Số lần ghé thăm

23/7/14

Dự đám cưới được tổ chức theo nghi thức Công giáo và Phật giáo

Lần này về quê Huế còn mục đích tham dự đám cưới của người cháu của mẹ mình.
Cô dâu theo đạo nên gia đình hai bên tổ chức lễ cưới theo truyền thống Phật giáo còn theo nghi thức trong Nhà thờ Công giáo. Mình thuộc bên nhà trai trước khi vào Huế đã được dặn phải mang trang phục để dự 3 lễ : Lễ cưới trong nhà thờ, lễ Vu Quy bên nhà gái (lễ Gái xuất giá do nhà gái tổ chức) và Lễ Thành hôn tổ chức bên họ  nhà trai. Trong từng lễ lại có các nghi lễ riêng đặc trưng (ví dụ Lễ Bái gia tiên, Lễ Cáo Trời Đất, Lễ Gia Tiên, Lễ Phu Thê giao bái, Lễ Thân nghinh (Rước dâu)….), mỗi nghi lễ lại được quy định  bằng những nghi thức khấn vái và những điều cần phải lưu ý không nghi lễ nào giống nghi lễ nào (nhưng được chứng kiến tận mắt mới biết quả là khó nhớ).
Đây là lần đầu tiên mình được dự 1 lễ cưới được tổ chức một cách bài bản không như nhiều đám cưới diễn ra tại các nhà hàng khách sạn sang trọng ở Hà Nội. Trong không khí ồn ào, náo nhiệt, ngột ngạt của các loại âm thanh, nhiều người đến đám cưới như đi trả nợ miệng, vội vàng ăn uống  trong xô bồ rồi nhanh chóng rời lễ cưới hối hả quay về cơ quan, thậm chí không biết trên sân khấu diễn ra những nghi thức thủ tục gì.
Tổ chức lễ cưới theo các nghi thức tôn giáo đều thể hiện tính văn minh của mỗi loại hình tôn giáo. Cùng với những lời thề ước, dạy bảo và chứng giám của người đại diện tôn giáo, lễ cưới theo nghi thức tôn giáo không chỉ là nét đẹp cần được tôn trọng, phát triển và giữ gìn, mà còn đặc biệt ý nghĩa với các cô dâu, chú rể có truyền thống tín ngưỡng trong gia đình.
Ý nghĩa của nghi lễ đám cưới còn mục đích để đôi vợ chồng trẻ ý thức được tầm quan trọng của hôn nhân, từ đó hướng đến cuộc sống gia đình hạnh phúc, êm ấm.
Trong bộ sách Tứ Thư Ngũ Kinh của Khổng Tử thì Kinh Lễ được coi trọng nhất vì nhờ lễ nghĩa gia đình quốc gia mới giữ được giềng mối.
Trong các trường tiểu học trẻ em khi đến trường đều nhìn thấy tấm biển treo trang trọng đề dòng chữ “Tiên học lễ , hậu học văn”.
Trong Gia lễ có Hôn lễ tức là quy cách diễn biến các thủ tục tổ chức đám cưới cùng với tổ chức các nghi thức khấn vái trong việc dựng vợ gả chồng theo truyền thống từ xa xưa của tổ tiên. Việc đặt ra hôn lễ nhằm xây dựng một mỹ tục, tạo cho đôi vợ chồng trẻ một sự ràng buộc về tinh thần, trước sự chứng kiến của trời đất, tổ tiên, gia đình, họ hàng, bạn bè, họ sẽ cảm thấy ý nghĩa thiêng liêng của lễ cưới và trách nhiệm với nhau hơn để sống đến đầu bạc răng long.
Nhiều ý kiến cho rằng đám cưới trong xã hội hiện đại ngày nay đã giảm đến mức tối thiểu những nghi lễ cưới hỏi truyền thống nên phần nào đã giảm đi ý nghĩa thiêng liêng của hôn lễ, ít nhiều làm ảnh hưởng đến tính bền vững của hôn nhân, là một trong những nguyên nhân sâu xa làm tình trạng ly hôn ở nước ta ngày càng tăng.






















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét