này quả là hiếm trong hoàn cảnh kinh tế thị trường này.. Có người bảo ấy là vì bài bào chữa của luật sư đã chứng minh sự vô tội của thân chủ của mình...bất chấp bản án nhân danh nhà nước..chẳng biết có đúng vậy không nhưng mình cũng cảm thấy vui vui ( tuy biết con đường đi tiếp tục vẫn đầy gian nan vất vả và nguy hiểm)…









































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét