Số lần ghé thăm

30/8/11

Pháp trị hay đức trị áp dụng cho Việt Nam hiện nay

Câu chuyện pháp đình: Tình mẫu tử mạnh hơn án tử hình.

Thực ra mục đích bài viết này không phải kể về 1 vụ án giết người (vì trên các loại báo giấy, báo điện tử ra hàng ngày lúc nào mà chẳng đưa tin về các vụ án mạng, với các tít thoạt nghe bất cứ người dân hiền lành nào cũng đủ sởn gai ốc. Qua 1 vụ án có thật để đề cập đến 1 vấn đề có tính chất lý luận và thực tiễn đang gây tranh cãi : Trong bối cảnh hiện nay Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền (tức cai trị bằng pháp luật) . Nhiều nhà luật học đã đặt ra câu hỏi: nền đức trị cổ truyền của nước ta (tức cai trị nước bằng nhân đức) liệu đã chấm hết vai trò lịch sử của nó để thay thế một nền pháp trị cứng rắn “bất vị thân” đủ khả năng giải quyết đúng đắn các mối quan hệ xã hội phức tạp hiện nay của VN - 1 trong nước vẫn tồn tại án tử hình trong khi trên thế giới đã có nhiều nước đã xóa bỏ án tử hình. Năm 2005 Văn phòng luật sư Hoàng Long có nhận hướng dẫn 1 luật sư tập sự người CHLB Đức tên là Monika Martin sống ở Munich,  và cũng được tham gia 1 số vụ án hình sự, đã nhận xét so với luật hình sự của CHLB Đức, hình phạt quy định trong Bộ luật hình sự của VN là nặng (đương nhiên là việc so sánh tính chất và hành vi phạm tội của cùng 1 tội danh cũng chỉ tương đối).

Phần 1:
Phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm vụ án giết người diễn ra trong không khí buồn tẻ và chóng vánh nhuốm màu tang tóc. Đây là phiên tòa mà giới luật sư gọi là án “chỉ định” (tức là trường hợp bị cáo bị Viện kiểm sát đề nghị Tòa xử mức án từ chung thân hoặc tử hình, nhưng bị cáo không nhờ luật sư bào chữa. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự tòa án có trách nhiệm mời luật sư và trả phí cho luật sư). Khi nhận được Công văn của Đoàn luật sư thì ngày hôm sau đã là phiên tòa (hình như Đoàn có chuyển xuống 1 văn phòng luật sư nào đó, nằm ở đó 1 tuần rồi trả lại Đoàn, sau đó Đoàn mới chuyển cho văn phòng luật sư Hoàng Long). Nên không có thời gian vào trại giam gặp bị cáo, khi đến tòa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa, vị thẩm phán chủ tọa phảy tay chỉ đống hồ sơ cao bảo “xem thì xem mà chúng nó nhận tội hết cả rồi” ( thường những vụ này các luật sư hay đùa “ là vụ chẳng còn gì để nói, ra tòa chỉ xin hộ bị cáo” nên cũng chỉ xem lướt hồ sơ . (Thú thật nhớ lại lúc đó lương tâm cũng không bị “cắn rứt” vì tâm lý nhiều luật sư đối với án chỉ định thì thường là “vào trại làm gì, cũng chẳng giải quyết được gì, mà án chỉ định thì làm gì có chi phí đi lại mà đi…”).
Mặc dù giấy báo phiên tòa là 8 giờ, nhưng phải đến 9 giờ phiên tòa mới bắt đầu khi đội dẫn giải dẫn bị cáo vào-đó là 2 thanh niên còi mặc bộ quần áo tù, tay bị cùm bước vào phòng xử trong tiếng gào điên dại từ phía dãy ghế của gia đình nạn nhân “mạng đền mạng, bắn chết chúng nó đi”. Không khí trong phòng nóng lên và ngột ngạt quá, mấy cảnh sát bảo vệ lừ lừ tiến lại phía mình dẹp đám đông ở phía dưới đang cố tràn lên để xem mặt hai thằng giết người “mặt mũi ngang dọc thế nào mà chúng ác thế” (vì luật sư bào chữa cho bị cáo cũng là đối tượng bảo vệ mà). Mình tiến đến gần hàng ghế sau vành móng ngựa nơi chúng ngôi và nói 1 câu thật sáo rỗng “tôi là luật sư được tòa án chỉ định bảo vệ cho 2 anh, các anh có đồng ý không” (vì Bộ luật tố tụng hình sự quy định là bị cáo có quyền nhờ luật sư bào chữa cho mình nên phải hỏi trước tránh trường hợp khi chủ tọa thông báo quyền mời luật sư thì bị cáo một mực không đồng ý vì ...chưa biết mặt luật sư). Đáp lại lời giới thiệu khô khan của mình là 2 ánh mắt vô hồn nhìn về hướng mình, rồi quay đi thật nhanh. Im lặng. Chỉ đến khi 1 cảnh sát dẫn giải quát” chúng mày có nghe cô luật sư nói gì không” thì cả hai đứa mới lí nhí “không có ý kiến gì”. Mình hiểu cử chỉ đó thể hiện ý “bà muốn làm gì thì làm đằng nào thì chúng tôi cũng chết, bà chẳng thể thay đổi được gì”. Và mình cũng quá quen những phản ứng tự nhiên như vậy, bởi ánh mắt của tất cả các bị cáo nói chung khi ra tòa đều như nhau-buông xuôi và chấp nhận số phận vì tất cả đều suy nghĩ- quyết định của tòa đã được “bỏ túi” từ nhiều thời gian trước khi mở phiên xét xử. Đó cũng là 1 những lý do ngày càng vắng vẻ luật sư tham gia tranh tụng trong các vụ án hình sự, bởi có làm gì được!
Ngồi ghế luật sư, quan sát 2 kẻ giết người –hai anh em cùng mẹ khác cha đang đứng trước vành móng ngựa, mình ngạc nhiên khi nhìn thấy nét mặt của chúng thản nhiên nghe vị công tố đọc bản Cáo trạng mô tả về hành vi giết người man rợ được thực hiện một cách lạnh lùng không còn nhân tính, (nạn nhân là 1 tài xế xe ta xi xấu số bị lừa chở đến 1 nơi vắng vẻ rồi bị thít cổ bằng 1 sợi dây thép (dùng để phơi quần áo mà kẻ giết người giật được ngẫu nhiên ở đâu đó) sau đó đâm bằng con dao chọc tiết lợn đã được chuẩn bị sẵn mua vội vàng ở 1 cái chợ cóc gần nơi 2 kẻ tội phạm bắt ta xi. Và man rợ hơn là chúng đã bỏ xác vào 1 bao tải dứa rồi vứt xuống 1 cái cống đầy nước trong khi nạn nhân vẫn chưa chết hẳn vì khi giám định pháp y đã phát hiện trong phổi có nước…).Với hành vi côn đồ, lạnh lùng quyết tâm giết người đến cùng hai kẻ đồng phạm đã bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng mức án cao nhất là tử hình để đảm bảo tính răn đe và trừng trị của pháp luật hình sự, làm gương cho những kẻ khác. Sau đó đến lượt luật sư đứng lên trình bày quan điểm bào chữa (hình như chỉ vẻn vẹn 5 phút đã hết vì có gì mà nói –hành vi đã rõ, các bị cáo đã khai nhận hết, mà có nghiên cứu hồ sơ đâu mà biết những lời khai nhận đó có phù hợp với các tình tiết khách quan khác trong hồ sơ vụ án-án chỉ định mà). Lời bào chữa của luật sư cũng không bị vị công tố vặn vẹo gì vì cũng chỉ đề nghị hội đồng xét xử xem xét đến tình tiết là phạm tội lần đầu…(câu cửa miệng của bất cứ luật sư nào khi lướt nhìn vào phần nhân thân mà thấy có chữ: “Tiền án, tiền sự: không”-vụ nào mà chẳng giống nhau). Tiếp theo là thủ tục các bị cáo được nói lời sau cùng, trên bàn hội đồng xét xử đã lục tục thu dọn giấy má cho vào hồ sơ chuẩn bị vào nghị án. Tuy bàn của luật sư gần vành móng ngựa nhưng mình không nghe được hai kẻ giết người nói gì vì nhiều tiếng nức nở từ hàng ghế của gia đình nạn nhân đã vang lên. Nhìn xuống người mẹ của nạn nhân hầu như đã không còn sức để nâng bức di ảnh của con với vành khăn tang, mình tự nhủ thầm : "khả năng án tử hình không còn nghi ngờ gì, có thể tuyên luôn mà không cần vào nghị án". Sau 5 phút đi vào rồi đi ra, hai kẻ giết người đứng nghe vị chủ tọa đọc bản án và tuyên án “tử hình”, với nét mặt lỳ lợm, thậm chí chúng còn nhìn đi chỗ khác tỏ ý sốt ruột ý nói đọc nhanh cho xong còn về…trại.
Phiên tòa kết thúc, đội cảnh vệ dẫn giải 2 phạm nhân lên xe bít bùng về trại giam, trước khi chúng rời phòng xử mình cũng dặn với được 1 câu theo đúng lệ “các anh nhớ làm đơn kháng cáo” (dặn là dặn cho đủ thủ tục thế thôi chứ chúng sẽ được lãnh đạo Trại giam thực hiện vì Bộ luật tố tụng hình sự quy định bị cáo còn có quyền kháng cáo, rồi còn xin Chủ tich nước ân xá rồi mới phải chết). Phía gia đình nạn nhân cũng lục tục thu dọn di ảnh, đồ đạc, 1 người dìu người mẹ của nạn nhân rời phòng xử án. Không một ai để ý đến 1 phụ nữ gầy héo hon, ngồi rũ như 1 tàu lá, đôi mắt vô hồn đau xót cố nhìn 2 bóng phạm nhân đi khuất sau hàng cảnh sát bảo vệ. Khi mình đang chuẩn bị bước đi thì chị ta tiến đến gần và lúng búng nói- 1 giọng nói như cô hồn vọng đến” Em cám ơn chị luật sư” rồi chị ta nức nở “Sao mà số em nó khổ thế, em không muốn sống nữa”. Mình ngẩng lên và trước mặt mình là 1 phụ nữ không thể đoán được tuổi tác, mặc 1 cái áo không thể đoán được trước đây là màu gì, nhưng nét mặt thì thể hiện 1 nỗi đau khổ tột cùng không bút nào tả xiết -ừ mà có người mẹ nào không đau đớn khi bị mất cùng 1 lúc 2 đứa con rứt ruột đẻ ra-cho dù chúng có là kẻ sát nhân. Mình chợt nhớ chị ta trong giai đoạn xét xử ngồi 1 góc ở hàng ghế đầu, khuất sau cái cột của phòng xử án,suốt từ đầu phiên tòa cho đến khi tan phiên tòa không ai nghe chị ta nói 1 câu nào, chỉ nghe loáng thoáng ai đó thì thầm “hình như là mẹ của hai kẻ giết người”. Chỉ sau khi đám đông cuồng nộ hận thù ra về hết thì chị ta mới dám đến cảm ơn luật sư (tự nhiên mình cảm thấy áy náy và lương tâm bắt đầu thấy có…cắn rứt (vì tôi đã làm gì cho con chị đâu, hay nói 1 cách văn vẻ: chưa làm tròn sứ mạng bảo vệ quyền con người cho con chị-vì chúng cũng là CON NGUOI mà, cũng có những quyền cơ bản, cụ thể là quyền được nhờ luật sư bào chữa, cho dù là giết người thì chí ít cũng phải phân tích được động cơ, mục đích phạm tội, lý giải được những hành vi tội ác bằng những lời lẽ thuyết phục chứ!). Định nói vài câu đại loại là : vì án chỉ định mà, lại gửi đến văn phòng muộn quá, nên không kịp vào trại gặp, nhưng chẳng nhớ hoàn cảnh gia đình của chị ta nên thôi không nói gì cả…(thật là…buồn án chỉ định). Trên đường về Văn phòng luật sư không hiểu sao tâm trí mình chỉ thấy hiển hiện hình ảnh người phụ nữ già trước tuổi tiều tụy tàn tạ ngồi câm lặng nghe xử tuyên án hai đứa con rứt ruột của mình với mức án cao nhất vì đã phạm tội giết người. Tự nhiên mình làm 1 phép so sánh (hầu như chẳng có ý nghĩa gì) hai người mẹ trong 1 phiên tòa 1 người bị mất 1 đứa con bởi thú tính của con người, còn người kia mất..2 đứa con bởi công lý phán quyết. Thuyết nhân quả nói gì nhỉ: gieo nhân nào thì nhận quả ấy. Vậy người phụ nữ đau khổ kia đã gây tội gì mà phải nhận hậu quả bị mất con ?(đối với người mẹ, đứa con là vô giá, nhiều khi còn quý hơn cả …chồng đấy).
Phần 2:
Bẳng đi hai ba tháng sau, công việc bận bịu làm mình cũng quên đi không khí phiên tòa hình sự hôm đó nhưng ánh mắt đau đáu của người phụ nữ-ánh mắt điên dại của 1 con thú bị mất con, thì thỉnh thoảng vẫn thoáng hiện về, làm cho mình cảm thấy thế nào ấy, khó tả lắm. Cho đến một hôm khi mình đến Văn phòng trợ lý luật sư trực hôm đó nói với mình: “ Vừa nhận Công văn chỉ định của Đoàn luật sư gửi kèm Công văn của Tòa phúc thẩm Tối cao chỉ đích danh chị bào chữa cho 2 bị cáo trong vụ án giết người tại phiên tòa phúc thẩm. Hay là em trả lại nhé vì tháng này Văn phòng mình đã có 2 luật sư tham gia vụ án hình sự chỉ định về ma túy mà Tòa án Tuyên Quang mời..”. Lập tức trong đầu mình lại nhớ lại 1 dáng gầy với cái áo nhàu nát mà không thể xác định là màu gì của người mẹ khốn khổ (còn tại sao chỉ nhớ đến hình ảnh này thì mình chịu không thể giải thích được) và mình bảo: "Không cần trả lại, vụ này chị đang chờ đợi đấy em làm ngay thủ tục để tòa án cấp giấy cho chị vào trại giam, đi ngay ngày mai. Còn chiều nay chị sẽ vào tòa đọc và pho to hồ sơ, em hoãn các vụ khác lại cho chị”. Cô trợ lý luật sư lại hỏi: “Thế gia đình bị cáo mời chị ạ, hay chị có hướng gì mới ạ?”. Chẳng có gì cả, không hề có bất cứ 1 niềm hy vọng nào, đơn giản là vào Trại giam để khỏi phải thỉnh thoảng lại bắt gặp ánh mắt của người phụ nữ ấy mà thôi.
Hôm sau, trời rét căm căm, mình đi vào Trại giam Hà Nội, con đường khá dài nếu tính từ nơi mình ở là cách 20 cây số. Làm thủ tục xong, trong khi chờ trích xuất, mình đứng lẫn vào đám công an vào lấy cung, kiểm sát viên vào phúc cung, 1 số luật sư vào gặp thân chủ, nói chuyện râm ran, thôi thì chuyện trên trời dưới biển, nghe loáng thoáng có giọng trêu mình “người trông thế kia mà làm án hình sự cho…phí đi”. Đám đông tản dần mỗi khi có quản giáo dẫn giải phạm nhân ra và xướng lên số tù (ở đây không theo họ tên mà theo số tù)và thế là từng người dẫn phạm nhân của mình đi về dãy buồng hỏi cung để làm việc. Mình đang liên miên nghĩ thì giật mình khi thấy trước mặt là ánh mắt giận dữ của cán bộ quản giáo vì đọc số tù mà mãi không thấy ai ra nhận (quên mất là ở đây chỉ đọc số mà mình cứ đợi đọc tên). Trước mặt mình vẫn là 2 phạm nhân nhưng trông có vẻ tiều tụy hơn, lỳ lợm hơn, thằng anh chân đã bị phù phải lê đi khó nhọc (người ta bảo: ai vào đây cũng bị không ghẻ lở hắc lào thì bị phù nề). Bàn giao 2 phạm nhân cho mình xong, người cán bộ quản giáo quay lại bàn đăng ký tiếp tục góp chuyện với hội quản giáo, còn mình cùng 2 “thân chủ” bất đắc dĩ đi dọc hành lang hun hút tối âm u để tìm phòng trống. Suốt dọc đường đi không ai nói câu nào (mà chẳng biết nói gì). Thấy thằng anh hỏi thằng em câu gì, thằng em lấm lét nhìn quanh không dám trả lời, ở đây cấm phạm nhân nói chuyện. Từ khi xong phiên tòa sơ thẩm, tuy được giam ở cùng 1 trại nhưng chúng không được gặp nhau. Hôm đấy ngày đầu tuần thảo nào mà đông kín các phòng (mọi ngày thì vắng), cuối cùng 3 cô cháu cũng tìm được 1 phòng trống, phòng hẹp chỉ kê được 1 bàn và mấy cái ghế xiêu vẹo. Hai anh em phạm nhân ngồi ở bên trong, mình ngồi bên ngoài cách 1 cái bàn. Tuy không có người canh gác nhưng mình biết vẫn có camera quay và có thể có cả ghi âm (ở đâu đó) và nội quy là không được đóng cửa, thỉnh thoảng có cán bộ quản giáo đi rảo quanh hành lang nhìn vào từng phòng và sẵn sàng lập biên bản bất cứ hành vi nào ví dụ: luật sư đưa thư gia đình cho phạm nhân hoặc bắt gặp phạm nhân viết thư nhờ đưa về cho gia đình đại loại như vậy.
Một phút im lặng, quan sát thái độ của hai đứa vẫn vẻ lỳ lợm, bất cần. Mình quyết định tấn công bằng cách của mình (thú thật là có vận dụng những kiến thức còn nhớ được của môn Tâm lý tội phạm “criminalogia” mà được học ở năm thứ hai luật MGU).
Bước 1: Mình phủ đầu” Thế nào, tưởng các cậu không thèm kháng cáo. Nếu không kháng cáo thì cô đã không phải lọ mọ vào đây, án chỉ định thì làm gì có tiền mà đổ xăng, cô còn ối việc phải làm để có tiền nuôi con”. Thấy hai đứa không nói gì, mình lại bồi tiếp” ừ mà hình như chúng mày kháng cáo kêu án nặng quá phải không? Thế thì muốn xử nhẹ thì phải khai rõ sự việc chứ ra tòa không chịu khai thì tòa công bố các bản cung do công an lập thì chúng mày thừa nhận giết người có chủ định thì mức án đó là đúng, còn kêu cái gì”. Nghe ngóng 1 lúc không thấy động tính gì....
Bước 2: Mình làm ra bộ cũng bất cần, mở cặp lấy 2 tờ giấy trắng khổ A4 đưa cho mỗi đứa 1 tờ và bảo” thôi mỗi đứa viết lại sự việc từ khi chúng mày bàn nhau đi gây án, đến lúc hành sự, rồi lẩn trốn ở đâu như thế nào cho đến khi bị bắt, xong đưa cho cô rồi cô cũng về…”. Thằng anh (có đôi mắt nhỏ dài không bao giờ nhìn lên) đáp thõng 1 câu cộc lốc “công an bắt chúng cháu viết nhiều lần rồi”. Mình bảo “nhưng viết cho luật sư thì chưa”. Thế là chúng nó lúi húi viết.Thằng em có đôi mắt to buồn (ờ mà giống đôi mắt của mẹ nó-2 đứa là cùng mẹ khác cha mà) rụt rè nhìn anh viết cũng lúi húi cúi xuống viết.
Bước 3: Quan sát: Mình bảo “Không được nhìn nhau, mỗi đứa viết theo trí nhớ. Mà chúng mày thừa nhận đồng phạm rồi thì cần gì mà hỏi nhau”. Mình lôi cái máy nghe ra nghe bài “Aó lụa Hà Đông” cho đỡ sốt ruột. Loáng một cái đã thấy thằng anh “nộp bài” liếc mắt nhìn qua đã thấy không khác gì hàng chục bản tường trình và bản cung của nó khai trong hồ sơ vụ án, không sai 1 chi tiết- mình thầm nghĩ "Thằng này quả gớm thật thảo nào nó không sợ chết, vì đằng nào mà chả chết, thoát thế nào được hình phạt..". Pháp luật là công bằng mà, oan hồn của người xấu số chắc cũng chưa siêu thoát được chắc đang nán chờ công lý được thực thi thì mới đi được. Mình để ý thấy thằng em mới viết được vài hàng, cứ cắn bút, rồi viết rồi xóa, mắt nhìn mình rồi lại nhìn xuống tờ giấy trắng. Mình bèn giả vờ lắc lắc cái tai nghe và lẩm bẩm “Máy làm sao thế này, đang hát lại dừng!”, nhác thấy thằng em tranh thủ lúc đó quay lại hỏi thằng anh “Lúc ấy là mấy giờ ấy nhỉ”. Mình đứng dậy đi ra khỏi phòng giả vờ nghe điện thoại 5 phút sau quay lại thấy tờ giấy của thằng em đã kín chữ. Chẳng cần đọc mình cũng biết thời gian gây án, địa điểm gây án, phương thức gây án….giống như bản khai của thằng anh.
Bước 4: Ra đòn tâm lý: Mình lấy tờ khai của 2 đứa cất vào hồ sơ và cho vào cặp trước ánh mắt ngỡ ngàng của hai đứa. Lúc đó thằng anh hỏi: “Thế cô không hỏi gì à”? Mình đáp “Hỏi gì mà hỏi, chúng mày có muốn sống thì cô mới cần thiết còn nếu đã chấp nhận chết thì cần gì phải hỏi”. Dừng 1 lát mình nói tiếp: “Chúng mày chết thì sướng cái thân chúng mày vì chết là hết, có biết khổ đau gì đâu. Chỉ thương là thương mẹ của chúng mày thôi. Đúng là vô phúc đẻ ra lũ con bất hiếu…”. Nhìn hai khuôn mặt cúi gằm xuống, nét lỳ lợm bất cần đã biến mất, hình như từ “mẹ” đã làm tan chảy trái tim băng giá của chúng và làm chúng thay đổi. Mắt thằng em hình như có ngấn nước. Mình nhủ thầm “Đã đến giai đoạn chuyển chiến thuật” và lập tức đổi giọng thủ thỉ: “ Cô cũng có hai đứa con, như mẹ cháu nhưng đứa đầu là con gái, đứa sau là con trai, còn mẹ cháu thì chỉ sinh hai đứa con trai. Người ta bảo sinh con gái dễ hơn con trai (chẳng hiểu sao mình lại bốc phét như vậy vì ai chẳng biết, nếu đẻ tự nhiên thì sinh con gì mà chẳng đau). Khi sinh đứa con trai là cô đau đớn nhất, chết đi sống lại vì thuộc ca khó đẻ, suýt nữa là phải mổ đẻ (mà đúng là như vậy). Còn mẹ các cháu đẻ hai cháu thì chắc cũng đau đớn lắm, lại phải đau những 2 lần). Mà đời mẹ các cháu sao khổ thế, được hai ông chồng thì chẳng ra chồng, toàn cờ bạc, nghiện ngập, đúng là gánh nặng chứ có đỡ đần gì. Nay cả hai cháu bị tội chết thì mẹ cháu chắc cũng không sống được nữa đâu. Mà ai còn dám quan hệ với mẹ của kẻ giết người. Hôm gặp cô ở tòa mẹ cháu đã khóc và bảo không thiết sống nữa…”. Thằng em chợt rên lên: “Mẹ chết thì em Quyết ai nuôi”, “ơ thế lại còn em nữa à, mấy tuổi, sao không thấy trong hồ sơ”. Thằng anh chua xót: “Vâng chúng cháu còn 1 đứa em trai nữa cũng khác bố hình như mới 2-3 tuổi gì đó. Đời mẹ cháu khổ lắm cô ạ, nếu sung sướng như cô thì bọn cháu việc gì phải ra nông nỗi này”.
Bước 5: Lật bài: Mình tung ra con át chủ bài (vì không tung ra lúc này thì sẽ không còn cơ hội nữa): “Thế thì sao 2 đứa cứ nhất quyết nhận tội, tội đến đâu chịu đến đó, còn đứa nào không đến nối phải chết thì cố mà sống hy vọng có ngày ra để chăm mẹ và nuôi em chứ. Chỉ cần có 1 đứa còn sống thì mẹ cháu mới thôi mong muốn cái chết”. Lúc đó thằng anh mới ngẩng lên nhìn (lần đầu tiên nó nhìn thẳng vào mắt mình và mình có cảm giác ở đáy mắt nó có 1 chấm sáng trong đó hình như có hình ảnh 1 người phụ nữ -đó là mẹ của nó): “cô ơi thế mà người ta bảo bọn cháu khai lúc đầu thế nào thì cứ thế mà khai, nếu thay đổi thì không được hưởng tình tiết khai báo thành khẩn”. Lúc đó mình nói: “Cô đã nghiên cứu hồ sơ thấy lời khai của hai đứa không khớp với biên bản giám định pháp y và công an cũng không tổ chức thực nghiệm nếu thực nghiệm thì sẽ thấy thằng em làm sao từ đằng sau thít cổ nạn nhân bằng dây thép được, mày trói gà còn không chặt thì làm sao giết người. Tất cả chỉ có 1 mình thằng anh làm, các cháu cứ thành khẩn khai sự thật và sẽ đối chiếu với các chứng cứ khác có trong hồ sơ. Cô tin là trời sẽ có mắt (ờ mà tại sao mình lại vận dụng "trời "vào đây nhỉ-vì chẳng còn tìm được từ khác để nói với những “thân chủ” chưa học hết lớp 1 này).
Phần 3:
Mấy ngày sau, phiên tòa hình sự phúc thẩm diễn ra với diễn biến bất ngờ: hai bị cáo đã phản cung, không thừa nhận những lời khai nhận tại cơ quan điều tra. Và theo đề nghị của luật sư bào chữa, hội đồng xét xử đã chấp nhận không căn cứ vào kết quả thẩm vấn tại phiên tòa sơ thẩm và tiến hành thẩm vấn lại, đối chiếu với các tình tiết khác có trong hồ sơ vụ án. Cuối cùng, sau bản bào chữa dài …45 phút được mình trình bày với những phân tích các mâu thuẫn của các chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập nhằm mục đích chứng minh hai kẻ đồng phạm đã có 1 thời gian thông cung khớp lời khai trước khi bị bắt chứ thực ra chỉ có 1 tên thực hiện giết người, còn 1 tên không trực tiếp thực hiện và việc giúp sức cũng không có gì là đắc lực nên đề nghị giảm án. Trước khi vào nghị án, Chủ tọa cho phép 2 bị cáo nói lời cuối cùng. Thật cảm động khi thằng anh nhận tội và đề nghị hội đồng xét xử giảm án cho thằng em để có cơ hội trở về với xã hội để nuôi mẹ.
Đến gần trưa, sau 1 hồi nghị án, bản án đã được tuyên: Thằng anh bị tử hình, còn thằng em chịu mức án chung thân (thôi cũng là tốt, miễn khỏi bị chết là vẫn còn cơ hội quay về với xã hội). Hội đồng xét xử xác định đây là vụ án giết người có hai đồng phạm nhưng kẻ phạm tội chủ mưu, chuẩn bị hung khí, thực hiện giết người đến cùng, chỉ là 1-đó là bị cáo anh, còn bị cáo em chỉ giữ vai trò giúp sức về tinh thần, (Chính ra là có dấu hiệu cấu thành tội che giấu tội phạm. May quá Bộ luật hình sự quy định những trường hợp có chung huyết thống như bố mẹ, con, anh, chị, em ruột thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (đấy cũng là 1 nét đặc thù của pháp luật hình sự của Việt Nam đề cao giá trị truyền thống của tình cảm gia đình “một giọt máu đào hơn ao nước lã”). Từ trên bàn của luật sư nhìn lướt xuống nơi khán giả ngồi, bên phía gia đình nạn nhân, vẫn thấy thấp thoáng mấy vành khăn trắng, nhưng không thấy cầm di ảnh, và tiếng khóc hình như cũng ít dần (ừ mà thời gian sẽ làm dịu đi những nối đau khổ, cuộc sống đang ở phía trước...). Bản án phúc thẩm cũng không gây sốc gì vì cũng có 1 mạng người phải trả giá cho tội ác đã gây ra. Công lý cũng đã được thực thi. Nhưng những gì đã xô đẩy những người kẻ giết người trẻ con kia (khi phạm tội chúng mới qua độ tuổi 18) vào con đường tội phạm mà khi sinh ra chúng làm gì đã có máu lạnh giết người, “nhân chi sơ, tánh bản thiện” mà có ai sinh ra đã là kẻ giết người đâu (mình chẳng tin thuyết di truyền của tội phạm) thì chẳng có tòa án nào xét xử cả. Nhìn mãi, nhìn mãi mà không nhìn thấy người mẹ đau khổ hôm xưa đâu, hình như chị ta không đến dự thì phải, từ quê lên Hà Nội chắc không có tiền đi xe, còn ăn uống, ở trọ nữa. Mình nhủ vọng cho chị ta: “Đây công lý đã trả lại cho chị 1 đứa con, tôi tin là nó sẽ cải tạo tốt để nhanh chóng trở về chăm sóc phụng dưỡng cho chị. Và chỉ có chị, chính xác là tình mẫu tử của chị đã cảm hóa trái tim khô cứng của kẻ sát nhân”. Điều đó chứng minh rằng khi niềm tin vào công lý không còn thì niềm tin vào tình mẫu tử vẫn còn. Chính tình mẫu tử mới giúp hội đồng xét xử hôm nay thực thi đúng trách nhiệm “bảo vệ công lý” , đảm bảo nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam đó là “không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội”. Nếu như phiên tòa này vẫn tuyên tử hình 1 đứa con của chị khi hành vi của nó chưa đến nỗi phải chịu tội chết thì sẽ ra sao, thuyết giáo nhà phật luôn dạy con người “oán thù nên cởi chứ không nên buộc “. Thế mới biết hình phạt nghiêm khắc nhất chưa chắc đã cảm hóa được con người. Nhưng tình MẪU TỬ -tình yêu của người mẹ đối với người con lại có sức mạnh hơn án tử hình, và đã góp phần làm cho CÔNG LÝ được thực thi.
Về phần mình, cũng thấy nhẹ nhõm, thôi thế là cũng xong nhiệm vụ “góp phần bảo vệ công lý”,mới thấy ý nghĩa của Kỷ niệm chương bảo vệ công lý của Đoàn luật sư Hà nội (mà chưa có ở Đoàn luật sư nào có) tặng cho các luật sư thành viên .Và lại ngủ ngon, lương tâm không bị cắn rứt nữa mà hình như mình cũng không còn nhác thấy ánh mắt đau buồn của người phụ nữ ấy nữa.
Kết luận:
Qua câu chuyện pháp đình nêu trên mình có một vài suy nghĩ về việc áp dụng thuyết pháp trị hay đức trị trong bối cảnh VN hiện nay.
Tranh thủ điểm lại lịch sử nhân loại thấy các biện pháp trị nước trị dân của mỗi nước mỗi hoàn cảnh mỗi khác. Ví dụ trong lịch sử Trung Quốc có hai trường phái trị nước: pháp trị và đức trị. Nhờ một nền pháp trị khốc liệt Tần Thủy Hoàng đã thẳng tay trừng trị các nhà Nho theo thuyết đức trị của Khổng giáo và thống nhất được một đất nước rộng lớn. Sau khi cách mạng thắng lợi Mao Trạch Đông đã lựa chọn pháp trị như Tần Thủy Hoàng trong Đại Cách mạng văn hóa. Còn ở Việt Nam, Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng chói của nền đức trị theo Nho giáo, bằng đạo đức bản thân để chinh phục được toàn dân và thuyết phục các nhân sĩ yêu nước cũ và tầng lớp trí thức tân học theo suốt thời kháng chiến chống Pháp (hình như trong thời kỳ này Bác Hồ chỉ xử tử có một người đó là Trần Dụ Châu). Sau khi Bác mất một thời gian dài Việt Nam trị nước bằng chỉ thị và nghị quyết (không phải cai trị theo pháp luật). Mình còn nhớ thời LHS77-78 (năm 1977) làm gì đã có trường đào tạo luật ở Việt Nam. Năm 1979 khi học xong dự bị tiếng Nga ở trường Hóa Dầu Ba cu khi đọc danh sách mình được vào học khoa Luật MGU ở Moscow mà toát hết cả mồ hôi vì chẳng biết sau khi tốt nghiệp thì về nước sẽ làm gì (mà cũng có nhiều bạn cùng lứa được phân những ngành học mà đến bây giờ ở VN hình như cũng chưa có, thế mới có chuyện nhiều người làm có đúng ngành học đâu ấy thế mà lại thành đạt hết mới giỏi chứ-thật là quá tự hào). Sau khi đường lối đổi mới đi vào cuộc sống, xã hội Việt Nam đã thực sự phân hóa sâu sắc về giai tầng, về quyền lợi, nhiều loại tội phạm đã sinh sôi nảy nở với những thủ đoạn hết sức tinh vi, tàn khốc, bắt buộc Nhà nước ta phải thay đổi biện pháp quản lý đất nước. Bộ luật hình sự năm 1999 đã được thay thế cho Bộ luật hình sự năm 1985. Nhất là sau khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, những mối quan hệ chằng chịt trong nước lại đan xen phức tạp với các mối quan hệ quốc tế, đòi hỏi phải có 1 nền pháp trị cứng rắn "bất vị thân" mới có khả năng giải quyết đúng đắn các mối quan hệ xã hội phức tạp hiện nay. Mặt khác làn sóng “Rule of law” từ các nước phương Tây tràn vào VN đã làm cho nền đức trị cổ truyền đã dần chấm hết vai trò lịch sử của nó . Chính vì vậy mà Quốc hội khóa XI đã tập trung xây dựng những luật cơ bản để tạo ra một hệ thống luật thực định làm công cụ để quản lý đất nước và hướng cho người dân sống theo nguyên tắc và thói quen “Sống và làm việc theo pháp luật” .
Quan điểm riêng của mình thế này: phải kết hợp đức trị với pháp trị. Tuy theo tinh thần "thượng tôn pháp luật", tức là theo trường phái PHÁP TRỊ (và biến thể của nó–pháp quyền), mình không thể phủ nhận biện pháp này như là một điều kiện cần thiết cho các nước đang phát triển và đi theo kinh tế thị trường, nhưng mình thấy nền đức trị vẫn có giá trị của nó chứ không hoàn toàn mất đi, chỉ có cái vận dụng như thế nào cho phù hợp mà thôi.
Theo mình nền đức trị cần thiết áp dụng cho đối tượng trẻ tuổi (để giáo dục giới trẻ nước nhà). Vì chỉ có giáo dục từ nhỏ ngay từ tuổi mẫu giáo và tiểu học thì mới vững bền, tức là giáo dục khi các con của chúng ta còn “nhân chi sơ, tánh bản thiện”. Vì thế mình thấy song song với việc chăm lo cho con cái học văn hóa, ai có điều kiện thì dạy cho con “cầm, kỳ, thi, họa” càng tốt, nhưng cốt yếu là phải giáo dục nhân cách cho trẻ ngay từ thuở bé (thì các cụ vẫn nói: ”Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”…
Ps:  1 số khái niệm cơ bản: Pháp trị, Nhân trị, Đức trị:
- Khác với khái niệm pháp trị bắt nguồn từ thời Trung Quốc cổ đại, trong thời đại hiện nay khái niệm pháp trị gắn liền với nhà nước pháp quyền và đối lập với khái niệm Nhân trị. Pháp trị là pháp luật cai trị chứ không phải con người cai trị. Có nghĩa là trong xã hội công dân không ai có thể đứng trên pháp luật, kể cả nhà nước.
- Luật pháp được sinh ra để điều chỉnh các hành vi xử xự của con người, mặt khác có là công cụ trừng phạt răn đe, phòng ngừa tội ác, tạo ổn định và phát triển xã hội. Bản thân luật cũng là thực thể tự sinh, luôn vận động, luôn tự điều chỉnh để hoàn thiện hơn, phù hợp hơn với muôn hình vạn trạng của cuộc sống nhưng cái xấu, cái ác lan truyền quá nhanh, sự điều chỉnh của luật lại cần phải có thời gian, nhiều khi không theo kịp với sự phát triển của xã hội. Nên nếu luật pháp quá hà khắc, cứng nhắc sẽ làm ảnh hưởng đến sự tự do, đến quyền của con người, thậm chí chính những điều quy định của pháp luật phát sinh ra những mặt tiêu cực làm kìm hãm sự phát triển của xã hội, bóp chết sáng tạo, sự năng động của con người.
- Còn đức trị thì dù bất cứ xã hội nào, thời kỳ nào, vấn đề đạo đức cũng được coi trọng thể hiện trong lịch sử có nhiều triều đại, chế độ mà ở đó các giá trị đạo đức con người được đưa lên hàng đầu. Xã hội đức trị còn dựa trên sự tự giác của mỗi cá thể và đề cao vai trò của dư luận trong xã hội về văn hoá, giáo dục ý thức, đạo đức, giá trị tinh thần. Nhưng nếu chỉ tuyên truyền, hô hào, giáo dục, lấy đức làm trọng cũng chỉ đem lại những kết quả hết sức hạn chế. Nhất là khi có sự phát triển của xã hội vật chất và sự phát triển của xã hội thuần đức trị đến một ngưỡng nào đó sẽ không còn phù hợp những nguyên nhân, mâu thuẫn nội tại bản thân mỗi người . Đó là lý do làm xuất hiện xã hội pháp trị tức là quản lý điều hành đất nước bằng luật pháp.
Theo mình, phương pháp nào cũng có 2 mặt: tích cực và tiêu cực ví như 2 mặt của tấm mề đay, nên mình có quan điểm riêng là cần kết hợp hài hòa các phương pháp trên để tạo nên 1 xã hội dân chủ, công bằng và văn minh-trong đó người với người sống để yêu nhau.....tức là 1 xã hội công dân tốt đẹp mà bất cứ nền chế độ chính trị xã hội nào cũng mong muốn đạt tới.
Duy có điều ...khi nào/ thời kỳ/mức độ nào thì chú trọng phương pháp nào hơn thì đó là cả 1 nghệ thuật....