Số lần ghé thăm

22/12/14

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt nam & Chúc mừng con gái Hương Liên –nữ đạo diễn tương lai!

Thứ Bảy ngày 20 tháng 12 năm nay là một ngày đẹp trời, mặc dù ánh nắng vàng ươm của bầu trời mùa đông làm sáng bừng đến từng góc phố nhỏ nhưng khí lạnh của đợt rét mới tăng cường vẫn làm tê tái ruột gan người Hà thành. Nhưng dường như cái  buốt giá của mùa đông Hà nội không làm giảm đi không khí tưng bừng náo nhiệt của Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2014)-sự kiện lịch sử trọng đại của Cách mạng Việt Nam. Năm nay cũng là dịp kỷ niệm 25 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân và QĐND VN vinh dự đón nhận Huân chương Sao Vàng lần thứ 5. Đây cũng là ngày hội hàng năm để nhân dân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hôm nay cũng là ngày con  gái thân yêu Hương Liên- (nguyên là MC Thời tiết Du lịch đầu tiên của Ban thời tiết, nay là phóng viên Ban thời sự của Đài truyền hình VN) báo cáo tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn điện ảnh-truyền hình kết thúc 4 năm theo học tại khoa Tại chức của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà nội hoàn thành mơ ước ấp ủ từ lâu. Thấy Hương Liên bảo theo danh sách thì chắc vào buổi chiều nên mình cố gắng giải quyết mọi công việc vào buổi sáng. 12 giờ trưa dẫu vẫn có 1 vài khách hẹn gặp nhưng mình xin khất sang hôm khác và khăn gói quả mướp ra đi.
Từ phố Minh Khai đến nơi con mình học đúng là từ đầu thành phố này đến đầu thành phố khác. Nhớ lại thời học lưu học sinh trong khối C có mấy người ở trường Múa và Sân khấu Điện ảnh được cử đi học đạo diễn ở Liên xô (hình như học C4 thì phải) mô tả khu vực này như là 1 nơi “khỉ ho cò gáy” vì thời đó nơi đây toàn đồng ruộng hoang vu rải rác những nấm mồ vô danh bao phủ đầy cỏ dại xen lẫn vài nếp nhà dân (thì đúng rồi lúc đó Hà nội chỉ bó gọn trong 4 khu phố nội thành: Hai bà, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình chứ có rộng lớn như bây giờ đâu). Thế mà bây giờ thành khu dân cư đông đúc sầm uất với hệ thống cầu đường hiện đại, nhất là con đường 32 đầy ổ trâu ổ bò bé tý tẹo chạy ngoằn nghèo trước đâu bây giờ thành xa lộ 4 làn đường thênh thang 8 thước…Mình phóng xe máy vèo vèo vừa đi vừa ngó nghiêng hai bên đường với những khối nhà cao tầng san sát với suy nghĩ....ai bảo  nơi đây là cánh đồng ruộng 40 năm về trước nhỉ … loáng cái đã đến nơi. Hương Liên đã đợi trước cổng trường và hai mẹ con tranh thủ chụp mấy tấm hình trong khuôn viên trường trước khi vào phòng dự lễ tốt nghiệp.
Trong khi chờ đợi mình đứng đọc 1 lượt Danh sách các sinh viên theo học chuyên ngành đạo diễn cùng khóa K30 của Trường ĐH SKĐA thì thấy nữ rất ít (mà nhìn quanh phòng thi chỉ thấy Hương Liên là nữ). Trong số các đề tài thì chỉ có Hương Liên chọn đề tài về chiến tranh với thể loại phim truyện.
Hai giờ chiều bắt đầu lễ báo cáo tốt nghiệp của các sinh viên ngành đạo diễn (còn ngành quay phim thì trên gác), Hương Liên ở thứ ba. Nhìn lên phía trên bàn Hội đồng chấm thi gồm 5 vị thấy toàn những vị có tên tuổi trong làng đạo diễn của điện ảnh Việt Nam: NSND-đạo diễn Khải Hưng, NSUT-đạo diễn Nguyễn Hữu Phần- ai đã từng xem phim “Ma làng” thì chắc chắn biết tên người đạo diễn tài hoa này (là thầy giáo hướng dẫn của con gái mình), PGS-TS, đạo diễn Hoàng Trần Doãn (cũng là thầy giáo phản biện của con mình), đạo diễn Vũ Châu, đạo diễn Vũ Thước.
Qua theo dõi các sinh viên lên báo cáo thì thấy phần trình bày ai cũng giống ai , người báo cáo được quyền nói trong 5 đến 10 phút là cùng gồm: Ý tưởng và quá trình hình thành kịch bản, quá trình chuẩn bị tổ chức sản xuất, quá trình sản xuất (tiền kỳ và hậu kỳ), cuối cùng là những bài học rút ra và những lời cảm ơn sâu sắc đến thầy cô hướng dẫn (hình như trong báo cáo tốt nghiệp có cả  bản cam đoan chịu trách nhiệm về bản quyền khi có tranh chấp). Sau đó là phần trả lời các câu hỏi của thầy phản biện, tất cả khoảng 15-20 phút)
Đến lượt Hương Liên lên trình bày bản báo cáo. Theo dõi phần trình bày (không cầm giấy) của Hương Liên  mình đã yên tâm vì thấy con lưu loát nói rõ ràng không bị vấp loáng cái đã thấy nó xong phần trình bày. So với thực tế thì một trời một vực bởi mình biết rõ những khó khăn mà con gái mình đã vượt qua để có được 5 -10 phút báo cáo kết quả.
Một tháng trước khi tốt nghiệp là thời gian con gái mình vất vả chạy ngược chạy xuôi vừa đi làm vừa tranh thủ lo khâu chuẩn bị, tổ chức, sản xuất khởi quay để có nguyên liệu rồi về chế biến biến hóa thành bộ phim để làm sản phẩm bảo vệ tốt nghiệp. Thời gian quay là 1 ngày rưỡi với kinh phí vô cùng khiêm tốn ..chỉ có 30 triệu (bởi vì tận dụng sự hỗ trợ cao độ từ phía bạn bè, đạo cụ, diễn viên, thuê địa điểm…) trong khi có người cùng khóa “khoe” đã chi phí cho sản phẩm tốt nghiệp của họ đến hàng trăm triệu (vẫn biết tiền không làm cho bộ phim giàu lên do được nhiều doanh thu mà là ngôn ngữ của phim- như lời 1 đạo diễn lừng danh đã nhận xét) nhưng vẫn làm cho con tôi lo lắng chỉ sợ các thầy cho là kinh phí ít thì chất lượng không thể tốt!. Tuy thời gian làm phim tốt nghiệm là 6 tháng nhưng mà còn bao nhiêu công đoạn: nào là chọn đề tài, viết ý tưởng, khai thác nội dung, viết kịch bản, chỉnh sửa kịch bản theo góp ý của thầy hướng dẫn (các công việc này đã mất 5 tháng), rồi sang giai đoạn sản xuất phim với các công việc: tìm bối cảnh,  đạo cụ, trang phục, tìm người make, rồi diễn viên…rồi đến công đoạn dựng phim.
Đến phần nêu những khó khăn trong quá trình làm phim (đây cũng là một mục trong báo cáo tốt nghiệp). Mình chỉ thấy Hương Liên đề cập 1 chi tiết là đến ngày khởi quay thì chủ nhà cho thuê địa điểm “dở chứng”  đột ngột đòi tăng giá gấp đôi nên đoàn lại phải chạy vạy đi tìm thuê chỗ khác để khỏi bị lẹm vào kinh phí đã rất khiêm tốn (đương nhiên lại phải mất mấy ngày để chỉnh lại kịch bản cho phù hợp với bối cảnh mới), ngoài ra còn bị mưa làm ảnh hưởng đến chất lượng phim…mà không thấy nó đề cập đến khó khăn lớn nhất về mặt quỹ thời gian hạn hẹp. Đó là 2 tháng trước khi tốt nghiệp có sự kiện Ban thời sự của Đài truyền hình Việt Nam tuyển biên tập viên (nghe nói 15 năm rồi mới lại tuyển biên tập viên) và chỉ lấy 10 chỉ tiêu trong khi có hơn 500 hồ sơ dự tuyển. Lúc đó con gái mình đã ổn định với vị trí MC thời tiết du lịch của Trung tâm thời tiết và cảnh báo thiên tai, nhưng với tình yêu nghề viết báo và thích công việc của một phóng viên chuyên nghiệp, được sự động viên của mẹ, nó đã quyết định ghi tên thi tuyển và trải qua 4 vòng thi đã may mắn trúng tuyển. Thế là từ tháng 11 năm 2014 người ta không còn nhìn thấy MC Hương Liên xuất hiện trong chương trình Dự báo thời tiết du lịch duyên dáng với mái tóc dài thông  báo cho khán giả về các thông tin thời tiết với những hướng dẫn về các điểm du lịch trên cả nước mà nếu ai để ý sẽ nhận thấy trên màn ảnh nhỏ xuất hiện nữ Phóng viên Dương Hương Liên với 1 hình ảnh “bụi bặm”, “dân dã” nhưng cũng đầy tính chuyên nghiệp với chiếc micro có gắn biểu tượng VTV trên tay cung cấp cho khán giả các phóng sự về những vấn đề thời sự nóng hổi thường ngày. Chỉ 1 tháng cô phóng viên “lính mới” của Ban thời sự đã đi thực tế thực hiện các đề tài tự nghĩ. Trong số hơn chục phóng sự tự làm có 3 phóng sự được lãnh đạo Ban cho phát sóng đó là: Tránh rét cho trâu ở Lạng Sơn (phát trên chương trình Thời sự 12 giờ) và 2 phóng sự phát trên chương trình Cuộc sống thường ngày: Cháy rừng ở Sóc Sơn và Phòng bệnh phổi cho trẻ em mùa lạnh tại Bệnh viện Nhi TW …Phải kể qua 1 số thành tích như vậy mới thấy để hoàn thành bộ phim tốt nghiệp quả là sự cố gắng đến tột cùng của con gái mình.  Nó hầu như không ngủ, có nhiều đêm thức trắng, cùng e kíp làm phim miệt mài lao động, cố gắng hoàn thành từng chi tiết của bộ phim.
Rất may phần phát biểu của thầy giáo hướng dẫn-NSUT, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã bổ sung những khó khăn mà Hương Liên đã phải vượt qua để hoàn thành bộ phim tốt nghiệp với nhiều lời khen khích lệ.
Đến phần quan trọng và chắc cũng là quyết định điểm số đó là thầy giáo phản biện đặt câu hỏi cho người báo cáo trả lời (và sẽ có phần thầy giáo hướng dẫn “đỡ lời” hộ (thực ra là trả lời hộ cho trò). Qua theo dõi mình thấy các báo cáo viên trước đó hầu như không bị vặn vẹo gì, có báo cáo viên bị thầy giáo phản biện đặt câu hỏi thì không có gì đặc biệt nếu không nói là dễ. Nhưng đến lượt Hương Liên thì sau phần trình bày của nó cả hai đạo diễn NSND Khải Hưng và PGS-TS Hoàng Trần Diễn đều đặt câu hỏi và …rất thú vị là lại trùng nhau đó là: Tại sao chiến tranh đã qua đi 40 năm mà em lại chọn đề tài chiến tranh làm tốt nghiệp? Vậy thông điệp mà em muốn nói là gì? Đây sẽ là câu hỏi cho tất cả những ai chọn đề tài về chiến tranh- NSND, đạo diễn Khải Hưng bổ sung thêm.
Câu hỏi quả là hay và có ý nghĩa! Chính vì vậy mà thời gian của con gái mình dài hơn các trường hợp khác chắc khoảng thêm 15 phút vì tính hấp dẫn của đề tài.
Ngồi ở hàng ghế dưới nhìn lên bục thấy con gái Hương Liên của mình thật xinh đẹp và đầy tự tin trả lời các câu hỏi  như là nó đang đi phỏng vấn làm phóng sự. Đúng như lời người xưa nói  “ Con hơn mẹ …nhà có phúc” .
Mình đã được xem trước bộ phim và thú thật sau khi kết thúc phim mình vẫn có cảm giác bị ám ảnh bởi những trường đoạn trong phim đúng như tên của bộ phim “Ám ảnh”. Cái kết của bộ phim mang ý nghĩa nhân văn đó là: Ác giả ác báo. Kẻ ác bị ám ảnh vì những tội lỗi gây ra cho đồng loại và có lẽ khủng khiếp hơn khi hắn sống nhưng không ai quan tâm, tồn tại như không tồn tại, tội lỗi đó cứ đeo đuổi ám ảnh hắn cho đến suốt cuộc đời khiến hắn không thể sống yên ổn…
Bộ phim chỉ vẻn vẹn có 10 phút và hầu như không có lời thoại (đó cũng là 1 trong những cái khó của đề tài này), chỉ những hình ảnh, âm thanh, cách biểu cảm của nhân vật trong một không gian hẹp đã lột tả được hết những sự khủng khiếp của chiến tranh và hậu quả của thời hậu chiến của 1 trong số ít cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử loài người bởi những hậu quả nặng nề dẫu 4 thập kỷ đã trôi qua mà vẫn còn để lại dấu ấn cho đến tận ngày nay- cuộc Chiến tranh Việt Nam- cuộc chiến giữa hai bên, một bên là Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam cùng Mỹ và một số đồng minh khác; một bên là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại miền Nam Việt Nam, cùng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dưới sự lãnh đạo của  Đảng được sự viện trợ vũ khí và chuyên gia từ các nước xã hội chủ nghĩa (đặc biệt là của Liên Xô và Trung Quốc).
(Trích nguồn từ Wikipedia: Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến gây nhiều tàn phá nhất, thiệt hại nhân mạng nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam và gây chia rẽ rất sâu sắc trong lòng dân tộc Việt Nam qua các thế hệ cũng như gây xáo trộn, chia rẽ về chính trị và kinh tế trong lòng nước Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tùy theo nguồn, số người Việt Nam bị thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam là từ 3 đến 5 triệu, hàng triệu người khác tàn tật và bị thương. Những người sống sót tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, môi trường, sức khỏe và tâm lý mà cuộc chiến đã gây ra. Đối với Hoa Kỳ, Chiến tranh Việt Nam đã thành một chương buồn trong lịch sử của họ…Ngoài 58.220 lính chết và 305.000 thương tật (trong đó 153.303 bị tàn phế). Ngoài số thương tích về thể xác, rất nhiều lính Mỹ trong số 2,7 triệu lính từng tham chiến tại Việt Nam bị mắc các chứng rối loạn tâm thần, thông thường được gọi là "Hội chứng Việt Nam"…)

Thông điệp mà Hương Liên gửi gắm qua bộ phim truyện có tên phim “‘Ám ảnh” mà ai xem cũng hiểu đó là:
Chiến tranh là tàn khốc và không ai muốn chiến tranh. Là dân tộc thấu hiểu nỗi đau thương do chiến tranh xâm lược của ngoại bang gây ra.Việt Nam hơn bất cứ nước nào càng không muốn chiến tranh, vì chiến tranh đã làm cho VN phải chịu thiệt thòi quá nhiều mà hậu quả của nó vẫn còn dẫu chiến tranh đã kết thúc 40 năm kể từ ngày 30/4/1975.
Đối với các thế hệ công dân thời hậu chiến lớn lên trong thời bình vẫn phải luôn nhớ về thời kỳ oanh liệt và đau thương và phải biết trân trọng quý giá thành quả mà  cha ông chúng ta đã đổ xương máu hy sinh để đất nước được độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ như ngày nay.
Tuy VN khẳng định là một dân tộc yêu chuộng hòa bình và chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế để giải quyết các vấn đề bất đồng và tranh chấp lãnh thổ mà tuân thủ nguyên tắc trong công pháp quốc tế giải quyết bằng biện pháp hòa bình, đối thoại, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nhưng VN vẫn phải luôn thực hiện thường xuyên chính sách quốc phòng để giữ gìn hòa bình và tự vệ khi Tổ quốc lâm nguy, nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích cao nhất của đất nước.
Đó chính là lý do dẫu 40 năm trôi qua hoặc có thể 50 năm , 60 năm nữa ….nhưng những đề tài về chiến tranh vẫn là nguồn cảm hứng cho thơ, ca, nhạc, họa, sân khấu,  phim điện ảnh và truyền hình. Và cũng là lý do con gái mình lựa chọn đề tài “độc” này!
Để có được những bộ phim truyện về đề tài chiến tranh có sức ảnh hưởng mạnh mẽ với các tầng lớp nhân dân như những bộ phim về chiến tranh thời xa xưa, song song với việc đào tạo tìm kiếm các tài năng trẻ, vẫn rất cần thiết sự đầu tư và hỗ trợ, khuyến khích cả về vật chất và tinh thần từ phía Nhà nước.
Một số hình ảnh của buổi lễ tốt nghiệp của Hương Liên:




Nhìn danh sách này mới thấy nữ đạo diễn ít hơn nam đạo diễn và đề tài về chiến tranh cũng ít người lựa chọn




Phóng sự: Tránh rét cho trâu ở Lạng sơn





 MC Thời tiết Du lịch Hương Liên

Hai mẹ con Hương Thủy-Hương Liên


Hương Liên và thầy giáo hướng dẫn -NSUT, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần





4/11/14

Làm thế nào để VN có một nền giáo dục đại học phát triển, hội nhập quốc tế

Ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng Mười Một năm nay (2/11/2014)-như thường lệ các cựu lưu học sinh trường Tổng hợp Lomonosop Matxcova (MGU) thuộc Liên xô cũ từ các nẻo đường đổ về Nhà hàng Thúy Nga Plaza trên con phố cổ Đội Cấn để gặp gỡ cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời được Nhà nước cử đi tiếp thu nền giáo dục đại học của nước Nga Xô viết. Ba mình –Nhà giáo ND, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội –Phan Hữu Dật không đi, dù ông rất muốn, vì sức khỏe năm nay yếu hơn năm ngoái, nên mình đi một mình.

Khi đến nơi đã thấy các cựu LHS đã ngồi từng nhóm, cái mái đầu tiêu và muối là chủ yếu, hàn huyên trò chuyện, một số người đang giở các tấm ảnh đen trắng, ố vàng khoe những người bạn VN và nước ngoài cùng học ngày xưa tại các khoa của trường đại học thuộc hàng danh tiếng thế giới. Như thường lệ mình ngồi cùng bàn với những bạn bè cùng thời với Ba mình-những cựu LHS thế hệ đầu của Trường MGU như: GS Phạm Minh Hạc (khoa Tâm Lý)-nguyên Bộ trưởng Bộ GD, GS Phạm Duy Hiển (khoa Vật Lý)-nguyên Viện trưởng Viện hạt nhân Đà Lạt, TS Nguyễn Đình Lộc (khoa Luật)-nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp…ai cũng hỏi ba cháu đâu, sao không đi, các chú cũng nhiều bệnh tuổi già nhưng vẫn muốn đi để có dịp gặp gỡ lại bạn bè xưa … Ừ nhỉ…biết thế thì cố thuyết phục ba mình, cũng có thể đến gặp bạn bè trong quang cảnh ồn ào náo nhiệt trên nền các bản nhạc dân ca Nga da diết: Ka chiu sa, Sông Vôn –ga xanh, Tổ quốc ơi ta mến yêu người… đầy ắp kỷ niệm này có khi ba mình khỏe ra vì có sức mạnh tinh thần.

Nhìn quanh đông nhất là hội Toán Cơ và Vật Lý) nói chuyện râm ran, chỉ có 1 số ít là học ngành xã hội đếm trên đầu ngón tay (Luật, Tâm Lý, Ngôn Ngữ, Báo chí…).Thời đó Việt Nam cử học sinh tốt nghiệp phổ thông sang học ở Liên Xô chủ yếu là ngành khoa học cơ bản. Thấy các bác ngồi cùng bàn truyền tay nhau 1 tấm ảnh mình nhác thấy trong đó có các sinh viên các nước đủ các màu da mầu mắt: Châu Á ( Việt Nam, Mông Cổ…), Đông Âu (Đức, Tiệp khắc, Hungari, Bungari), Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi…Thật cũng không hiểu sao hàng năm MGU nhận đào tạo nhiều sinh viên các nước Á, Phi, La (Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La tinh) với nhiều trình độ phổ thông của từng nước không đồng đều thế mà tất cả đều theo học được đại học và tốt nghiệp được và về làm việc được (chứng tỏ nước nào cũng có Chương trình –SGK chuẩn phù hợp với từng nước trong đó có VN –điều này rất dễ nhận thất hầu hết các cựu sinh viên MGU đều thành đạt trong mọi lĩnh vực khi trở về đất nước sau khi hoàn thành học tập).

Có ai đó nhắc đến Luật giáo dục đại học của VN năm 2012 có hiệu lực từ 1/1/2013…Đây quả là tin vui cho nước nhà bởi một đất nước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất thiết phải xây dựng được nền đại học thật sự là cơ sở để xây dựng nên tầng lớp trí thức dân tộc, vì đấy là vì sự phát triển và sống còn của dân tộc. Xã hội cần có tầng lớp người đó và phải do một nền đại học chân chính tạo nên. Bác Hồ đã từng nói: “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Chính vì nhận thức giáo dục đại học là một hoạt động rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của đất nước, năm 2012 Luật giáo dục đại học được Quốc hội ban hành cũng chính là để đảm bảo điều kiện sống còn, bền vững đó cũng là để tìm hướng giải quyết cho thực trạng 30 năm chất lượng giáo dục bị bỏ ngỏ. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng luật vẫn còn chứa đựng nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn nên khó đi vào cuộc sống. Lấy ví dụ quy định tại khoản 6 điều 4: “Chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng mà người học phải đạt được sau khi kết thúc một chương trình đào tạo”. Vậy tiêu chí thế nào là “Chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo” thì chưa được làm rõ.

Nhớ lại thời xưa lứa của mình đi học nước ngoài là các học sinh phổ thông thuộc các trường ở cả nước (nhưng Hà nội là chủ yếu) –đương nhiên thời đó thì làm gì có trường ngoài công lập, tập trung 1 năm ở Đại học ngoại ngữ ở Thanh Xuân –khoa Lưu học sinh để học tiếng nước mà được cử đi. Mỗi năm khoảng gần 1 ngàn sinh viên đi học các nước trong đó khối đi Nga là nhiều nhất (chiếm 80%) cho nên chủ yếu các nhà khoa học đầu ngành ở VN được nhận nền giáo dục đại học của Nga.  Ngoài ĐH Tổng hợp Lômnosov còn có các trường đại học tổng hợp ở các nước cộng hòa thuộc Liên xô cũ đều có sinh viên VN (như ĐH tổng hợp Kiev, ĐH tổng hợp Bacu, ĐH tổng hợp Lêningrad) được gửi đến để học các ngành nhân văn và khoa học cơ bản…trong đó chủ yếu là khoa học cơ bản. Nghĩ lại mà không hiểu sao chỉ học có 1 năm thế mà sang nước ngoài ai cũng học được đại học cùng với sinh viên bản xứ, chỉ có 1 số ngành học xã hội như Luật, Tâm Lý …thì phải học thêm 1 năm dự bị nữa….Thời đó chỉ lên cấp 3 mới phải học môn ngoại ngữ (trừ 1 số ít trường chuyên ngữ thì học từ cấp 2) không như bây giờ trẻ con mẫu giáo cũng đã phổ cập ngoại ngữ…Mà hồi đó học ngoại ngữ đâu có phương tiện hiện đại và giáo trình phong phú như bây giờ …ấy thế mà sinh viên VN sang học trường MGU chỉ qua 1, 2 năm đầu theo học vất vả vì phải thông qua 1 ngoại ngữ…còn đến các năm sau thì học còn giỏi hơn sinh viên Nga. Và sau khi tốt nghiệp đại học những cựu sinh viên MGU này trở về đất nước với kiến thức giáo dục đại học ở đất nước Cách mạng tháng Mười đã trở thành các nhà khoa học lớn, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà…Nhớ thời mình về nước năm 1984 đã cất ngay tấm bằng MGU vì lúc đó mấy bà hay đưa chuyện ở cơ quan nói ra nói vào: Liên xô và khối SEV tan rã rồi ai mà cần luật Liên xô nữa kể cả học MGU! Ngẫm nghĩ lại thấy chỉ đúng 1 phần vì cái ưu việt của nền giáo dục đại học ở LX cũ ở chỗ với tấm bằng tốt nghiệp MGU dạy cho mình một phương pháp luận để làm việc, với một số kiến thức cơ bản tối thiểu làm nền tảng, và trên cơ sở đó học được cách suy nghĩ độc lập, tạo được cho mình khả năng tư duy độc lập để khi cần kiến thức gì thì biết tìm nó ở đâu, cách tìm như thế nào, sử dụng nó như thế nào, khả năng ứng dụng các kiến thức đã học được vào công việc cụ thể trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của đất nước. Điều này đã minh chứng qua sự gần 20 năm hành nghề luật sư của mình.
Đó cũng là mục tiêu mà Luật giáo dục đại học năm 2012 –văn kiện pháp lý cao nhất về giáo dục đại học của nước ta đạt ra: Giáo dục đại học trước hết cần thoát khỏi tư duy bao cấp để đào tạo những con người năng động “có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo”, biết thích nghi với mọi môi trường công tác, có thể cạnh tranh tìm kiếm việc làm cho mình và tạo ra việc làm cho người khác trên thị trường lao động.
Nhưng muốn đào tạo được sinh viên hội đủ các tố chất như trên thì phải chú ý đến gốc rễ của vấn đề: đó là làm thế nào để họ có được kiến thức căn bản trước khi bước vào đại học….bao giờ được như thời bao cấp ngày xưa…các lứa học sinh sau tốt nghiệp phổ thông được Nhà nước cử đi học ở nước ngoài với nền tảng kiến thức của đất nước bị chiến tranh tàn phá, thiếu thốn cơ sở vật chất, đầy gian khổ, khó khăn thế mà vẫn có khả năng tiếp thu, lĩnh hội được nền giáo dục đại học ở các nước tiên tiến… Lại quay về câu chuyện đổi mới Chương trình-SGK –cái đề tài muôn thuở của mỗi lần đi họp hội cựu MGU, về câu chuyện 34 năm VN chưa làm được chương trình bộ sách giáo khoa theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp với VN. Ngồi cạnh mình là GS Nguyễn Xuân Hãn trong tay cầm tờ báo viết về đề tài năm nay Bộ giáo dục dự kiến chi 34 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 1,7 tỷ USD) để đổi mới chương trình sách giáo khoa (năm 2011 con số này dự kiến là 70 nghìn tỷ- xấp xỉ 3,5 tỷ USD –gần tương đương với con số đòi Mỹ bồi thường sau chiến tranh).
Theo GS Nguyễn Xuân Hãn thì “ Muốn đổi mới chương trình và SGK chuẩn phải thay đổi gốc tư duy, cụ thể là con người và tổ chức. Tiền chỉ là một phần để đổi mới”.  Còn theo ý kiến của GS Phạm Minh Hạc thì “trước khi đổi mới thì Bộ GD-ĐT phải tổng kết tóm tắt mặt được và không được của chương trình từ 1981 đến 2000 và từ 2001 đến 2012 trước khi đặt vấn đề đổi mới chương trình –SGK sau năm 2015”.
Còn với quan điểm riêng của người ngoại đạo như mình thì yếu tố con người (tức người học và người dạy học) là quan trọng ngang với các yếu tố chương trình học (nếu có thêm yếu tố cơ sở vật chất nữa thì càng tốt). Trong khi theo học thuyết của GS Nguyễn Xuân Hãn thì có có 3 yếu tố cực kỳ quan trọng: Chương trình SGK-Thầy- Cơ sở vật chất. Vậy trong các yếu tố đó thì cái gì là đầu tiên…theo mình thì vẫn là yếu tố con người (còn theo GS Hãn thì –Chương trình SGK) vì nhớ lại thời sơ tán, chiến tranh làm gì có cơ sở vật chất, thầy giáo thời chiến thì làm gì được đào tạo bài bản, SGK thì năm nào cũng ngần ấy bài (có thay đổi xoành xoạch như 3 thập niên trở lại đây đâu)….nhưng với nhiệt huyết truyền lửa của thầy cô giáo cho các thế hệ học sinh ham học hỏi …đã tạo ra ngành giáo dục như 1 bông hoa đẹp của chế độ với sự ưu việt –đó là giáo dục miễn phí và hoàn toàn xa lạ với những khái niệm “trường chuyên”, “lớp chọn”, “học thêm”, “thi hộ”, “mua bằng”, “học giả”, “bằng giả”…Thời chúng mình trước đây không phải học thêm đến mất cả tuổi thơ như học sinh bây giờ vì chương trình giáo dục không nặng nề, trừu tượng, xa rời cuộc sống thực tế hậu quả nhiều thế hệ học sinh với kiến thức méo mó, không chuẩn để bước vào ghế đại học. Và sinh viên ra trường không phải lo đi xin việc vất vả vì Nhà nước đã bố trí việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo…Nhất là các sinh viên nghèo với tấm bằng tốt nghiệp đại học đều có cơ hội để được vào làm các công việc mà họ có khả năng cống hiến tốt nhất cho xã hội…chứ như thời buổi kinh tế thị trường hiện nay theo thống kê chưa đầy đủ có 63% sinh viên ra trường thất nghiệp mà lý do chủ yếu là không có tiền để chạy xin việc.

Đến 12 giờ …cuộc vui nào cũng đến lúc kết thúc…Các cựu sinh viên MGU bịn rịn chia tay nhau…Câu chuyện giáo dục đại học đành tạm dừng chờ đến ngày này sang năm tiếp tục luận bàn…không biết có ai sẽ lại rất muốn mà không đi được như Ba mình vì tuổi cao sức yếu, lực bất tòng tâm…dẫu ai cũng biết câu chuyện xây dựng 1 nền giáo dục đại học hay giáo dục bậc cao (higher education) thật sự là câu chuyện vô cùng nghiêm túc và vô cùng quan trọng đối với tương lai dân tộc, với thế hệ trẻ và hàng loạt các câu hỏi cơ bản đặt ra đang tìm câu trả lời: Chúng ta phải làm thế nào để đào tạo nên con người có trình độ đại học nguồn nhân lực cho xã hội đang phát triển của chúng ta? Làm thế nào để VN có một nền giáo dục đại học phát triển, hàng năm nhận nhiều lưu học sinh các nước đến học tại các cơ sở đào tạo đại học của ta…(tại sao lại không nhỉ thì vẫn có sinh viên luật nước ngoài xin vào thực tập hành nghề luật sư của Văn phòng luật sư Hoàng Long của VN đó thôi)…Làm sao để các học sinh tốt nghiệp xong phổ thông đạt chuẩn quốc tế có thể vào học các trường đại học danh tiếng thế giới như Đại học Harvard, Đại học Cambridge, Đại học tổng hợp Lomonosov….(chứ không phải một số ít em có điều kiện được gia đình đầu tư tiền của để học đại học ở nước ngoài như hiện nay). Đó cũng là nhiệm vụ hội nhập quốc tế của ngành giáo dục Việt Nam.

Một số hình ảnh của buổi hội trường MGU năm 2014.

            Từ trái qua phải: GS Phạm Minh Hạc, GS Phạm Duy Hiển, TS Nguyễn Xuân Hãn


Các tố nữ của MGU: TS. Lê Thị Nguyệt (cùng khoa Hóa với em Phan Liên Châu của mình),PGS-TS Nguyễn Minh Thùy (khoa Lý), TS.Phan Thi Hương Thủy (khoa Luật), TS Nguyễn Lan Châu (khoa Lý).

TS. Phan Thị Hương Thủy (khoa Luật), GS Phạm Minh Hạc (khoa Tâm Lý), TS Nguyễn Đình Lộc (khoa Luật), GS. Phạm Duy Hiển (khoa Vật lý)








23/7/14

Huế ơi quê mẹ của ta ơi…!

Về quê Huế
“Huế ơi quê mẹ của ta ơi…!”(Tố Hữu)
Nhưng đối với mình thì Huế vừa quê mẹ vừa là quê cha vừa là nơi nguồn cội.
Nghĩa đời
Tặng các con Hương Thủy, Liên Châu, Tố Mai
Tên chị là mẹ đặt
Để nhớ về cội nguồn
Tên em là cha đặt
Kỷ niệm thuở hoa niên
Lẽ sống là tên út
Cha mẹ cùng đặt chung
Ơi dòng nước sông Hương!
Ơi Liên Bồng, Châu Phong!
Dù cuộc đời giông bão
Phải giữ lấy tâm hồn
Lộng lẫy và thanh cao
 Như mai vàng quê hương!
Phan Hữu Dật
Hà nội, 1-1989
          (Trích trong tập thơ Chiều Can Lộc)

Dự đám cưới được tổ chức theo nghi thức Công giáo và Phật giáo

Lần này về quê Huế còn mục đích tham dự đám cưới của người cháu của mẹ mình.

16/4/14

GS. TS. NGND Phan Hữu Dật: Như cây có cội

Không phải một, hai lần đến nhà GS. Phan Hữu Dật mà tôi đã trở đi trở lại nhà ông rất nhiều lần để thực hiện bài viết này. Với phong cách của một nhà khoa học, nói ít làm nhiều, ông đã trả lời những câu hỏi của tôi phần lớn không phải bằng lời nói mà bằng chính những công trình nghiên cứu khoa học ông đã thực hiện trong gần một thế kỷ qua, những công trình đã đưa ông trở thành một trong những nhà khoa học đầu ngành về Dân tộc học Việt Nam.

9/3/14

Kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 và Khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Ngày 8.3 năm nay rơi vào ngày thứ Bảy. Mưa tầm tã từ đêm qua khiến bầu trời như xuống thấp hơn và sũng nước. Phố xá Hà Nội chìm trong màn sương bởi bụi nước càng làm cho cái lạnh cuối đông thêm buốt giá. Nhưng tại các quầy bán hoa tươi, quà lưu niệm vẫn tấp nập đông đúc người ra vào vì hôm nay là ngày hội của phái đẹp, biểu tượng của phong trào đấu tranh đòi bình quyền, công lý, hòa bình và phát triển cho người phụ nữ.

8/1/14

Lễ kỷ niệm đám cưới kim cương của ba mẹ 1.1.1954 -1.1.2014

THÁNH ĐỊA
Làng quê Chu Lễ
Như bao làng quê kiểng miền Trung
Vẫn bờ tre, đường đất, bến sông
Mà với ta thân thiết đến tận cùng
Như thánh địa Mecca với dân Hồi giáo
Dù suốt đời hành hương chưa một dạo.
Có gì đâu ! Nơi đây lần đầu anh gặp em
Đang nhởn nhơ trên bến đợi xuôi thuyền
(Phan Hữu Dật)