Số lần ghé thăm

23/7/14

Huế ơi quê mẹ của ta ơi…!

Về quê Huế
“Huế ơi quê mẹ của ta ơi…!”(Tố Hữu)
Nhưng đối với mình thì Huế vừa quê mẹ vừa là quê cha vừa là nơi nguồn cội.
Nghĩa đời
Tặng các con Hương Thủy, Liên Châu, Tố Mai
Tên chị là mẹ đặt
Để nhớ về cội nguồn
Tên em là cha đặt
Kỷ niệm thuở hoa niên
Lẽ sống là tên út
Cha mẹ cùng đặt chung
Ơi dòng nước sông Hương!
Ơi Liên Bồng, Châu Phong!
Dù cuộc đời giông bão
Phải giữ lấy tâm hồn
Lộng lẫy và thanh cao
 Như mai vàng quê hương!
Phan Hữu Dật
Hà nội, 1-1989
          (Trích trong tập thơ Chiều Can Lộc)

Hè năm nay cũng như mọi năm cả nhà lại lên đường về quê Huế. Ba mẹ đi trước từ đầu tháng, rồi đến ba chị em dắt con cháu trong Nam ngoài Bắc đổ về cố đô Huế. Nhân tiện dự đám cưới của 1 người cháu họ gần bên mẹ. Thật là vui và đầy ắp kỷ niệm. Tuy chỉ vào Huế có 5 ngày nhưng mấy chị em đã kịp dự các đám giỗ, kỵ bên nội, viếng thăm khu lăng mộ dòng họ và nhà thờ như lời cha mẹ dặn để con cháu luôn nhớ đến cội nguồn, tổ tiên.
Thăm lăng mộ Ông Tổ sáng lập họ Phan và làng Thanh Lương
Ngày đầu tiên đến Huế là về làng Thanh Lương nơi chôn rau cắt rốn của cha mình.
Nếu được tái sinh
Nếu được tái sinh
Xin đầu thai làng cũ
Thanh Lương đẹp như tranh.
Nếu được tái sinh
Đường đời xin đi lại
Nắng mưa ấm nghĩa tình.
Nếu được tái sinh
Nguyện cùng em kiếp nữa
Liền cánh dưới trời xanh.
Hà nội, 8-2000
Phan Hữu Dật
(Trích trong tập thơ Chiều Can Lộc)
Tình làng
“Nước Thanh Lương vừa trong vừa mát
Đường Thanh Lương nhỏ cát dễ đi”
Câu hát cũ xưa kia mẹ hát
Bao năm rồi dào dạt khôn nguôi
Đường vào gang tấc gần thôi
Mà đi, đi mãi trọn đời mới xong.
Phan Hữu Dật
Thanh Lương, 1975-1985
(Trích trong tập thơ Làng quê, trường cũ, và em)
Khác mọi năm địa điểm đầu tiên mà cả nhà đến là lăng mộ cụ Tổ dòng họ Phan của làng Thanh Lương, người đầu tiên lập làng và lập họ sống ở thế kỷ thứ XVI và chết tại làng Thanh Lương. Ngài tên là Phan Viết Lộc được vua Lê phong chức Tiền tướng quân. Trước đây ngôi mộ của Ngài chỉ đơn giản là một nấm mồ nhỏ có bia bằng chữ Nho nhưng điều lạ là dẫu qua bao cuộc hưng vong chiến tranh hòa bình đan xen nhưng không hề bị thất lạc. Năm 2013 được sự cho phép của dòng họ Phan làng Thanh Lương và ủng hộ từ phía chính quyền địa phương, ba mình đã tiến hành tu tạo lại ngôi mộ xây lăng hoành tráng như hiện nay.
Một số hình ảnh của khu lăng mộ cụ Tổ họ Phan làng Thanh Lương.

Thăm lăng mộ và nhà thờ cụ Thọ Xuân Vương
Thế đứng
Là tôn nữ
Lìa nhà đi kháng chiến
Tóc sương trở lại cố đô
Ghi hình kỷ niệm chuyến thăm quê
Em chưa đứng bên vạc đồng dòng họ
Mà chọn gốc mai vàng xứ sở.
Huế, 1995
Phan Hữu Dật
(Trích tập thơ Chiều Can Lộc)
Bài ca một cuộc đời
“…
Đường đau khổ” trập trùng chướng ngại
Em vượt qua, biết mấy tuyệt vời
Cám ơn em, muôn lời thân ái
Lại cùng anh tiếp chặng cuối đời…
………………………………….”
Phan Hữu Dật
Hà nội,  11.11.1983
(Trích trong tập thơ Làng quê, trường cũ, và em)
Nhớ lại năm 1976 sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng mình cắp cái nón trắng le te đi dưới trời nắng xứ Huế theo chân mẹ về thăm khu lăng mộ và phủ Thọ Xuân Vương và cố gắng căng óc để nhớ mà không thể nhớ xuể và cố hiểu mà không thể hiểu hết gia phả dòng họ bên ngoại. Chỉ biết rằng mẹ mình là hậu duệ đời thứ 4 của vua Minh Mạng và năm nào mẹ cũng dắt mấy chị em mình về thăm lăng mộ của dòng họ tọa lạc trên quả đồi ở địa danh Cầu Lim (nơi đó có hai ngôi mộ chưa có tên nằm song song-theo lời dặn dò của cha mẹ "là nơi các con chôn cha mẹ khi qua đời bên cạnh những ông hoàng bà chúa tổ tiên của mẹ"  và Phủ Thọ Xuân Vương ở phường Phú Cát, thành phố Huế.
Một số nét chính trong gia phả Thọ Xuân Vương ghi lại như sau:
Vua Nguyễn Thế Tổ Gia Long sau khi thống nhất đất nước lên ngôi Hoàng Đế năm 1802 bắt đầu cơ nghiệp nhà Nguyễn từ đó.
Năm Kỷ Mão (1819) vua Gia Long mất, sau khi trị vì được 17 năm thọ 57 tuổi. Hoàng Thái Tử Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi với niên hiệu Minh Mạng vào tháng Giêng năm Canh Thìn (1820).
Vua Minh Mạng (Thánh Tổ Nhơn Hoàng Đế) mất năm 1840, sinh hạ 78 hoàng nam và 64 hoàng nữ.
Con trai trưởng của vua Minh Mạng là Nguyễn Phúc Miên Tông (Hiến Tổ Chương Hoàng Đế Miên Tông là vua Thiệu Trị sau này). Thọ Xuân Vương Miên Định là con trai thứ ba của vua Minh Mạng ra đời vào đầu năm Canh Ngọ (1810) năm Gia Long thứ 9. Ngài mất vào mùa đông năm Đinh Hợi (1887, Đồng Khánh thứ 2), hưởng thọ 78 tuổi. Sinh hạ được 78 công tử và 66 công nữ.
Công tử thứ 61 của Ngài Thọ Xuân Vương là ông Hường Cừ (1859-1896) sinh hạ được 3 con trai trong đó có ông Ưng Khương-là cha của mẹ mình và là ông ngoại của mình.
Từ vua Gia Long đến vua Đồng Khánh, Thọ Xuân Vương là nhân vật được kính nể trong triều, là chú của vua Tự Đức và vua Hiệp Hòa, chú của thân phụ các vua Dục Đức, Hàm Nghi, Đồng Khánh là Thoại Thái Vương và Kiên Thái Vương, là người sống giữa trung tâm quyền lực triều đình, đã sống dưới 9 đời vua Nguyễn, chứng kiến đến 8 lần thay đổi ngôi vua tại triều đình Huế trong vòng hơn 40 năm kể từ khi vua Minh Mạng mất. Ngài đã sống những giờ phút huy hoàng nhất cũng như lúc đen tối nhất của triều Nguyễn, chứng kiến các vua còn nhỏ tuổi được đặt lên ngai vàng rồi bị phế lập và cuối cùng chết trong những hoàn cảnh hết sức bi thảm. Vì uy tín và đức độ nên đã được Thái hậu và toàn thể hoàng thân quốc thích đều đồng lòng cử giữ quyền nhiếp chính một chính phủ lâm thời trong khi tại triều đình không còn vua thời điểm Huế xảy ra biến động, vua Hàm Nghi phải trốn khỏi kinh đô và người Pháp kiểm soát mọi việc), đã làm trọn vai trò chứng nhân lịch sử bằng cách bảo đảm cho sự liên tục của triều Nguyễn cho đến khi vua Đồng Khánh được đưa lên ngôi.
Thọ Xuân Vương đã chứng kiến những lúc cực thịnh cũng như những giờ phút suy tàn của nhà Nguyễn và Ngài mất lúc mà lịch sử bước qua một giai đoạn mới, khi cuộc kháng chiến chống Pháp giành lại tự chủ thật sự bắt đầu và các vua triều Nguyễn trực tiếp tham gia và lãnh đạo công cuộc đấu tranh. Bắt đầu là mùa thu năm 1885 vua Hàm Nghi đã quy tụ quanh mình các sĩ phu yêu nước của phong trào Cần Vương khởi nghĩa dẫu chỉ kéo dài 3 năm sau đó bị thực dân Pháp bắt giải về Thuận An lên tàu lưu đày biệt xứ.Tiếp theo các vua Thành Thái, Duy Tân cũng lần lượt rời ngai vàng tìm cách khôi phục chủ quyền đất nước mà 9 đời Chúa Nguyễn và vua Gia Long đã có công đóng góp rất nhiều để bồi đắp và mở mang bờ cõi.
Năm Minh Mạng thứ 4 (1823) Thọ Xuân Vương được lệnh lập phủ ở bên phía trái kinh thành để tiện việc phụng hầu nay là phường Phú Cát thành phố Huế. Chiến tranh đã làm hư hỏng nhiều, đất đai mênh mông của phủ cũng bị dân lấn chiếm dần nay chỉ còn lại một khuôn viên khiêm tốn với nhà thờ đã được con cháu đóng góp tiền trùng tu nên đã lấy lại hình thái uy nghi cổ kính xưa.
Một số hình ảnh của Phủ Thọ Xuân Vương và lăng mộ của Ngài















































1 nhận xét: