Lời mở đầu:
Từ kinh nghiệm đấu tranh đòi bình quyền với nam giới từ thời xa xưa đến nay cho thấy, phụ nữ là một nửa nhân loại (trên thực tế trong 1 cộng đồng dân cư phụ nữ bao giờ cũng chiếm một số cụ thể từ 51-52%), nhưng bao giờ cũng chịu phần thua thiệt hơn so với nửa thế giới đàn ông còn lại.
Đặc biệt dưới chế độ phong kiến, thân phận người phụ nữ càng bị thua thiệt, họ phải chịu khổ đau đến tột cùng trong vòng kìm hãm bởi lễ giáo “tam tòng tứ đức “đến mức không bút nào tả xiết. Dưới chế độ phong kiến không những người phụ nữ bình dân chịu khổ mà cả đến bậc quân vương cũng không thoát được cảnh ngộ chung này. Đúng như đại thi hào Nguyễn Du đã đúc kết bằng một câu triết lý đầy ai oán:
"Đau đớn thay phận đàn bà,
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung"
Tôn vinh truyền thống, phẩm chất, đạo đức của phụ nữ VN, bài viết này sẽ giới thiệu 1 cuộc đời hay đúng hơn 1 số phận đầy đau thương nhưng cũng đặc biệt nhất trong lịch sử VN của 1 phụ nữ Việt dòng dõi vua chúa, người duy nhất trong lịch sử VN có nhiều danh vị trong suốt cuộc đời đầy thăng trầm của 1 nữ nhi- Bà là LÝ CHIÊU HOÀNG- vị vua cuối cùng của triều đại nhà Lý .
1. Tiểu sử của Lý Chiêu Hoàng:
- Lý Chiêu Hoàng sinh tháng 9 năm Mậu Dần (1218)
- Lý Chiêu Hoàng tên thật là Lý Phật Kim, sau đổi thành Lý Thiên Hinh- là con gái út của vua Lý Huệ Tông, có tôn hiệu là Chiêu thánh Công chúa.
- Năm Giáp Thân (1224) bà được lập làm Hoàng Thái Tử
- Cũng năm đó bà lên ngôi vua hiệu là “Thiên Chương Hữu Đạo”
- Năm Ât Dậu 1225 bà nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (tức Trần Thái Tông -vị vua đầu tiên của nhà Trần) và trở thành Hoàng hậu Chiêu Thánh.
- Năm Đinh Dậu (1237) bị phế ngôi giáng làm Công chúa nhà Trần
- Năm Mậu Ngọ (1258) được vua Trần Thái Tông gả cho tướng Lê Tần trở thành Phu nhân Tướng quân. Cuộc hôn nhân lần này bà rất hạnh phúc và sinh được 2 người con: con trai là Lê Tông (sau đổi tên là Trần Bình Trọng), con gái là Ngọc Khuê.
- Bà mất năm Mậu Dần (1278) thọ 60 tuổi.
2. Những chức danh tước vị mà bà đã trải qua:
- Là công chúa nhà Lý hiệu là Chiêu Thánh Công Chúa
- Được vua Lý Huệ Tông lập là Hoàng Thái tử để truyền ngôi vào tháng 10 năm Giáp Thân (1224).
- Là vị vua cuối cùng của vương triều nhà Lý vào năm 1224 có niên hiệu là “Thiên Chương Hữu Đạo”
- Là Hoàng hậu Chiêu Thánh vợ vua Trần Thái Tông (sau khi nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh)
- Là công chúa nhà Trần (do không có con với vua Trần Thái Tông nên bị Trần Thủ Độ ép vua phế ngôi hoàng hậu giáng xuống làm công chúa)
- Là phu nhân tướng quân Lê Tần (sau đổi tên là Lê Phụ Trần)
3. Những dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời bà:
- Là người duy nhất trong lịch sử có nhiều danh vị hoàng tộc nhất: công chúa hai vương triều (Lý-Trần), Thái tử, Nữ hoàng, Hoàng hậu, Phu nhân tướng quân.
- Là nữ hoàng duy nhất trong hơn 1000 năm tồn tại và phát triển của chế độ phong kiến VN- đây là trường hợp độc nhất vô nhị từ trước đến nay chưa từng có ở nước ta.
- Là người ở ngôi Hoàng Thái Tử ngắn nhất: không đầy 1 ngày (bà được vua cha phong làm Hoàng Thái Tử để truyền ngôi cho)
- Là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử được phong làm Thái tử
- Là vị "vua đàn bà" duy nhất trong lịch sử phong kiến VN
- Là vị vua trẻ nhất trong lịch sử VN (vì khi lên ngôi vua nhà Lý bà mới 7 tuổi)
- Là vị vua có thời gian trị vì ngắn nhất trong các vị vua triều Lý (1 năm)
- Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh là đôi vợ chồng đều làm vua duy nhất trong lịch sử VN.
- Bà là người duy nhất trong lịch sử làm vua của 1 vương triều (Lý) sau lại làm hoàng hậu của 1 vương triều khác (Trần).
- Là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Lý vào lúc hoàng hôn suy thoái nhất của 1 triều đại.
- Đây cũng là 1 sự kiện chưa từng có trong lịch sử là chuyển giao vương triều này sang vương triều khác một cách êm thấm nhất không tốn xương máu hay thủ đoạn gì.
- Cuộc hôn nhân của và với Trần Cảnh có nhiều nghi vấn nhất trong lịch sử: Khi Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh không hề có lễ thành hôn (vì không thấy sử sách ghi)
- Là người duy nhất trong lịch sử làm công chúa của hai vương triều khác nhau.
- Là “phần thưởng đặc biệt” do nhà vua Trần Thái Tông ban cho tướng Lê Tần (sau đổi tên là Lê Phụ Trần)–vì có công đầu trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ vào năm Mậu Ngọ (1258). Đây cũng là hiện tượng duy nhất chưa từng có trong lịch sử từ trước đến nay.
- Bà có 1 người con trong số những người nổi tiếng nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Một trong những người con của bà với Lê Tần là Lê Tông (còn có tên là Lê Phụ Hiền) sau được vua ban quốc tính (họ vua) đổi tên thành Trần Bình Trọng-1 danh tướng nhà Trần có câu nói bất hủ:” Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc). Hiện nay tên của vị tướng này được đặt cho 1 con phố ở HN.
- Cái chết của bà cũng được xem là đặc biệt nhất: Theo sử sách ghi chép khi mất thọ 60 tuổi mà tóc vẫn đen nhánh, đôi môi vẫn đỏ như son và má vẫn như màu hồng đào!?.
- Bà là vị vua duy nhất không được thờ ở Đền Đô vì quan niệm “Nữ nhi ngoại tộc”. Bà là dâu họ nhà Trần và lại làm mất ngôi vua nên cũng không được thờ cùng Lý Bát Đế -tức là 8 vị vua triều đại nhà LÝ (và bị coi là có tội với nhà Lý).
Tóm lại:Cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng chứa chất nhiều nỗi niềm bi kịch và thăng trầm của 1 kiếp hồng nhan tuy rất đỗi quyền quý cao sang. Bà là người mang 1 cái án oan lịch sử làm đánh mất ngôi vương triều, bị coi là vị vua “đàn bà” vì thế nên không gánh vác nổi cơ nghiệp Lý. Lịch sử ghi chép bà hầu như không có công lao gì trong 1 năm trị vì. Tuy đã từng là hoàng hậu vợ vua, nhưng bà chỉ thực sự có hạnh phúc khi làm vợ 1 danh tướng có công (tướng Lê Tần). Tuy là người duy nhất mang 6 danh vị nhưng sử sách lại chỉ có vài dòng vắn tắt ngắn gọn về cuộc đời của bà. Chính vì vậy ít người biết rõ về bà –1 người phụ nữ có số phận đặc biệt nhất trong lịch sử dân tộc. Và nếu có biết thì chỉ biết ở khía cạnh xấu –đó là người đã có tội làm mất ngôi vương triều.
Nhưng số phận cũng không đến nỗi bạc bẽo với vị nữ hoàng đa đoan này. Lý Chiêu Hoàng được nhân dân tôn thành Thành Hoàng vì đã giúp dân xây dựng xóm làng, an cư, lạc nghiệp. Nhân dân lập đền thờ riêng cho bà gần Đền Đô đặt tên là đền Rồng (Long Miếu điện). Hàng năm vào dịp lễ hội đền Đô (15 tháng 3 Âm lịch) nhân dân lại rước kiệu của bà từ Đền Rồng đến Đền Đô để gặp vua cha và các vị vua triều đại nhà Lý.
Thương cảm trước số phận của bà, nhà thơ Nguyễn Khắc Hiếu đã viết bài thơ “Vịnh LÝ Chiêu Hoàng” một là để hoài cảm sự hưng vong của 1 triều đại Lý, nỗi tiếc nuối 1 thời huy hoàng vàng son mặt khác cũng thể hiện sự thông cảm sâu sắc đối với thân phận của 1 người phụ nữ dẫu đã từng làm vua trước buổi hoàng hôn của triều đại mình. Bài thơ như nhắc nhủ chúng ta luôn nhớ về 1 nhân vật nữ đặc biệt nhất trong lịch sử Việt.
Bài thơ có nội dung như sau:
“Qủa núi Tiêu Sơn có nhớ công
Mà em đem nước để theo chồng
Ấy ai khôn khéo tài dan díu
Những chuyện huê tình có biết không?
Một gốc mận già thôi cũng phải
Hai trăm năm lẻ thế là xong
Hỏi thăm sư cụ chùa Chân Giáo
Khách khứa nhà ai áo mũ đông”
Thay lời kết:
Khi viết những dòng trên mình cảm thấy lòng nặng trĩu đầy nỗi niềm tâm sự. Tại sao lịch sử không nhìn nhận đánh giá vai trò của vị nữ hoàng này dưới khía cạnh nhân văn, nhìn nhận những quyết định của bà như là 1 biện pháp để hưng thịnh đất nước. Vì bà lên ngôi vua triều đại nhà Lý vào lúc hoàng hôn suy thoái nhất của 1 triều đại, lúc ngai vàng đã lung lay (nên việc chuyển giao cho ngôi vua cho Trần Cảnh là điều không tránh khỏi chứ không phải lỗi của bà). Vì quyết định đó mà lịch sử VN đã mở sang trang mới hào hùng với chiến công hiển hách của triều đại nhà Trần. Chúng ta các con cháu sau này mới được tự hào về lịch sử qua các triều đại Đinh-Lý-Trần-Lê làm rạng danh non sông Tổ quốc. ..Sao thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến dù ở giai tầng nào cũng đều bi thảm đau khổ vậy. Hay chỉ vì họ sinh ra là …đàn bà. Tại sao định kiến xã hội đối với đàn bà nặng nề vậy, kể cả trong xã hội hiện đại ngày nay, mặc dù chế độ phong kiến đã cáo chung từ hàng trăm năm nay nhưng những thói hư tật xấu- tàn dư của hệ tư tưởng phong kiến, vẫn đeo bám dai dẳng trong ý thức của 1 bộ phận lớn đàn ông trong xã hội. Vậy có gì mà đàn ông làm được mà đàn bà không thể làm được. Trong khi có những việc của đàn bà mà đàn ông không thể làm được dù có mà... đi học suốt đời, như chức năng sinh đẻ chẳng hạn!. Không những đẻ con mà người mẹ còn chăm sóc con dạy dỗ con nên người, thì ca dao đã có câu: “Cha sinh không tày mẹ dưỡng”, “Phúc đức tại mẫu” đấy thôi.
Thực tế cho thấy không phải từ khi có ngày 8/3 người phụ nữ đã thực sự được giải phóng, vẫn còn nhiều mặt trong đời sống kinh tế xã hội người phụ nữ vẫn bị rơi vào hoàn cảnh thua kém đàn ông. Nạn bạo hành với mọi hình thức thể hiện đối với phụ nữ vẫn xảy ra hàng ngày trên khắp hành tinh, đặc biệt tình trạng bạo lực gia đình vẫn tồn tại ngay cả trong các xã hội văn minh mà chưa có cách nào giải quyết. Tuy người phụ nữ hiện đại đã có điều kiện phát triển và nhiều người đã thành đạt, có địa vị trong xã hội nhưng họ vẫn có thể là nạn nhân của những “bạo lực không nhìn thấy” tồn tại trong sâu thẳm từng gia đình và len lỏi trong ngõ ngách của cuộc sống thực dụng đời thường. Tất cả những tồn tại buồn ấy vẫn đè nặng đau khổ lên thân phận người phụ nữ . Đó là lý do hàng triệu phụ nữ trên toàn thế giới vẫn phải đi tiếp con đường sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đòi quyền bình đẳng với nam giới trên mọi lĩnh vực.
Theo nhiều ý kiến của các chuyên gia về sự tiến bộ của phụ nữ thì: làm đàn bà đã khổ, làm đàn bà Việt Nam... càng khổ. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là vì đất nước ta trải qua mấy nghìn năm phong kiến lạc hậu, dưới chế độ phụ quyền đã làm tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu trong tiềm thức người dân-có lẽ sẽ tồn tại cả nghìn năm nữa may ra mới hết. Rồi chiến tranh liên miên nhiều đời, bây giờ tuy đã hòa bình, cuộc sống đã sung sướng hơn trước nhiều. Nhưng vẫn còn rất nhiều, rất nhiều chị em chưa thoát khỏi cảnh nghèo đói, vẫn cứ đầu tắt mặt tối, công việc bận rộn, thu nhập thấp…bươn chải lo cuộc sống cho gia đình, đến nỗi người ta đã lấy hình tượng con cò lặn lội bờ sông làm biểu tượng người phụ nữ VN cả xưa và nay. Và họ nhận được gì từ một nửa thế giới còn lại? Cũng theo nhận xét của nhiều người, đối với đàn ông Việt Nam về mặt tính nết, tâm hồn nói chung, xét trên các chỉ số cần thiết về tình cảm như lòng tốt, độ khoan dung, tính độc lập… đều rất kém!?
Ở VN vài năm qua Nhà nước đã có nhiều bước tiến đáng kể trong sự nghiệp phát triển vì sự tiến bộ của phụ nữ như ban hành các đạo luật bảo vệ quyền phụ nữ như Luật về bình đẳng giới, Luật về chống bạo lực trong gia đình, và trong nhiều đạo luật khác như Bộ luật lao động, Bộ luật dân sự, Bộ luật Hình sự...cũng đã có nhiều điều luật bảo vệ người phụ nữ....Đã có nhiều dấu hiệu tốt trong mối quan hệ giữa hai giới với nhau. Đặc biệt xã hội có chiều hướng “trọng nữ” hơn nam, vì số lượng nam đã tăng nhiều hơn so với nữ-hậu quả của một giai đoạn dài sinh con trai theo ý muốn. Cũng có thể nói đây là sự trừng phạt của Thượng đế khi con người phá vỡ quy luật tự nhiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét