Số lần ghé thăm

22/12/14

Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt nam & Chúc mừng con gái Hương Liên –nữ đạo diễn tương lai!

Thứ Bảy ngày 20 tháng 12 năm nay là một ngày đẹp trời, mặc dù ánh nắng vàng ươm của bầu trời mùa đông làm sáng bừng đến từng góc phố nhỏ nhưng khí lạnh của đợt rét mới tăng cường vẫn làm tê tái ruột gan người Hà thành. Nhưng dường như cái  buốt giá của mùa đông Hà nội không làm giảm đi không khí tưng bừng náo nhiệt của Thủ đô nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2014)-sự kiện lịch sử trọng đại của Cách mạng Việt Nam. Năm nay cũng là dịp kỷ niệm 25 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân và QĐND VN vinh dự đón nhận Huân chương Sao Vàng lần thứ 5. Đây cũng là ngày hội hàng năm để nhân dân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hôm nay cũng là ngày con  gái thân yêu Hương Liên- (nguyên là MC Thời tiết Du lịch đầu tiên của Ban thời tiết, nay là phóng viên Ban thời sự của Đài truyền hình VN) báo cáo tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn điện ảnh-truyền hình kết thúc 4 năm theo học tại khoa Tại chức của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà nội hoàn thành mơ ước ấp ủ từ lâu. Thấy Hương Liên bảo theo danh sách thì chắc vào buổi chiều nên mình cố gắng giải quyết mọi công việc vào buổi sáng. 12 giờ trưa dẫu vẫn có 1 vài khách hẹn gặp nhưng mình xin khất sang hôm khác và khăn gói quả mướp ra đi.
Từ phố Minh Khai đến nơi con mình học đúng là từ đầu thành phố này đến đầu thành phố khác. Nhớ lại thời học lưu học sinh trong khối C có mấy người ở trường Múa và Sân khấu Điện ảnh được cử đi học đạo diễn ở Liên xô (hình như học C4 thì phải) mô tả khu vực này như là 1 nơi “khỉ ho cò gáy” vì thời đó nơi đây toàn đồng ruộng hoang vu rải rác những nấm mồ vô danh bao phủ đầy cỏ dại xen lẫn vài nếp nhà dân (thì đúng rồi lúc đó Hà nội chỉ bó gọn trong 4 khu phố nội thành: Hai bà, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình chứ có rộng lớn như bây giờ đâu). Thế mà bây giờ thành khu dân cư đông đúc sầm uất với hệ thống cầu đường hiện đại, nhất là con đường 32 đầy ổ trâu ổ bò bé tý tẹo chạy ngoằn nghèo trước đâu bây giờ thành xa lộ 4 làn đường thênh thang 8 thước…Mình phóng xe máy vèo vèo vừa đi vừa ngó nghiêng hai bên đường với những khối nhà cao tầng san sát với suy nghĩ....ai bảo  nơi đây là cánh đồng ruộng 40 năm về trước nhỉ … loáng cái đã đến nơi. Hương Liên đã đợi trước cổng trường và hai mẹ con tranh thủ chụp mấy tấm hình trong khuôn viên trường trước khi vào phòng dự lễ tốt nghiệp.
Trong khi chờ đợi mình đứng đọc 1 lượt Danh sách các sinh viên theo học chuyên ngành đạo diễn cùng khóa K30 của Trường ĐH SKĐA thì thấy nữ rất ít (mà nhìn quanh phòng thi chỉ thấy Hương Liên là nữ). Trong số các đề tài thì chỉ có Hương Liên chọn đề tài về chiến tranh với thể loại phim truyện.
Hai giờ chiều bắt đầu lễ báo cáo tốt nghiệp của các sinh viên ngành đạo diễn (còn ngành quay phim thì trên gác), Hương Liên ở thứ ba. Nhìn lên phía trên bàn Hội đồng chấm thi gồm 5 vị thấy toàn những vị có tên tuổi trong làng đạo diễn của điện ảnh Việt Nam: NSND-đạo diễn Khải Hưng, NSUT-đạo diễn Nguyễn Hữu Phần- ai đã từng xem phim “Ma làng” thì chắc chắn biết tên người đạo diễn tài hoa này (là thầy giáo hướng dẫn của con gái mình), PGS-TS, đạo diễn Hoàng Trần Doãn (cũng là thầy giáo phản biện của con mình), đạo diễn Vũ Châu, đạo diễn Vũ Thước.
Qua theo dõi các sinh viên lên báo cáo thì thấy phần trình bày ai cũng giống ai , người báo cáo được quyền nói trong 5 đến 10 phút là cùng gồm: Ý tưởng và quá trình hình thành kịch bản, quá trình chuẩn bị tổ chức sản xuất, quá trình sản xuất (tiền kỳ và hậu kỳ), cuối cùng là những bài học rút ra và những lời cảm ơn sâu sắc đến thầy cô hướng dẫn (hình như trong báo cáo tốt nghiệp có cả  bản cam đoan chịu trách nhiệm về bản quyền khi có tranh chấp). Sau đó là phần trả lời các câu hỏi của thầy phản biện, tất cả khoảng 15-20 phút)
Đến lượt Hương Liên lên trình bày bản báo cáo. Theo dõi phần trình bày (không cầm giấy) của Hương Liên  mình đã yên tâm vì thấy con lưu loát nói rõ ràng không bị vấp loáng cái đã thấy nó xong phần trình bày. So với thực tế thì một trời một vực bởi mình biết rõ những khó khăn mà con gái mình đã vượt qua để có được 5 -10 phút báo cáo kết quả.
Một tháng trước khi tốt nghiệp là thời gian con gái mình vất vả chạy ngược chạy xuôi vừa đi làm vừa tranh thủ lo khâu chuẩn bị, tổ chức, sản xuất khởi quay để có nguyên liệu rồi về chế biến biến hóa thành bộ phim để làm sản phẩm bảo vệ tốt nghiệp. Thời gian quay là 1 ngày rưỡi với kinh phí vô cùng khiêm tốn ..chỉ có 30 triệu (bởi vì tận dụng sự hỗ trợ cao độ từ phía bạn bè, đạo cụ, diễn viên, thuê địa điểm…) trong khi có người cùng khóa “khoe” đã chi phí cho sản phẩm tốt nghiệp của họ đến hàng trăm triệu (vẫn biết tiền không làm cho bộ phim giàu lên do được nhiều doanh thu mà là ngôn ngữ của phim- như lời 1 đạo diễn lừng danh đã nhận xét) nhưng vẫn làm cho con tôi lo lắng chỉ sợ các thầy cho là kinh phí ít thì chất lượng không thể tốt!. Tuy thời gian làm phim tốt nghiệm là 6 tháng nhưng mà còn bao nhiêu công đoạn: nào là chọn đề tài, viết ý tưởng, khai thác nội dung, viết kịch bản, chỉnh sửa kịch bản theo góp ý của thầy hướng dẫn (các công việc này đã mất 5 tháng), rồi sang giai đoạn sản xuất phim với các công việc: tìm bối cảnh,  đạo cụ, trang phục, tìm người make, rồi diễn viên…rồi đến công đoạn dựng phim.
Đến phần nêu những khó khăn trong quá trình làm phim (đây cũng là một mục trong báo cáo tốt nghiệp). Mình chỉ thấy Hương Liên đề cập 1 chi tiết là đến ngày khởi quay thì chủ nhà cho thuê địa điểm “dở chứng”  đột ngột đòi tăng giá gấp đôi nên đoàn lại phải chạy vạy đi tìm thuê chỗ khác để khỏi bị lẹm vào kinh phí đã rất khiêm tốn (đương nhiên lại phải mất mấy ngày để chỉnh lại kịch bản cho phù hợp với bối cảnh mới), ngoài ra còn bị mưa làm ảnh hưởng đến chất lượng phim…mà không thấy nó đề cập đến khó khăn lớn nhất về mặt quỹ thời gian hạn hẹp. Đó là 2 tháng trước khi tốt nghiệp có sự kiện Ban thời sự của Đài truyền hình Việt Nam tuyển biên tập viên (nghe nói 15 năm rồi mới lại tuyển biên tập viên) và chỉ lấy 10 chỉ tiêu trong khi có hơn 500 hồ sơ dự tuyển. Lúc đó con gái mình đã ổn định với vị trí MC thời tiết du lịch của Trung tâm thời tiết và cảnh báo thiên tai, nhưng với tình yêu nghề viết báo và thích công việc của một phóng viên chuyên nghiệp, được sự động viên của mẹ, nó đã quyết định ghi tên thi tuyển và trải qua 4 vòng thi đã may mắn trúng tuyển. Thế là từ tháng 11 năm 2014 người ta không còn nhìn thấy MC Hương Liên xuất hiện trong chương trình Dự báo thời tiết du lịch duyên dáng với mái tóc dài thông  báo cho khán giả về các thông tin thời tiết với những hướng dẫn về các điểm du lịch trên cả nước mà nếu ai để ý sẽ nhận thấy trên màn ảnh nhỏ xuất hiện nữ Phóng viên Dương Hương Liên với 1 hình ảnh “bụi bặm”, “dân dã” nhưng cũng đầy tính chuyên nghiệp với chiếc micro có gắn biểu tượng VTV trên tay cung cấp cho khán giả các phóng sự về những vấn đề thời sự nóng hổi thường ngày. Chỉ 1 tháng cô phóng viên “lính mới” của Ban thời sự đã đi thực tế thực hiện các đề tài tự nghĩ. Trong số hơn chục phóng sự tự làm có 3 phóng sự được lãnh đạo Ban cho phát sóng đó là: Tránh rét cho trâu ở Lạng Sơn (phát trên chương trình Thời sự 12 giờ) và 2 phóng sự phát trên chương trình Cuộc sống thường ngày: Cháy rừng ở Sóc Sơn và Phòng bệnh phổi cho trẻ em mùa lạnh tại Bệnh viện Nhi TW …Phải kể qua 1 số thành tích như vậy mới thấy để hoàn thành bộ phim tốt nghiệp quả là sự cố gắng đến tột cùng của con gái mình.  Nó hầu như không ngủ, có nhiều đêm thức trắng, cùng e kíp làm phim miệt mài lao động, cố gắng hoàn thành từng chi tiết của bộ phim.
Rất may phần phát biểu của thầy giáo hướng dẫn-NSUT, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã bổ sung những khó khăn mà Hương Liên đã phải vượt qua để hoàn thành bộ phim tốt nghiệp với nhiều lời khen khích lệ.
Đến phần quan trọng và chắc cũng là quyết định điểm số đó là thầy giáo phản biện đặt câu hỏi cho người báo cáo trả lời (và sẽ có phần thầy giáo hướng dẫn “đỡ lời” hộ (thực ra là trả lời hộ cho trò). Qua theo dõi mình thấy các báo cáo viên trước đó hầu như không bị vặn vẹo gì, có báo cáo viên bị thầy giáo phản biện đặt câu hỏi thì không có gì đặc biệt nếu không nói là dễ. Nhưng đến lượt Hương Liên thì sau phần trình bày của nó cả hai đạo diễn NSND Khải Hưng và PGS-TS Hoàng Trần Diễn đều đặt câu hỏi và …rất thú vị là lại trùng nhau đó là: Tại sao chiến tranh đã qua đi 40 năm mà em lại chọn đề tài chiến tranh làm tốt nghiệp? Vậy thông điệp mà em muốn nói là gì? Đây sẽ là câu hỏi cho tất cả những ai chọn đề tài về chiến tranh- NSND, đạo diễn Khải Hưng bổ sung thêm.
Câu hỏi quả là hay và có ý nghĩa! Chính vì vậy mà thời gian của con gái mình dài hơn các trường hợp khác chắc khoảng thêm 15 phút vì tính hấp dẫn của đề tài.
Ngồi ở hàng ghế dưới nhìn lên bục thấy con gái Hương Liên của mình thật xinh đẹp và đầy tự tin trả lời các câu hỏi  như là nó đang đi phỏng vấn làm phóng sự. Đúng như lời người xưa nói  “ Con hơn mẹ …nhà có phúc” .
Mình đã được xem trước bộ phim và thú thật sau khi kết thúc phim mình vẫn có cảm giác bị ám ảnh bởi những trường đoạn trong phim đúng như tên của bộ phim “Ám ảnh”. Cái kết của bộ phim mang ý nghĩa nhân văn đó là: Ác giả ác báo. Kẻ ác bị ám ảnh vì những tội lỗi gây ra cho đồng loại và có lẽ khủng khiếp hơn khi hắn sống nhưng không ai quan tâm, tồn tại như không tồn tại, tội lỗi đó cứ đeo đuổi ám ảnh hắn cho đến suốt cuộc đời khiến hắn không thể sống yên ổn…
Bộ phim chỉ vẻn vẹn có 10 phút và hầu như không có lời thoại (đó cũng là 1 trong những cái khó của đề tài này), chỉ những hình ảnh, âm thanh, cách biểu cảm của nhân vật trong một không gian hẹp đã lột tả được hết những sự khủng khiếp của chiến tranh và hậu quả của thời hậu chiến của 1 trong số ít cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử loài người bởi những hậu quả nặng nề dẫu 4 thập kỷ đã trôi qua mà vẫn còn để lại dấu ấn cho đến tận ngày nay- cuộc Chiến tranh Việt Nam- cuộc chiến giữa hai bên, một bên là Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam cùng Mỹ và một số đồng minh khác; một bên là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại miền Nam Việt Nam, cùng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dưới sự lãnh đạo của  Đảng được sự viện trợ vũ khí và chuyên gia từ các nước xã hội chủ nghĩa (đặc biệt là của Liên Xô và Trung Quốc).
(Trích nguồn từ Wikipedia: Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến gây nhiều tàn phá nhất, thiệt hại nhân mạng nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam và gây chia rẽ rất sâu sắc trong lòng dân tộc Việt Nam qua các thế hệ cũng như gây xáo trộn, chia rẽ về chính trị và kinh tế trong lòng nước Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tùy theo nguồn, số người Việt Nam bị thiệt mạng trong chiến tranh Việt Nam là từ 3 đến 5 triệu, hàng triệu người khác tàn tật và bị thương. Những người sống sót tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, môi trường, sức khỏe và tâm lý mà cuộc chiến đã gây ra. Đối với Hoa Kỳ, Chiến tranh Việt Nam đã thành một chương buồn trong lịch sử của họ…Ngoài 58.220 lính chết và 305.000 thương tật (trong đó 153.303 bị tàn phế). Ngoài số thương tích về thể xác, rất nhiều lính Mỹ trong số 2,7 triệu lính từng tham chiến tại Việt Nam bị mắc các chứng rối loạn tâm thần, thông thường được gọi là "Hội chứng Việt Nam"…)

Thông điệp mà Hương Liên gửi gắm qua bộ phim truyện có tên phim “‘Ám ảnh” mà ai xem cũng hiểu đó là:
Chiến tranh là tàn khốc và không ai muốn chiến tranh. Là dân tộc thấu hiểu nỗi đau thương do chiến tranh xâm lược của ngoại bang gây ra.Việt Nam hơn bất cứ nước nào càng không muốn chiến tranh, vì chiến tranh đã làm cho VN phải chịu thiệt thòi quá nhiều mà hậu quả của nó vẫn còn dẫu chiến tranh đã kết thúc 40 năm kể từ ngày 30/4/1975.
Đối với các thế hệ công dân thời hậu chiến lớn lên trong thời bình vẫn phải luôn nhớ về thời kỳ oanh liệt và đau thương và phải biết trân trọng quý giá thành quả mà  cha ông chúng ta đã đổ xương máu hy sinh để đất nước được độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ như ngày nay.
Tuy VN khẳng định là một dân tộc yêu chuộng hòa bình và chủ trương không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế để giải quyết các vấn đề bất đồng và tranh chấp lãnh thổ mà tuân thủ nguyên tắc trong công pháp quốc tế giải quyết bằng biện pháp hòa bình, đối thoại, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Nhưng VN vẫn phải luôn thực hiện thường xuyên chính sách quốc phòng để giữ gìn hòa bình và tự vệ khi Tổ quốc lâm nguy, nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích cao nhất của đất nước.
Đó chính là lý do dẫu 40 năm trôi qua hoặc có thể 50 năm , 60 năm nữa ….nhưng những đề tài về chiến tranh vẫn là nguồn cảm hứng cho thơ, ca, nhạc, họa, sân khấu,  phim điện ảnh và truyền hình. Và cũng là lý do con gái mình lựa chọn đề tài “độc” này!
Để có được những bộ phim truyện về đề tài chiến tranh có sức ảnh hưởng mạnh mẽ với các tầng lớp nhân dân như những bộ phim về chiến tranh thời xa xưa, song song với việc đào tạo tìm kiếm các tài năng trẻ, vẫn rất cần thiết sự đầu tư và hỗ trợ, khuyến khích cả về vật chất và tinh thần từ phía Nhà nước.
Một số hình ảnh của buổi lễ tốt nghiệp của Hương Liên:




Nhìn danh sách này mới thấy nữ đạo diễn ít hơn nam đạo diễn và đề tài về chiến tranh cũng ít người lựa chọn




Phóng sự: Tránh rét cho trâu ở Lạng sơn





 MC Thời tiết Du lịch Hương Liên

Hai mẹ con Hương Thủy-Hương Liên


Hương Liên và thầy giáo hướng dẫn -NSUT, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét