Số lần ghé thăm

14/12/12

Cần sửa đổi căn bản Luật đất đai theo hướng: Hãy để người nông dân suy nghĩ trên mảnh đất của họ!


Những bất cập của Luật đất đai cần nhanh chóng sửa đổi qua phiên tòa xét xử vụ án hành chính của những người dân đất Phật Chùa Hương.


 Ngày 10/12/2012 theo lịch xét xử của Tòa án nhân dân huyện Mỹ Đức đưa ra xét xử 8 vụ án do 4 hội đồng xét xử đảm nhiệm. Nhưng đến gần 7 giờ tối cùng ngày chỉ xử được có  3 vụ, riêng buổi sáng chỉ xử được 1 vụ. Lý do vì việc xét xử đã bị gián đoạn nhiều lần bởi những cơn phẫn nộ bùng lên từ phía những người nông dân bị mất ruộng mỗi khi họ phải nghe phía đại diện người bị kiện -UBND huyên Mỹ Đức, người liên quan- UBND xã Hương Sơn, người làm chứng-trưởng, phó thôn, xóm... trả lời các câu hỏi thẩm vấn của chủ tọa phiên tòa và của luật sư.
Lực lượng công an bảo vệ phiên tòa dù được tăng cường nhiều hơn bình thường cũng phải chật vật mới làm cho đám nông dân bị mất ruộng gieo mạ trở về chỗ ngồi giữ trật tự để hội đồng xét xử tiếp tục làm việc.
Đúng là phải trực tiếp tham gia các vụ án hành chính như thế này thì mới thấy rõ những bất cập nghiêm trọng của Luật đất đai hiện hành (dù đã được sửa đổi bổ sung 2 lần) rất cần phải khẩn trương sửa đổi như: vấn đề thu hồi đất nông nghiệp nhất là đất chuyên trồng lúa; chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi nghề nghiệp cho nông dân thực sự gắn bó với ruộng đồng; giá đất đền bù đất nông nghiệp chuyên canh tác; cơ chế nhà nước tự định giá khi thu hồi đất nông nghiệp, tự phân phối cho chủ đầu tư không thông qua đấu thầu dự án….mà nếu không thì dẫu có được sửa đổi bổ sung thì vẫn sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi cho người nông dân.
Về mặt lý luận cũng có nhiều vấn đề cần phải bàn. Nhiều chuyên gia cho rằng các nguyên nhân bất cập về đất đai trong những năm qua là do cách hiểu và vận dụng tùy tiện khái niệm “sở hữu toàn dân” vốn rất mơ hồ. Khái niệm này không rõ ràng nên rất dễ bị một nhóm lạm dụng phục vụ cho lợi ích nhóm mình, thay vì mang lại lợi ích cho toàn dân. Quyền thu hồi đất của Nhà nước quy định trong Luật đất đai cần được chỉnh sửa vì nó đang được để ở phạm vi quá rộng trong khi Hiến pháp không quy định cơ chế thu hồi đất (mà chỉ có cơ chế trưng thu hoặc trưng mua). Bản thân khái niệm “ trường hợp Nhà nước thu hồi đất” cũng trừu tượng…

Luật đất đai cần phải nhanh chóng sửa đổi thì mới đảm bảo sự ổn định thực sự cho xã hội, là biện pháp hữu hiện giảm tình trạng nông dân khắp nơi lũ lượt vác đơn ra Thủ đô khiếu kiện chính quyền địa phương thu hồi đất đang canh tác của họ nhưng chỉ đền bù giá rẻ mạt….Nhưng phải sửa đổi căn bản thì mới đảm bảo quyền lợi cho người nông dân, mới giải quyết được triệt để tình trạng tất yếu trong quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá, một bộ phận không nhỏ người nông dân bị thu hồi hết ruộng đất, trình độ và năng lực của họ không thể làm công việc khác, từ tình trạng "người cày không có ruộng” đã kéo theo các vấn đề xã hội khác gây phức tạp cho xã hội, tội phạm hình sự ngày càng gia tăng.
Sửa đổi theo hướng như nhiều chuyên gia đề xuất ý kiến:
Đất đai là hàng hóa và hãy công nhận quyền sở hữu về đất đai.
Trong xã hội tồn tại bao nhiêu thành phần kinh tế thì có bấy nhiêu quyền sở hữu đất. Tại sao có thành phần kinh tế tư nhân nhưng lại không có chế độ tư hữu về ruộng đất. Tại sao chúng ta đã chấp nhận sự tồn tại của chủ doanh nghiệp trong tất cả các ngành nghề mà lại không chấp nhận tầng lớp địa chủ mới ở nông thôn?
Chỉ khi đã trao lại quyền sở hữu chính thức cho nông dân thì lúc đó chúng ta mới thực sự bước chân vào nền kinh tế thị trường.
Do đó cần phải quay trở về với thành quả của cuộc cải cách ruộng đất năm 1956, trao lại quyền sở hữu chính thức của nông dân đối với ruộng đất.…
Hay nói như lời của Ph.Ănghen: “Hãy để cho người nông dân suy nghĩ trên mảnh ruộng của mình”!?
Một số hình ảnh của ngày xét xử đầu tiên tại tòa Mỹ Đức- và chưa có phiên tiếp theo vì tất cả những người khởi kiện đã đồng loạt không ra tòa mà hành hương ra Hà Nội để đệ đơn lên Chánh án Tòa án Nhân dân thành phố Hà nội đề nghị lấy 145 vụ án hành chính còn lại để xét xử theo quy định tại điểm g khoản 1 điều 30 Luật tố tụng hành chính.
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét