Số lần ghé thăm

16/4/14

GS. TS. NGND Phan Hữu Dật: Như cây có cội

Không phải một, hai lần đến nhà GS. Phan Hữu Dật mà tôi đã trở đi trở lại nhà ông rất nhiều lần để thực hiện bài viết này. Với phong cách của một nhà khoa học, nói ít làm nhiều, ông đã trả lời những câu hỏi của tôi phần lớn không phải bằng lời nói mà bằng chính những công trình nghiên cứu khoa học ông đã thực hiện trong gần một thế kỷ qua, những công trình đã đưa ông trở thành một trong những nhà khoa học đầu ngành về Dân tộc học Việt Nam.


Vượt lên chính mình

Ở tuổi "bát thập cổ lai hi”, GS. Phan Hữu Dật đã có thể an dưỡng tuổi già như nhiều bậc cao niên khác. Nhưng ông vẫn say mê làm việc, nghiên cứu tư liệu, viết sách, đóng góp vào các công trình nghiên cứu khoa học. Nhìn lại cuộc đời ông, dù trải qua những năm tháng mà đến cái ăn, cái mặc còn thiếu, chiến tranh bom đạn ác liệt là thế nhưng chưa bao giờ ông xa rời việc học tập, trau dồi tri thức.

Sinh ra trong một gia đình có 11 người con, ngay từ nhỏ cậu bé Phan Hữu Dật đã được cha mình vốn là một hương sư hướng theo con đường học tập. Trong tâm trí của ông bây giờ vẫn còn nhớ rõ cái ngày cha dẫn mình đi thuyền sang sông gửi gắm thầy giáo dạy học. Món quà biếu thầy để bày tỏ tấm chân tình của gia đình là một chiếc khăn bọc chục trứng gà do tự tay mẹ chuẩn bị… Rồi những ngày thi, cha ông đưa đến tận cổng trường, lặng lẽ chờ ở ngoài đến khi con ra và cùng trở về nhà. Ngày đi xem kết quả, cha con cùng vỡ òa trong niềm vui khi thấy con đỗ thứ 12 toàn trường.

Học ở người cha tính thanh liêm, giản dị, nhưng GS. Phan Hữu Dật thừa nhận nếu không có sự vượt lên chính mình, không có Đảng, không có cách mạng thì cuộc đời ông có lẽ cũng dừng lại  là một thầy giáo làng chứ không phải là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công Luận án Phó Tiến sĩ Dân tộc học tại Liên Xô, trở thành Hiệu trưởng trường ĐH Tổng hợp Hà Nội…

Cũng bằng sự nỗ lực và đam mê cống hiến suốt đời cho sự nghiệp giáo dục và ngành Dân tộc học Việt Nam, GS. Phan Hữu Dật đã sống một cuộc đời mà theo ông "Khi thoát ly gia đình ra đi đã ngẩng cao đầu. Nay lá rụng về cội, nhìn về làng quê đầu vẫn ngẩng cao lòng đầy tự hào”. Mấy người sống đến chừng ấy tuổi như GS. Phan Hữu Dật có thể sảng khoái thốt lên điều ấy!

Làm khoa học để giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam

Được cử sang Liên Xô học khoa Lịch sử trường ĐH Tổng hợp Lomonoxop nhưng chuyên ngành cụ thể là do ông tự lựa chọn. Nhận được lời khuyên của GS. Trần Văn Giàu khi đó đang dạy ở Đại học Văn khoa Hà Nội: "Nước ta có nhiều dân tộc. Chú học Dân tộc học đi, hay lắm” cùng với những trăn trở về đời sống của người dân tộc ít người ở Việt Nam những năm còn ở quê nhà Thanh Lương đã khiến chàng thanh niên Phan Hữu Dật quyết định theo học chuyên ngành Dân tộc học. Ông thực hiện Luận án Cử nhân về người Xinh - Mun Tây Bắc Việt Nam và sau đó phát triển thành Luận án Phó tiến sĩ về Các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơme ở miền Bắc Việt Nam. Ngoài khả năng nghiên cứu, phát hiện vấn đề, tư duy khoa học nhạy bén thì những ngày tháng lăn lộn thực tế tại địa phương đã giúp ông hoàn thành luận án xuất sắc, được Hội đồng bảo vệ đánh giá cao. Đặc biệt, rất nhiều quan điểm nghiên cứu mà GS. Phan Hữu Dật là người đầu tiên đưa ra đã được giới Dân tộc học nước ta chấp nhận như tên gọi chính thức của đồng bào Xinh – Mun thay vì tên gọi Puộc; cách phân chia dân tộc Xinh – Mun làm hai ngành Dạ - Nghẹt… Cho đến sau này, ông còn có những phát hiện quan trọng về hình thái hôn nhân liên minh 3 thị tộc; giải mã được tục Chuê nuê của người Ê đê… Lựa chọn con đường nghiên cứu gian khổ nhưng gắn bó mật thiết với đời sống dân tộc Việt Nam, GS. Phan Hữu Dật luôn mong muốn và trên thực tế đã có những đóng góp cụ thể cho sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc ít người trên khắp dải đất hình chữ S.

*Quỹ Giải thưởng Phan Hữu Dật thành lập năm 2011, trên cơ sở đóng góp tự nguyện 100 triệu đồng của GS. TS. NGND Phan Hữu Dật. Hàng năm, Quỹ sẽ trao 15 suất học bổng (trị giá 1 triệu đồng/suất) cho sinh viên ngành Nhân học – tiền thân là ngành Dân tộc học (trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) có kết quả cao trong học tập và nghiên cứu khoa học. Ông hy vọng, Quỹ sẽ góp phần giúp đỡ sinh viên, học viên Bộ môn Nhân học phát huy trí tuệ.*

"Bảo tàng mini” dành cho thế hệ sau

Trong căn nhà ở phường Bồ Đề, Gia Lâm (Hà Nội) của GS. Phan Hữu Dật có một căn phòng rất đặc biệt diện tích chỉ vào khoảng 15m2. Nơi đây trưng bày rất nhiều các hiện vật, tư liệu kể lại câu chuyện cuộc đời của ông một cách tỉ mỉ, khoa học và sinh động theo từng nhóm chủ đề: "Quê hương”, "Du học ở Liên Xô”, "Tình duyên bắc qua hai thế kỉ”, "Cánh chim không mỏi”... Từ những năm tháng sống ở quê nhà, làng Thanh Lương bên bờ sông Bồ, huyện Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho đến những ngày du học ở trường ĐH Tổng hợp Lomonoxop (Liên Xô) và sau đó là quá trình công tác tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Đại học Văn khoa Sài Gòn… Mỗi một giai đoạn trong cuộc đời đều được vị giáo sư đáng kính trân trọng và dành nhiều tâm huyết để lưu giữ lại, mà theo lời ông là "tài sản tinh thần để lại cho con cháu chắt, cho đại gia đình tôi và cho dòng họ Phan. Năm tháng qua đi. Sau này ai đó đến đây sẽ biết rằng: ngày trước có một chàng trai xứ Huế đã trải qua một cuộc đời như thế”.

Hơn 200 triệu là số tiền GS. Phan Hữu Dật đầu tư để thực hiện phòng lưu niệm mà theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) đánh giá là "một trong những Phòng lưu niệm về nhà khoa học đầu tiên ở Hà Nội và nước ta được chuẩn bị rất công phu, chuyên nghiệp”. Trong không gian rất thú vị này, đặc biệt có những hiện vật thu hút sự chú ý như chiếc đàn tính của người Tày, chiếc khèn của người Mông, con dao quắm đi rừng… Có cái là do ông sưu tầm được từ những chuyến đi thực tế điền dã tại các địa phương, có cái là do học trò, bạn bè tặng vì biết ông rất trân trọng những giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc ít người. Chỉ vào từng hiện vật, lật giở từng tư liệu, GS. Phan Hữu Dật bồi hồi nhắc lại những kỷ niệm gắn với quãng đời "từ làng Thanh Lương ra đi lăn lộn khắp đất nước và đặt chân lên nhiều nơi khắp năm châu bốn biển, trong hoà bình cũng như dưới mưa bom bão đạn” suốt 88 năm qua. Ông cho biết, ở đây mới chỉ trưng bày 2/10 số tài liệu, hiện vật mình đang lưu giữ. Có lẽ, trong tương lai gần ông sẽ mở rộng không gian trưng bày.

Cuộc tình duyên bắc qua hai thế kỷ

Ngày 1-1-2014, GS. Phan Hữu Dật và phu nhân Nguyễn Phước Chánh Thành tổ chức Đám cưới Kim cương sau 60 năm chung sống hạnh phúc tại gia đình với đông đảo người thân, bạn bè, đồng nghiệp tham dự.

Ông nhớ lại buổi đầu hai người gặp nhau là vào một sáng mùa hè năm 1949, tại bến đò Chu Lễ (Hà Tĩnh). Khi đó, ông học trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng còn Chánh Thành học trường Phan Đình Phùng. Cả hai đều tham gia công tác hiệu đoàn học sinh. Vùng Nghệ Tĩnh trong 3 năm 1949-1951, đã in dấu chân song hành như hình với bóng của hai người. Sau 5 năm gắn bó trong lửa đạn chiến tranh, ngày 1-1-1954, hai người làm lễ cưới giản dị, có hoa mà không có pháo...

Buổi tối, đôi tân hôn trải chiếu dưới đất trong nhà người chị ở đồi Linh Cảm để ngủ. Nhà chật ních người ra vào, không trao đổi được với nhau dù chỉ một nụ hôn… Sáng sớm hôm sau, ông từ giã vợ lên đường ra Bắc cho kịp dự đợt phát động quần chúng giảm tô ở Thanh Hóa. Lần gặp lại sau đó đã là hơn 6 tháng sau… Người con gái đầu của ông bà là Tiến sĩ, Luật sư. Người con gái thứ hai là Tiến sĩ Hóa (Liên Xô) và con gái út là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (Mỹ).

Lam Nhi

(http://www.daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1434&chitiet=78589&Style=1)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét