Số lần ghé thăm

4/11/14

Làm thế nào để VN có một nền giáo dục đại học phát triển, hội nhập quốc tế

Ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng Mười Một năm nay (2/11/2014)-như thường lệ các cựu lưu học sinh trường Tổng hợp Lomonosop Matxcova (MGU) thuộc Liên xô cũ từ các nẻo đường đổ về Nhà hàng Thúy Nga Plaza trên con phố cổ Đội Cấn để gặp gỡ cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời được Nhà nước cử đi tiếp thu nền giáo dục đại học của nước Nga Xô viết. Ba mình –Nhà giáo ND, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội –Phan Hữu Dật không đi, dù ông rất muốn, vì sức khỏe năm nay yếu hơn năm ngoái, nên mình đi một mình.

Khi đến nơi đã thấy các cựu LHS đã ngồi từng nhóm, cái mái đầu tiêu và muối là chủ yếu, hàn huyên trò chuyện, một số người đang giở các tấm ảnh đen trắng, ố vàng khoe những người bạn VN và nước ngoài cùng học ngày xưa tại các khoa của trường đại học thuộc hàng danh tiếng thế giới. Như thường lệ mình ngồi cùng bàn với những bạn bè cùng thời với Ba mình-những cựu LHS thế hệ đầu của Trường MGU như: GS Phạm Minh Hạc (khoa Tâm Lý)-nguyên Bộ trưởng Bộ GD, GS Phạm Duy Hiển (khoa Vật Lý)-nguyên Viện trưởng Viện hạt nhân Đà Lạt, TS Nguyễn Đình Lộc (khoa Luật)-nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp…ai cũng hỏi ba cháu đâu, sao không đi, các chú cũng nhiều bệnh tuổi già nhưng vẫn muốn đi để có dịp gặp gỡ lại bạn bè xưa … Ừ nhỉ…biết thế thì cố thuyết phục ba mình, cũng có thể đến gặp bạn bè trong quang cảnh ồn ào náo nhiệt trên nền các bản nhạc dân ca Nga da diết: Ka chiu sa, Sông Vôn –ga xanh, Tổ quốc ơi ta mến yêu người… đầy ắp kỷ niệm này có khi ba mình khỏe ra vì có sức mạnh tinh thần.

Nhìn quanh đông nhất là hội Toán Cơ và Vật Lý) nói chuyện râm ran, chỉ có 1 số ít là học ngành xã hội đếm trên đầu ngón tay (Luật, Tâm Lý, Ngôn Ngữ, Báo chí…).Thời đó Việt Nam cử học sinh tốt nghiệp phổ thông sang học ở Liên Xô chủ yếu là ngành khoa học cơ bản. Thấy các bác ngồi cùng bàn truyền tay nhau 1 tấm ảnh mình nhác thấy trong đó có các sinh viên các nước đủ các màu da mầu mắt: Châu Á ( Việt Nam, Mông Cổ…), Đông Âu (Đức, Tiệp khắc, Hungari, Bungari), Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi…Thật cũng không hiểu sao hàng năm MGU nhận đào tạo nhiều sinh viên các nước Á, Phi, La (Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ La tinh) với nhiều trình độ phổ thông của từng nước không đồng đều thế mà tất cả đều theo học được đại học và tốt nghiệp được và về làm việc được (chứng tỏ nước nào cũng có Chương trình –SGK chuẩn phù hợp với từng nước trong đó có VN –điều này rất dễ nhận thất hầu hết các cựu sinh viên MGU đều thành đạt trong mọi lĩnh vực khi trở về đất nước sau khi hoàn thành học tập).

Có ai đó nhắc đến Luật giáo dục đại học của VN năm 2012 có hiệu lực từ 1/1/2013…Đây quả là tin vui cho nước nhà bởi một đất nước phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất thiết phải xây dựng được nền đại học thật sự là cơ sở để xây dựng nên tầng lớp trí thức dân tộc, vì đấy là vì sự phát triển và sống còn của dân tộc. Xã hội cần có tầng lớp người đó và phải do một nền đại học chân chính tạo nên. Bác Hồ đã từng nói: “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Chính vì nhận thức giáo dục đại học là một hoạt động rất lớn, ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của đất nước, năm 2012 Luật giáo dục đại học được Quốc hội ban hành cũng chính là để đảm bảo điều kiện sống còn, bền vững đó cũng là để tìm hướng giải quyết cho thực trạng 30 năm chất lượng giáo dục bị bỏ ngỏ. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng luật vẫn còn chứa đựng nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn nên khó đi vào cuộc sống. Lấy ví dụ quy định tại khoản 6 điều 4: “Chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng mà người học phải đạt được sau khi kết thúc một chương trình đào tạo”. Vậy tiêu chí thế nào là “Chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình đào tạo” thì chưa được làm rõ.

Nhớ lại thời xưa lứa của mình đi học nước ngoài là các học sinh phổ thông thuộc các trường ở cả nước (nhưng Hà nội là chủ yếu) –đương nhiên thời đó thì làm gì có trường ngoài công lập, tập trung 1 năm ở Đại học ngoại ngữ ở Thanh Xuân –khoa Lưu học sinh để học tiếng nước mà được cử đi. Mỗi năm khoảng gần 1 ngàn sinh viên đi học các nước trong đó khối đi Nga là nhiều nhất (chiếm 80%) cho nên chủ yếu các nhà khoa học đầu ngành ở VN được nhận nền giáo dục đại học của Nga.  Ngoài ĐH Tổng hợp Lômnosov còn có các trường đại học tổng hợp ở các nước cộng hòa thuộc Liên xô cũ đều có sinh viên VN (như ĐH tổng hợp Kiev, ĐH tổng hợp Bacu, ĐH tổng hợp Lêningrad) được gửi đến để học các ngành nhân văn và khoa học cơ bản…trong đó chủ yếu là khoa học cơ bản. Nghĩ lại mà không hiểu sao chỉ học có 1 năm thế mà sang nước ngoài ai cũng học được đại học cùng với sinh viên bản xứ, chỉ có 1 số ngành học xã hội như Luật, Tâm Lý …thì phải học thêm 1 năm dự bị nữa….Thời đó chỉ lên cấp 3 mới phải học môn ngoại ngữ (trừ 1 số ít trường chuyên ngữ thì học từ cấp 2) không như bây giờ trẻ con mẫu giáo cũng đã phổ cập ngoại ngữ…Mà hồi đó học ngoại ngữ đâu có phương tiện hiện đại và giáo trình phong phú như bây giờ …ấy thế mà sinh viên VN sang học trường MGU chỉ qua 1, 2 năm đầu theo học vất vả vì phải thông qua 1 ngoại ngữ…còn đến các năm sau thì học còn giỏi hơn sinh viên Nga. Và sau khi tốt nghiệp đại học những cựu sinh viên MGU này trở về đất nước với kiến thức giáo dục đại học ở đất nước Cách mạng tháng Mười đã trở thành các nhà khoa học lớn, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà…Nhớ thời mình về nước năm 1984 đã cất ngay tấm bằng MGU vì lúc đó mấy bà hay đưa chuyện ở cơ quan nói ra nói vào: Liên xô và khối SEV tan rã rồi ai mà cần luật Liên xô nữa kể cả học MGU! Ngẫm nghĩ lại thấy chỉ đúng 1 phần vì cái ưu việt của nền giáo dục đại học ở LX cũ ở chỗ với tấm bằng tốt nghiệp MGU dạy cho mình một phương pháp luận để làm việc, với một số kiến thức cơ bản tối thiểu làm nền tảng, và trên cơ sở đó học được cách suy nghĩ độc lập, tạo được cho mình khả năng tư duy độc lập để khi cần kiến thức gì thì biết tìm nó ở đâu, cách tìm như thế nào, sử dụng nó như thế nào, khả năng ứng dụng các kiến thức đã học được vào công việc cụ thể trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của đất nước. Điều này đã minh chứng qua sự gần 20 năm hành nghề luật sư của mình.
Đó cũng là mục tiêu mà Luật giáo dục đại học năm 2012 –văn kiện pháp lý cao nhất về giáo dục đại học của nước ta đạt ra: Giáo dục đại học trước hết cần thoát khỏi tư duy bao cấp để đào tạo những con người năng động “có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo”, biết thích nghi với mọi môi trường công tác, có thể cạnh tranh tìm kiếm việc làm cho mình và tạo ra việc làm cho người khác trên thị trường lao động.
Nhưng muốn đào tạo được sinh viên hội đủ các tố chất như trên thì phải chú ý đến gốc rễ của vấn đề: đó là làm thế nào để họ có được kiến thức căn bản trước khi bước vào đại học….bao giờ được như thời bao cấp ngày xưa…các lứa học sinh sau tốt nghiệp phổ thông được Nhà nước cử đi học ở nước ngoài với nền tảng kiến thức của đất nước bị chiến tranh tàn phá, thiếu thốn cơ sở vật chất, đầy gian khổ, khó khăn thế mà vẫn có khả năng tiếp thu, lĩnh hội được nền giáo dục đại học ở các nước tiên tiến… Lại quay về câu chuyện đổi mới Chương trình-SGK –cái đề tài muôn thuở của mỗi lần đi họp hội cựu MGU, về câu chuyện 34 năm VN chưa làm được chương trình bộ sách giáo khoa theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp với VN. Ngồi cạnh mình là GS Nguyễn Xuân Hãn trong tay cầm tờ báo viết về đề tài năm nay Bộ giáo dục dự kiến chi 34 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 1,7 tỷ USD) để đổi mới chương trình sách giáo khoa (năm 2011 con số này dự kiến là 70 nghìn tỷ- xấp xỉ 3,5 tỷ USD –gần tương đương với con số đòi Mỹ bồi thường sau chiến tranh).
Theo GS Nguyễn Xuân Hãn thì “ Muốn đổi mới chương trình và SGK chuẩn phải thay đổi gốc tư duy, cụ thể là con người và tổ chức. Tiền chỉ là một phần để đổi mới”.  Còn theo ý kiến của GS Phạm Minh Hạc thì “trước khi đổi mới thì Bộ GD-ĐT phải tổng kết tóm tắt mặt được và không được của chương trình từ 1981 đến 2000 và từ 2001 đến 2012 trước khi đặt vấn đề đổi mới chương trình –SGK sau năm 2015”.
Còn với quan điểm riêng của người ngoại đạo như mình thì yếu tố con người (tức người học và người dạy học) là quan trọng ngang với các yếu tố chương trình học (nếu có thêm yếu tố cơ sở vật chất nữa thì càng tốt). Trong khi theo học thuyết của GS Nguyễn Xuân Hãn thì có có 3 yếu tố cực kỳ quan trọng: Chương trình SGK-Thầy- Cơ sở vật chất. Vậy trong các yếu tố đó thì cái gì là đầu tiên…theo mình thì vẫn là yếu tố con người (còn theo GS Hãn thì –Chương trình SGK) vì nhớ lại thời sơ tán, chiến tranh làm gì có cơ sở vật chất, thầy giáo thời chiến thì làm gì được đào tạo bài bản, SGK thì năm nào cũng ngần ấy bài (có thay đổi xoành xoạch như 3 thập niên trở lại đây đâu)….nhưng với nhiệt huyết truyền lửa của thầy cô giáo cho các thế hệ học sinh ham học hỏi …đã tạo ra ngành giáo dục như 1 bông hoa đẹp của chế độ với sự ưu việt –đó là giáo dục miễn phí và hoàn toàn xa lạ với những khái niệm “trường chuyên”, “lớp chọn”, “học thêm”, “thi hộ”, “mua bằng”, “học giả”, “bằng giả”…Thời chúng mình trước đây không phải học thêm đến mất cả tuổi thơ như học sinh bây giờ vì chương trình giáo dục không nặng nề, trừu tượng, xa rời cuộc sống thực tế hậu quả nhiều thế hệ học sinh với kiến thức méo mó, không chuẩn để bước vào ghế đại học. Và sinh viên ra trường không phải lo đi xin việc vất vả vì Nhà nước đã bố trí việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo…Nhất là các sinh viên nghèo với tấm bằng tốt nghiệp đại học đều có cơ hội để được vào làm các công việc mà họ có khả năng cống hiến tốt nhất cho xã hội…chứ như thời buổi kinh tế thị trường hiện nay theo thống kê chưa đầy đủ có 63% sinh viên ra trường thất nghiệp mà lý do chủ yếu là không có tiền để chạy xin việc.

Đến 12 giờ …cuộc vui nào cũng đến lúc kết thúc…Các cựu sinh viên MGU bịn rịn chia tay nhau…Câu chuyện giáo dục đại học đành tạm dừng chờ đến ngày này sang năm tiếp tục luận bàn…không biết có ai sẽ lại rất muốn mà không đi được như Ba mình vì tuổi cao sức yếu, lực bất tòng tâm…dẫu ai cũng biết câu chuyện xây dựng 1 nền giáo dục đại học hay giáo dục bậc cao (higher education) thật sự là câu chuyện vô cùng nghiêm túc và vô cùng quan trọng đối với tương lai dân tộc, với thế hệ trẻ và hàng loạt các câu hỏi cơ bản đặt ra đang tìm câu trả lời: Chúng ta phải làm thế nào để đào tạo nên con người có trình độ đại học nguồn nhân lực cho xã hội đang phát triển của chúng ta? Làm thế nào để VN có một nền giáo dục đại học phát triển, hàng năm nhận nhiều lưu học sinh các nước đến học tại các cơ sở đào tạo đại học của ta…(tại sao lại không nhỉ thì vẫn có sinh viên luật nước ngoài xin vào thực tập hành nghề luật sư của Văn phòng luật sư Hoàng Long của VN đó thôi)…Làm sao để các học sinh tốt nghiệp xong phổ thông đạt chuẩn quốc tế có thể vào học các trường đại học danh tiếng thế giới như Đại học Harvard, Đại học Cambridge, Đại học tổng hợp Lomonosov….(chứ không phải một số ít em có điều kiện được gia đình đầu tư tiền của để học đại học ở nước ngoài như hiện nay). Đó cũng là nhiệm vụ hội nhập quốc tế của ngành giáo dục Việt Nam.

Một số hình ảnh của buổi hội trường MGU năm 2014.

            Từ trái qua phải: GS Phạm Minh Hạc, GS Phạm Duy Hiển, TS Nguyễn Xuân Hãn


Các tố nữ của MGU: TS. Lê Thị Nguyệt (cùng khoa Hóa với em Phan Liên Châu của mình),PGS-TS Nguyễn Minh Thùy (khoa Lý), TS.Phan Thi Hương Thủy (khoa Luật), TS Nguyễn Lan Châu (khoa Lý).

TS. Phan Thị Hương Thủy (khoa Luật), GS Phạm Minh Hạc (khoa Tâm Lý), TS Nguyễn Đình Lộc (khoa Luật), GS. Phạm Duy Hiển (khoa Vật lý)








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét