Số lần ghé thăm

7/10/11

Có một huyền thoại có thật...

Hay huyền thoại về Con đường Hồ Chí Minh trên biển
Câu chuyện mình kể hôm nay là câu chuyện về một con đường có tên như thế. Một thời gian rất dài từ ngày xưa hoàn toàn câm lặng (ừ thì nhiệm vụ đặc biệt phải bí mật mà), đến hôm nay vẫn còn câm lặng dẫu chiến tranh đã chấm dứt gần 4 thập kỷ rồi, ngay cả mình nếu không có việc tại Hòn Dáu thì cũng chẳng biết (mà ai nói mà biết, lịch sử thì chẳng ai dạy). Và rất có thể, những sự thật về con đường huyền thoại này rồi chắc sẽ mãi mãi chìm sâu vào phẳng lì của biển, phẳng lì của thời gian, chìm sâu vào câm lặng đến vĩnh hằng…
nếu như chẳng ai đánh thức ký ức dậy (vì nhiều lý do: thời gian đã trôi qua quá lâu, hoặc có người có nhiều việc của cuộc sống đời thường cần phải giải quyết, hoặc có những người hầu như không quan tâm đến quá khứ của dân tộc…). Vì vậy chuyến đi này mình ấp ủ ý định viết bài góp phần đánh thức lại những chi tiết lịch sử về những chiến công thầm lặng của những người lính cảm tử phục vụ trên những con tàu "không số" trong thăm thẳm của biển, của thời gian và của ký ức với sự biết ơn sâu sắc, để linh hồn của những người lính biển đang phiêu diêu trên sóng biển được bình an nơi ngàn thu vĩnh biệt.
Theo sự chỉ dẫn mình lần đến trước Đài tưởng niệm dựng bằng đá ghi dấu vết bến nơi xuất phát của những con tàu "không số" nằm khuất trong một cái vịnh nhỏ, đằng sau Khách sạn Vạn Hoa. Khu vực này là thuộc khu 3 Đồ Sơn trước kia chỉ dành cho các vị lãnh đạo cao cấp, dân thường chỉ được đến khu 1 và khu 2 Đồ Sơn. 
Lần trước đến Hòn Dấu mình cũng đã đến gần Đài tưởng niệm này, nhưng là ở bên Khách sạn Vạn Hoa nơi có sòng bạc Ca si no duy nhất ở VN chỉ có người nước ngoài được vào chơi. (Giấy phép hoạt động của Ca si no này sắp hết thời hạn, khi hết hạn thì khu Hon Dau Resort sẽ là đơn vị xin tiếp quản). 
Đứng lặng trên bờ vịnh, dòng suy nghĩ của mình hướng về 1 thời kỳ hào hùng của dân tộc. Cố tưởng tượng hình ảnh những người lính biển làm nhiệm vụ trên các con tàu "không số", chắc họ còn trẻ lắm và đầy lạc quan cách mạng bởi chẳng ai chắc chắn ngày trở về an toàn (dĩ nhiên là rất mong muốn được hoàn thành nhiệm vụ trở về an toàn), nhưng tất cả đều có 1 niềm tin cháy bỏng vào ngày chiến thắng. Ở phía trước, dưới mặt nước nhô lên những cột đá cũ kỹ, gan góc, câm lặng trong thời gian, đó là di tích của 1 bến tàu - nơi bắt đầu cuộc hành trình trên con đường huyền thoại trên biển Đông có tên gọi “Con đường Hồ Chí Minh trên biển”. 
Đây là chứng cứ đầu tiên về thiên huyền thoại một thời ư? Nếu không được chỉ dẫn thì cũng chẳng ai biết. Tay thuyền trưởng nói với mình: nơi đây là 1 trong những điểm xuất phát của con đường bí mật xuyên biển Đông vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam thời chiến tranh chống Mỹ. Dõi ánh mắt xa hơn ra mặt biển mênh mông, tuy cố hình dung nhưng không thể nào tưởng tượng được có 1 con đường trên biển. Mình chỉ thấy người ta nói: “Người đi trên mặt đất thì thành đường” chứ có ai nói tàu đi trên biển thì thành đường đâu nhỉ?. Ai đã ra biển thì mới biết biển mênh mông nhường nào!. Đúng là biển xanh đang trải ra trước mắt , nhưng khi con tàu đi qua, biển không để lại dấu vết, không để lại đường mòn. Biển xóa tất cả. Chỉ còn lại mặt nước mênh mông, phẳng lì, bí mật, câm lặng. Mãi mãi câm lặng không bao giờ tiết lộ về họ tên những người lính biển, những chiến công hiển hách và sự hy sinh anh dũng âm thầm của họ. Không hiểu vì sao hồi xưa học lịch sử chẳng ai nói cho mình biết về con đường Hồ Chí Minh trên biển Đông nhỉ. Vậy còn cái gì trong lịch sử đau thương và hào hùng của dân tộc mà chúng ta chưa được biết?.
Mình cũng hỏi có nhà lưu niệm về con đường Hồ Chí Minh trên biển thời đó không. Thì được trả lời: không có chỉ có đài tưởng niệm này chứ không có bất cứ cái gì để chúng ta có thể căn cứ vào đấy mà đi tìm. Tư liệu, chứng cứ cũ hầu như chẳng còn gì đáng kể. Chúng đã chìm sâu trong câm lặng của mặt nước không biết nói. Phòng Tài liệu lưu trữ trong các kho bảo mật hoặc đã mục nát, hoặc đã thất lạc gần hết. Hình như có 1 tư liệu đó là tập tài liệu về lịch sử Lữ đoàn Hải quân 125, chắc là được viết khá vội và quả thật còn khá thô sơ. Những chiếc tàu xưa chẳng còn. Nghe nói ở đâu đó trong một vàm rạch hoang vắng tận cuối mũi Cà Mau còn xác một con tàu, may mà chưa bị bán làm sắt vụn, nhưng cũng đang tan thành gỉ nát vì thời gian và nước mặn...
Còn những con người đã từng phục vụ trên các con tàu không số: Người đã hy sinh, người mất tích mãi mãi vùi thân trong biển sâu. Người đã qua đời sau chiến tranh vì già yếu, vì những di chứng của chiến tranh. Những người còn lại thì đang tản mác khắp đất nước. Cũng có 1 số người được truy tặng danh hiệu cao quý, nhưng cũng có nhiều người không may mắn vì nhiều lý do khách quan. Thậm chí có những người cuộc sống vô cùng khó khăn sau chiến tranh. Nhưng tất cả đều chấp nhận như vậy mà không hề thắc mắc, băn khoăn. Vì ngay từ đầu họ đã chấp nhận là lính không số phục vụ trên tàu không số vì 1 lý tưởng cao cả. ước gì mình được gặp được họ, tìm gặp chính những con người ấy bằng xương bằng thịt ….vì đó cũng là đi tìm câu trả lời cái gì làm nên chiến thắng của dân tộc VN. 
Sau đây là những gì tóm tắt về lịch sử hình thành và tồn tại của con đường Hồ Chí Minh trên biển để giúp các bạn củng cố kiến thức về lịch sử hiện đại VN:
Năm mươi năm trước-vào năm 1959 (đối với mình năm đó là năm mình được sinh ra). Nhưng đối với lịch sử dân tộc thì năm 1959 đánh dấu những sự kiện đặc biệt: Đó là những ngày đen tối và quyết liệt khi cách mạng miền Nam bị quân thù dìm trong biển máu và nước mắt. Có ai sống vào thời đấy mà không được nghe thấy tiếng gọi đó, tiếng gọi của máu, của nước mắt, của ý chí tự do, độc lập và thống nhất. Tiếng gọi căm hờn từ những vụ thảm sát đẫm máu của Chợ Được, của Vĩnh Trinh, của Hướng Điền, của Trà Bồng, của Bến Tre...( trừ phần lớn lứa LHS 77-78.. thì không nghe thấy rồi, vì toàn là hội sinh năm 1960, 1961).
Đó là 1 cái mốc lịch sử: miền Nam gắng gượng đứng dậy từ trong đau thương và chết chóc bắt đầu 1 cuộc chiến tranh vì sự sống còn của dân tộc. Như lời của Bác Hồ : “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành cho được độc lập...”. Tổ quốc VN là 1 cơ thể thống nhất, Miền Nam –tiền tuyến đầu của Tổ quốc gọi, Miền Bắc hưởng ứng chi viện sức người sức của cho Miền Nam thân yêu .
Cũng năm này đánh dấu sự kiện có một không hai trong lịch sử chống Mỹ cứu nước đầy bi tráng và oanh liệt:
- Tháng 5-1959 một con đường Bắc - Nam xẻ dọc Trường Sơn được mở, với cái tên đường 559 (vì ra đời vào tháng 5/1959 -mình cũng sinh vào tháng 5). Sau đó không biết ai đã gọi tên “đường mòn Hồ Chí Minh”. Nhưng đi đường Trường Sơn phải mất hai, ba tháng trời ròng rã trong khi tiếng gọi của chiến trường cấp bách quá!.
- Tháng 7-1959 ta quyết định mở cả con đường Bắc - Nam xẻ dọc biển Đông vì đi trên biển nguy hiểm hơn nhưng lại nhanh hơn -chỉ mất nhiều nhất 1 tuần. Và thế là song song với con đường mòn trên đất liền, con đường biển Đông đã chính thức được khai thông. Trong kháng chiến chống Pháp ta từng đã có một con đường vận chuyển vũ khí bí mật xuyên biển Đông từ Khu 5 vào Nam bộ nên đã có kinh nghiệm: Đường biển Đông là mạo hiểm, là tử địa, nhưng cũng là bất ngờ!.
Cũng tháng 7-1959 một tiểu đoàn được thành lập lấy tên là 644, giả danh là “tập đoàn đánh cá miền Nam” đóng tại cửa sông Gianh, chuyên lo tổ chức đưa thuyền bí mật chở vũ khí vào Nam. Chuyến đi thí nghiệm đầu tiên xuất phát từ cửa sông Gianh đúng đêm 30 tháng chạp năm 1959, nhằm vào chân đèo Hải Vân, Quảng Nam...nhưng đã thất bại. Thuyền mất tích cùng với tất cả những người lính cảm tử, họ đã hy sinh..mãi mãi không ai biết được tên tuổi họ..
Ngày 23-10-1961, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân để vận chuyển vũ khí, trang bị cho chiến trường miền Nam bằng đường biển. Có bốn con tàu đầu tiên được vinh dự nhận nhiệm vụ "tối mật" là các tàu: C.43, C.56, C.165, C.235, trong đó có con tàu 235 gắn liền với hình ảnh thuyền trưởng dũng cảm Phan Vinh đã hy sinh tại Hòn Hèo (Nha Trang)– Tên anh đã được đặt cho một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đảo Phan Vinh nằm ở 8 độ 56 phút vĩ bắc và 113 độ 38 phút kinh đông, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 430 hải lý…
Những chuyến tàu mạo hiểm do những người lính cảm tử đã xẻ dọc biển Đông, vận chuyển hàng ngàn tấn súng đạn vào những bến đợi ở Miền Trung, Miền Nam chi viện cho người đang cần súng đạn để chiến đấu và tự vệ. Điểm đến là các bến: Đức Phổ, Sa Kỳ (Quảng Ngãi); Thạnh Phong (Bến Tre); Vũng Rô (Phú Yên); Vàm Lũng (Cà Mau); Lộc An (Bà Rịa - Vũng Tàu)… Tiếng miền Nam gọi khẩn thiết đã giục giã ra khơi những con tàu lớn hơn. Những con tàu "không số" tăng dần theo năm tháng. Từ năm 1962 - 1972, tại Đồ Sơn (Hải Phòng) đã có gần 100 lượt tàu "không số" xuất phát chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trong 14 năm liên tục (từ 1961-1975) đã có gần 2000 lượt tàu, đi trên 4 triệu hải lý, vận chuyển 8 vạn lượt người, trên 15 vạn tấn vũ khí, đạn dược và hàng vạn tấn hàng hóa, góp phần chi viện đắc lực cho nhiều hướng chiến trường, nhiều chiến dịch lớn, nhiều địa bàn trọng yếu mà đường bộ chưa với tới được, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Kết luận: Trên đây là toàn bộ lịch sử về 1 thiên anh hùng ca của những đoàn tàu "không số" với những người lính biển cảm tử , dẫu qua bao thời gian rồi mà chỉ ít người được biết. Nhưng lịch sử chỉ là lịch sử, mình cảm thấy có 1 sức mạnh siêu nhiên vượt lớn hơn những dòng chữ trên những trang giấy trong kho lưu trữ: đó là những giá trị mãi mãi trường tồn với thời gian, bất chấp mọi thời đại, những giá trị này thuộc về những con người bất khuất với cuộc đời rất đỗi bình dị mà tên của họ đã hóa thành tên đất nước. Mà mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ những giá trị đó bằng bất cứ giá nào, theo cách riêng của mình.








.........................................


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét